Theo chị Hạnh, có rất nhiều cách để giúp con yêu thích việc đọc sách, cha mẹ hãy tham khảo những bước sau (chú ý chúng cần được làm đồng thời với nhau cộng với sự kiên trì của cha mẹ):
1. Xây dựng một tủ sách gia đình
Tại sao mỗi gia đình nên có một tủ sách? Sách là một phần trong cuộc sống của bạn cũng giống như chiếc ti vi, điện thoại hay máy tính. Nếu bạn thiếu những thứ đó bạn sẽ thấy khó chịu thì thiếu sách cũng vậy. Bạn chỉ thích nó hay thấy tầm quan trọng của nó khi bạn tiếp xúc với nó mỗi ngày.
Nhà chị Hạnh để sách ở mọi nơi từ phòng khách tới phòng ngủ, trên bàn học của con, trên những kệ sách nhỏ, trên giường hay dưới bàn sofa. Thậm chí, chị còn tận dụng cả tủ để giày để biến thành kệ sách.
Vậy tại sao chị Hạnh làm điều này? Bởi nó kích thích sự tò mò của con, cũng giống như nhà bạn có tivi, trẻ đi qua đi lại sẽ luôn nhìn thấy chiếc tivi. Lúc đầu trẻ tò mò lại muốn tới mở xem, đôi khi trẻ thích mở thử giống mọi người và dần dần trẻ làm nó như một thói quen: Mở, xem tivi mọi lúc.
Với sách cũng vậy, nếu sách được để rải khắp nơi, trẻ cũng tò mò. Khi trẻ tò mò thì trẻ sẽ mở ra xem thử, rồi dần dần thành đọc thử và hóa thành niềm yêu thích tự lúc nào không hay. Vậy làm sao để có được một tủ sách cho gia đình? Nếu mua một lần thì tốn khá nhiều tiền nhưng mình mua mỗi tháng một ít thì bạn sẽ thấy khá nhẹ nhàng.
Như chị Hạnh đã làm theo cách sau: Mỗi tháng, chị thường trích 5% lương của mình cho việc mua sách. Với cách này bạn sẽ có được một tủ sách gia đình và việc bạn đều đặn mua sách cũng giúp cả nhà thấy tầm quan trọng của việc đọc sách.
2. Làm gương cho con
Chị Hạnh rất thích đọc sách và coi đó là việc cần thiết nên làm mỗi ngày. Dù nhiều hôm khá bận nhưng chị cũng tranh thủ được 5, 10 phút đọc sách. Thời gian đọc sách đối với chị là thời gian được xả stress, nạp năng lượng mới. Đồng thời đó cũng là việc làm gương sẽ giúp con vượt qua những khó khăn khi đọc sách.
Chị Hạnh kể, có giai đoạn con không thích đọc sách chữ mà chỉ thích xem sách về các nàng công chúa, sách cắt dán hình. Chị mua sách về và mỗi tối đều dành thời gian đọc to cho con cùng nghe. Đặc biệt, đọc đến đoạn hay chị dừng lại với nhiều lý do như mẹ cần phải làm việc này việc kia hoặc mẹ bị viêm họng… nếu con thích con hãy đọc tiếp nha. Hoặc con đọc 1 đoạn, mẹ đọc 1 đoạn nhé.
“Cứ vậy đến một ngày bạn ấy đã tự đọc những quyển sách dày hơn 200 trang với tốc độ nhanh hơn mẹ. Hơn nữa, buổi tối mình không dùng điện thoại khi không có việc quan trọng. Mình sẽ đọc sách cho bạn nhỏ hoặc chơi với bạn nhỏ trong khi bạn lớn học bài hoặc đọc sách” – chị Hạnh nói.
3. Kiên trì chờ đợi
Chị Hạnh cho rằng, cha mẹ đừng nghĩ mua sách hay đọc sách là vì con. Hãy làm điều đó vì chính bản thân bạn. Hãy đọc những quyển sách bạn thích, những quyển sách bạn muốn giới thiệu đến con. Khi đọc xong, hãy kể con nghe những điều thú vị mà bạn đọc được. Việc bạn mua sách hay hàng ngày sau bữa cơm bạn đọc sách, hãy làm nó thật đều đặn.
Có thể lúc đầu đứa trẻ không quan tâm đâu, nhưng hãy kiên trì nhé! “Mình luôn tin rằng mỗi đứa trẻ đều thích đọc sách vì tất cả trẻ em đều có tính tò mò và bắt chước. Chỉ là, điều nó đến nhanh hay chậm còn tuỳ độ tuổi của con bạn. Con càng lớn càng khó thay đổi. Cha mẹ hãy kiên trì đến khi đạt được kết quả, gặt được những trái ngọt nhé!” – chị Hạnh vui vẻ khuyên.