Khi chưa làm quen và chưa biết nhau, trong tôi thầm có những cảm nghĩ vu vơ và thú vị về chú. Dáng người cao chưa đến mét lăm, lùn đũn, cái đầu hay chùn chùn về phía trước. Khi chú bước đi, tôi cứ mường tượng đến hình ảnh một con rùa đi bằng hai chân. Kiểu người lum khum, và cái cổ như rướn về phía trước, trong đầu tôi không thoát khỏi hình ảnh chú rùa chầm chậm bước đi.
Tôi không hề có ý hạ thấp chú, hoặc không xem trọng chú, kỳ thực, cái cảm nghĩ của tôi về chú chỉ là cái ý nghĩ thoáng qua. Cũng chính vì cái dáng vẻ đặc biệt, nên tôi mới hay để ý đến chú. Sau gần hai tuần đi bộ và chạm mặt nhau, tôi quyết định làm quen với chú.
Đôi khi, cuộc đời có những sự gặp gỡ tình cờ của những người xa lạ, nhưng lại trở thành thân quen và cảm mến nhau. Trong mối quan hệ giữa tôi và chú, từ những người đi bộ lạ lẫm ở Công Viên, rồi trở nên thân tình, và đến thăm nhà nhau, thì quả đúng như vậy.
Trước đây, chú từng làm ở một Bộ, suốt gần bốn mươi năm. Với công việc của mình, sự nóng lạnh của kinh tế Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, không xa lạ gì với chú. Dù chú đã về hưu hơn chục năm rồi, nhưng tư duy còn rất sắc sảo. Quả tình, tôi khá bất ngờ khi biết ra điều này.
Vậy là cái hình ảnh “chú rùa lầm lũi bước đi” trong tâm trí tôi biến mất, thay vào đó là một cái bóng trí thức cao lồng lộng. Hiểu biết xã hội của chú rất rộng, kiến thức về lịch sử thật nhiều. Chú bàn luận về chính quyền, quan quyền, cũng như về thời cuộc, chiến tranh, rất sôi nổi và đầy ắp tri thức, thông tin, quan điểm, góc nhìn.
Tham là chết đó, cháu à. Chú nói với tôi.
Thời chú làm quản lý tài chính cho một doanh nghiệp Nhà nước, biết bao nhiêu cơ hội để có thể “kiếm ăn”, nhưng chú chẳng hề bòn rút của doanh nghiệp một đồng nào. Có thể, như vậy chú không giàu có được như thiên hạ, nhưng bù lại, chú có được sự tự do. Chú không phải nơm nớp lo sợ bị phát giác, như bao nhiêu người đồng nghiệp đồng thời.
Cứ như vậy, chú kể với tôi về thời chiến tranh, về giai đoạn bao cấp, rồi thời đổi mới sau này. Mỗi thời mỗi khác, nhưng dù trong hoàn cảnh nào chú vẫn luôn giữ vững thái độ sống của mình. Sống làm sao để không bị vướng vào bất kỳ sự liên đới nào, dẫn đến bản thân mất đi tính tự do, tự chủ. Bên cạnh chú, tôi như một cậu học trò nhỏ, lắng nghe.
Người tự do là người luôn sống có chừng mực, biết cái gì nên và không nên, theo một cách hiểu nào đó là phải biết điểm dừng.
Tôi vẫn nghĩ, điều chú chia sẻ là đúng, ít nhất là với bản thân tôi. Một người sống không có chừng mực, đều độ, thì khó đạt được sự tự do. Tự do không chỉ là không bị ràng buộc, mà còn là sự tự tại trong nội tâm mình.
Nhưng con người luôn luôn thế, lời nói lúc nào cũng dễ hơn hành động. Đơn cử như tôi vẫn còn nghiện mạng xã hội, nghiện đọc thông tin, nếu như một ngày không chạm vào điện thoại, không truy cập internet thường xuyên, là tôi thấy cuộc đời như không thể chịu đựng nổi.
Con người ngày càng ít có khả năng tự do. Dù ai cũng luôn nghĩ rằng mình được tự do, nhưng kỳ thực, con người ngày càng dễ bị phụ thuộc vào ngoại cảnh. Sống trong thế giới đầy tiện nghi đã quen, khi rời xa thế giới ấy một thời gian, thì con người cảm thấy mình không thể sống nổi!
Chú bảo: Đó là sự mất tự do. Mặt dù biết vậy, nhưng chú phải thừa nhận, rằng con và cháu của chú cũng giống như mọi người, đều lệ thuộc vào công nghệ. Trong gia đình, chỉ có chú là ít dùng những tiện nghi hiện đại, như không dùng mạng xã hội, không truy cập internet thường xuyên. Thú vui của chú là những cuốn sách văn thơ cổ điển.
Điều chú nói, tôi nghĩ không sai. Nhưng có lẽ, chú về hưu đã hơn mười năm trước, cuộc sống và công việc không cần đến công nghệ. Còn những người thuộc thế hệ trẻ hôm nay, không thể không dùng công nghệ. Chỉ có điều, cách thức dùng như thế nào để không phụ thuộc ho
àn toàn vào công nghệ mà thôi. Nghĩa là không phụ thuộc quá mức vào công nghệ, đến mức đánh mất đi chính bản thân mình.
Tôi từng chứng kiến những câu chuyện, thông tin về những đứa trẻ đòi tự tử, khi bố mẹ không cho dùng mạng xã hội. Hay những câu chuyện về những vị quan tham, bị bắt vào tù. Đó điều là những người không biết được đâu là tự do, đâu là sự liều lĩnh quá đáng!...
Và đương nhiên, làm sao họ có thể vui vẻ bước đi trong một buổi chiều tà đầy ánh sáng mê hoặc, bên cạnh những hàng cây tuyệt đẹp, như tôi và chú đi bộ, mỗi chiều!
Với những con người đó, khi đã lệ thuộc vào một điều gì đó ngoại thân, thì đâu còn cơ hội để được tự do? Trong thế giới ngày nay, mọi người đều được tự do, có quyền tự do, nhưng có thực sự sống tự do hay không, là do chọn lựa cách sống của mỗi người.
Và thi thoảng, chú vẫn hay đọc cho tôi nghe những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Quả thật, cái thú điền viên đầy tự do tự tại của người xưa, ít nhiều cũng đáng để cho con người ngày nay học hỏi vậy!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.