Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Admin
(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.

Cả tháng nay, chị rối bời không biết phải xử lý vấn đề của những đứa trẻ trong cuộc hôn nhân của mình như thế nào. Đêm qua, ông bà nội của con bé gọi điện đến “dọa” chị, bảo nếu tiếp tục để cháu nội của họ bị cha dượng và con riêng của anh hành hạ thì sẽ mang cháu về nuôi. Ông bà bảo chị đã không thực hiện đúng lời hứa khi ly hôn với con trai họ, là sẽ nuôi dạy đứa cháu đích tôn của họ tốt, đảm bảo cuộc sống của nó hạnh phúc kể cả trường hợp chị tái hôn.

Trước đó, lòng chị cũng đã bất ổn khi vợ cũ của chồng tìm đến “phê phán” chị là người mẹ kế không ra gì, đối xử bất công với con gái của chị ta. Chồng chị bênh vợ, chỉ trích lại vợ cũ chẳng đủ tư cách đến đây để lên án vợ mình. Vì bản thân chị ta cũng chẳng phải là người mẹ tốt khi chạy theo nhân tình khiến hôn nhân đổ vỡ, rồi để con lại cho anh nuôi…

Cuộc cãi vã của anh và vợ cũ gay gắt diễn ra trước mặt đứa con gái khiến nó càng căm ghét chị hơn. Nó nghĩ, vì chị mà bố mẹ nó cãi nhau, rồi thì vì chị mà bố nó càng ghét mẹ nó nhiều hơn. Cô vợ cũ sau khi gây sự xong thì bỏ về, để lại cho chị một mớ hỗn độn chẳng biết giải quyết thế nào cho thấu tình đạt lý.

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cách đây gần 5 năm, chị ly hôn với người chồng nghiện cờ bạc, kiên quyết giành quyền nuôi con. Ngày đó, bố mẹ chồng chị quyết giữ lại thằng bé vì nó là cháu đích tôn trong gia đình. Họ tìm đủ mọi cách để ngăn cản chị mang con đi, khiến chị vừa phải dùng lý lẫn tình để ông bà chấp nhận cho chị nuôi con. Trong đó, chị hứa sẽ đảm bảo cuộc sống của con trai tốt nhất có thể, không để nó phải sống khổ khi chị đi bước nữa.

Ấy vậy mà, chị tái hôn chưa được một năm, thằng bé khiến cuộc sống của hai mẹ con đảo lộn theo khi không chịu hòa nhập trong gia đình “rổ rá cạp lại”.

Cuộc hôn nhân mới của chị thoạt nhìn là một gia đình con cái đủ nếp, đủ tẻ. Khi đến với nhau, anh chị bảo sẽ không sinh thêm con mà tập trung nuôi dạy con trai (của chị) và con gái (của anh) thật tốt. Sau này chúng nó lớn lên có hiếu với bố mẹ là được rồi, không cần phải sinh thêm con cho phức tạp thêm. Ai cũng hiểu chẳng dễ dàng gì với một cuộc hôn nhân trong đó có đủ thành phần “con anh, con em, con chúng ta”. Chị mang tâm niệm sẽ làm một người mẹ tốt của cả hai đứa con, anh cũng mong muốn làm một người cha tốt.

Nhưng điều mà họ không ngờ đến là, đằng sau hai đứa con riêng của mỗi người còn có nhà nội, nhà ngoại, những người cha, người mẹ khác bên ngoài. Và họ cũng là một tác nhân tác động lớn đến hai đứa trẻ khiến cho anh chị nhiều khi không biết ứng xử thế nào cho công bằng.

Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi hai đứa con riêng của anh và chị có tính cách hoàn toàn trái ngược. Con trai chị ngoan hiền học giỏi trong khi đứa con gái riêng của anh thì học yếu, tính khí bất cần. Trước khi lấy anh, chị nghĩ nếu mình yêu thương con chồng, lo lắng chăm sóc nó thì mọi việc sẽ ổn. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Hai đứa trẻ cãi nhau suốt ngày. Mỗi khi phân xử, biết ý, chị đều trách phạt con trai mình để con gái anh không nghĩ đến tâm lý “mẹ ghẻ con chồng”. Ai ngờ việc đó lại khiến hai đứa trẻ càng chống đối, ganh ghét nhau hơn.

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em” - ảnh 2
Ảnh minh họa

 Con gái anh lớn hơn con trai chị hai tuổi. Ỷ thế làm chị, nó ít khi nhường em. Cộng thêm cách phân xử hàng ngày của chị lúc nào cũng bắt con mình nhẫn nhịn, ít khi trách phạt nặng con riêng chồng, nó càng được thể làm càn. Những lúc con gái gây chuyện vô lý, sai quấy quá, chị mới dùng hình phạt với nó. Ai ngờ, nó mang chuyện đó về bên nhà ngoại “tố cáo” với mẹ, với ông bà rằng “mẹ ghẻ không thương”. Kết quả là chị nhận được những cuộc điện thoại trách cứ nặng nề.

Bên này, con trai chị cũng tương tự, nó cũng phản kháng lại việc mẹ luôn trách phạt mình và bênh vực con riêng của bố dượng bằng cách gọi điện “kêu khổ” với ông bà nội – những người luôn bênh vực nó bất kể đúng sai. Ông bà nóng ruột và bất bình cho cháu lại gọi điện “nặng nhẹ” với con dâu khiến chị không biết giải thích thế nào.

Từ ngày về sống chung với nhau, chồng chị hay đi công tác xa nhà, mọi việc chăm sóc, lo lắng chuyện học hành của các con đều một tay chị quán xuyến. Mỗi lần họp phụ huynh cho con gái, chị luôn bẽ mặt vì bị cô giáo nêu tên, phàn nàn về chuyện học hành con gái chểnh mảnh, thực hiện nội quy lớp học không nghiêm. Về nhà, chị nhắc nhở thì nó cáu kỉnh: “Kệ con, dì đừng có quan tâm, dì lo cho con dì đi”.

 Cách đây vài hôm, con gái anh lấy trộm tiền của chị để mua đồ trên mạng. Giận con hư, dạy mãi không được, như giọt nước tràn ly, chị đánh nó một cái. Thế là nó gào khóc bỏ về bên ngoại. Không biết bên nhà ngoại nghe cháu gái mách thế nào mà hôm sau bà ngoại nó tìm đến xỉa xói chị: “Chị ác lắm! Nó còn nhỏ biết gì mà đánh đập, mắng chửi nó như vậy. Quả đúng dân gian nói không sai mấy đời mẹ ghẻ thương yêu con chồng”. Chồng chị đi công tác về, chưa hiểu đầu đuôi thế nào nhưng nghe mẹ vợ cũ gọi điện “nhắc nhở”, tố cáo tội trạng của chị thì buông lời trách vợ. Chị nghe mà đắng lòng, không biết minh oan thế nào.

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Con gái riêng của anh năm nay học lớp 10, cũng gọi là lớn, có thể phụ bố mẹ việc nhà. Chị muốn con hàng ngày sau giờ học thì phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước mỗi khi mình về muộn hoặc bận gì đó. Để công bằng, chị phân việc nhà cho cả con trai lẫn con gái. Thế nhưng hai đứa không ngớt tị nạnh nhau, cãi vã nhau từ chuyện rửa bát, quét nhà... cho đến việc cho quần áo vào máy giặt.

Nhưng điều chị buồn nhất là cách nói, cách cư xử của chồng nhuốm màu “phân biệt”. Chẳng hạn, mỗi khi không vừa ý với con chị điều gì, anh lại nói: “Nó là con của cô đấy...”. Chẳng hiểu có phải “lây” tính bố không mà con gái anh không ít lần làm chị khó chịu vì những kiểu so sánh, đại loại như “Con của dì...” hay “Hồi xưa mẹ con không làm như dì đâu!”, “Mẹ con nói thế này cơ!”...

Cứ thế, chuyện hai đứa trẻ từ nhỏ cũng biến thành lớn. Dần dần, anh và chị cũng mâu thuẫn liên miên vì chuyện “con anh, con em”. Chị không biết làm thế nào để vừa dạy được con ngoan, vừa trở thành mẹ tốt.

Sau những cuộc hôn nhân thất bại, mỗi người vẫn có quyền bước tiếp để tìm lại hạnh phúc, dẫu rằng hành trình ấy chẳng dễ dàng gì. Do đa số các cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” phải đối mặt với cảnh “Con anh, con em, con chúng ta” khi xây dựng hạnh phúc mới. Đây cũng là rào cản lớn nhất, tế nhị nhất mà cũng là khó khăn nhất cho cuộc sống chung của họ. Bởi để có được hạnh phúc, đòi hỏi tất cả các thành viên trong đó phải biết cảm thông, chia sẻ, “cho đi” để “nhận lại” thật nhiều.