Với lượng người sử dụng khổng lồ, xấp xỉ 2 tỷ người dùng hoạt động mỗi ngày, Facebook đã trở thành mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới.
Sự cố không truy cập được mạng xã hội này diễn ra trên quy mô toàn cầu vào đêm 4, rạng sáng 5/10 không chỉ khiến hàng loạt các dịch vụ ăn theo, các doanh nghiệp cũng như người dùng rơi vào hỗn loạn trong nhiều giờ mà còn “thổi bay” hàng tỷ USD của các doanh nghiệp cũng như người dùng sử dụng mạng xã hội cho mục đích quảng cáo, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc không thể sử dụng Facebook trong vòng 5 tiếng sự cố đã khiến nhiều người cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
Hầu hết mọi người dùng Facebook để điều hành doanh nghiệp, chạy quảng cáo, kết nối với cộng đồng trực tuyến, thậm chí là gọi đồ ăn nên khi mạng xã hội xảy ra sự cố, công việc và cuộc sống của họ cũng bị ảnh hưởng. Anh Samir Munir, sở hữu dịch vụ giao đồ ăn ở Delhi cho biết, việc không thể tiếp cận khách hàng hoặc hoàn thành các đơn đặt hàng do tất cả đều được thực hiện qua trang Facebook và WhatsApp đã khiến anh mất đi một lượng khách hàng lớn.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Kendall Ross - chủ thương hiệu hàng dệt kim ở thành phố Oklahoma, Mỹ đã phải chịu thiệt hại lớn khi trang Instagram với hơn 32.000 người theo dõi của anh không thể truy cập. “Sự cố này đã gây thiệt hại lớn cho tôi về mặt tài chính. Nó cũng giúp tôi nhận ra rằng mạng xã hội đang kiểm soát công việc kinh doanh của mình”, Ross nhận xét.
Giáo sư truyền thông tại đại học Cornell, Brooke Erin Duffy cho biết, sự cố ngừng hoạt động của Facebook đã cảnh báo thế giới về sự phụ thuộc của người dùng vào mạng xã hội. Ước tính có tới hơn 4,48 tỷ người trên thế giới sử dụng các dịch vụ mạng xã hội khác nhau để giao tiếp với bạn bè và gia đình cũng như phục vụ mục đích kinh doanh.
Tại một số nước như Myanmar và Ấn Độ: “Internet có nghĩa là Facebook”. Bởi các tài khoản mạng xã hội được sử dụng để đăng nhập vào nhiều ứng dụng và dịch vụ khác dẫn đến mọi người không thể đăng nhập vào các trang web mua sắm hoặc đăng nhập vào TV thông minh hay các thiết bị kết nối Internet khác khi mạng xã hội này gặp sự cố.
Theo các chuyên gia bảo mật, nguyên nhân gây ra sự cố sập mạng toàn cầu của Facebook có thể là do vấn đề trong hệ thống tên miền của công ty.
Bên cạnh những lùm xùm về việc thu thập trái phép và gây lộ lọt thông tin cá nhân của người dùng, Facebook cũng biết rõ về các vấn đề đối với sản phẩm của mình, trong đó có tác hại của Instagram đối với sức khỏe tâm thần của các thiếu nữ tuổi teen và thông tin sai lệch về cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1. Tuy nhiên, mạng xã hội này vẫn hạ thấp và “làm ngơ” các vấn đề trước công chúng.
Frances Haugen, nhà khoa học dữ liệu từng làm việc cho Facebook đã lên tiếng cáo buộc công ty lừa dối nhà đầu tư về cách đối phó ngôn từ kích động thù địch và tin giả chi phối người dùng. Cô nhận định Facebook liên tục "lựa chọn lợi nhuận thay vì sự an toàn chung" trong cuộc phỏng vấn với chương trình "60 phút”.
Không thể phủ nhận Facebook đã tạo ra một cuộc cách mạng trên môi trường Internet, đẩy nhanh quá trình số hoá giúp mọi người có thể làm nhiều việc hơn chứ không chỉ đơn thuần là giữ liên lạc như ban đầu. Tuy nhiêu sau hàng loạt bê bối, lượng người dùng mạng xã hội này đã suy giảm nhanh chóng và chuyển sang nhiều nền tảng khác, như Twitter ghi nhận lượng người dùng tăng đột biến, ứng dụng nhắn tin Telegram tăng 70 triệu người dùng trong ngày…
Giám đốc điều hành Epic Games, Tim Sweeney nhận định, sự cố ngừng hoạt động đã khiến người dùng giảm phụ thuộc vào Facebook và các ứng dụng của nó.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, việc người dùng chỉ “di chuyển” từ Facebook sang các nền tảng mạng xã hội khác minh chứng cho một thực tế rằng con người đang ngày càng bị chi phối và phụ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội, thậm chí, nhiều người đã gặp vấn đề về tâm lý như bứt rứt, cảm thấy lo lắng khi không thể sử dụng mạng xã hội. Hội chứng “nghiện” mạng xã hội đã bén rễ sâu vào nhiều tầng lớp xã hội ở các quốc gia trên thế giới.
ĐỖ HỮU/baophunuthudo.vn