Khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

Admin
(PNTĐ) - Cùng với việc chống chọi với gió bão, mưa to, hàng nghìn người dân ở các vùng bị ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội đã phải thức trắng nhiều đêm cứu vật nuôi, cây trồng để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến ngành nông nghiệp Thủ đô thiệt hại nặng nề. Hiện nay,chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực tập trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai gắn với sản xuất vụ Đông năm 2024.

Thiệt hại từ những vùng “rốn lũ”

Theo Báo cáo nhanh về tinh hình ảnh hưởng cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Chương Mỹ tính đến ngày 15/9, dù có xu hướng giảm nhẹ nhưng mực nước sông Bùi vẫn trên mức báo động 3, sông Đáy trên mức báo động 2. Mực nước các hồ: Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu cũng giảm nhẹ từ 1 đến 2m nhưng đều đang vượt ngưỡng tràn. Toàn huyện Chương Mỹ có 62m kênh mương bị hỏng, 22,930m đê bị ngập, 120m đê bị sạt lở, 414,2ha hoa mùa bị hỏng, 776ha cây ăn quả bị ảnh hưởng…

Khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - ảnh 1
Các lực lượng tham gia hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa ở vùng bị ngập

Tại huyện Mỹ Đức, tính đến 15/9 toàn huyện vẫn còn 10/12 xã, thị trấn bị ảnh hưởng trực tiếp từ mưa lũ, trong đó các xã có nhiều diện tích bị ngập sâu như An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến,… Xã Hợp Thanh vẫn còn nhiều diện tích ngập khiến hơn 3.000 nhân khẩu ở 800 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và việc đi lại. Toàn xã có 120ha lúa bị đổ, trong đó 12ha đổ nặng, 108ha đổ đà; nhiều gia đình nuôi trồng thuỷ sản đã bị ngập tràn ao gây thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, tổng diện tích lúa bị đổ, ngập là 1.029,5ha, trong đó ngập sâu 145ha. Diện tích rau màu bị ngập và dập nát là 295ha; cây ăn quả ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất là 442ha. Hơn 14ha nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng, tốc mái. Hơn 41ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và gần 600 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… 

Hiện nay, toàn huyện tiếp tục tiêu úng, dựng buộc 246ha lúa đang ngập lưng cây; tiêu úng, thu hoạch diện tích rau màu dập nát, vệ sinh đồng ruộng; tổ chức khơi thông dòng chảy rãnh thoát nước; hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, triển khai sản xuất rau vụ đông sớm, ưu tiên rau ngắn ngày; rà soát, bổ sung kế hoạch cây trồng vụ đông, phấn đấu tăng diện tích; tăng thêm diện tích rau màu ngắn ngày 200-300ha, tổ chức sản xuất vụ đông sớm ngay khi nước rút.

Các giải pháp phục hồi, tăng diện tích vụ đông

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, do ảnh hưởng của bão, mưa, giông nên hầu hết các địa phương đều bị ảnh hưởng, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Riêng khu vực ngoại thành, đã có 2.243ha lúa, 1.250ha rau màu, 1.185ha cây ăn quả, hoa, cây hằng năm và 257ha thủy sản bị úng ngập.

Khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - ảnh 2
Các lực lượng tham gia hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa

Nhằm khắc phục những diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão lũ, ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân các giải pháp như: Đối với cây lúa, khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng đối với những diện tích bị ngập. Trong đó, với trà lúa sớm, có khoảng 6.983ha đang giai đoạn chín sáp, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 10 đến 15/9, tiến hành thu hoạch nhanh gọn, không để hạt lúa ngâm nước lâu ngày, tránh nảy mầm.

Với trà lúa trung và muộn đang giai đoạn trỗ và chắc xanh, chưa đến thời kỳ thu hoạch (dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20/9 đến ngày 5/10) bị đổ do mưa, giông, hướng dẫn nông dân khẩn trương dựng lúa, cột thành từng bó để chống đổ và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, làm hạt được tốt và bảo đảm công tác bảo vệ thực vật. Cần chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, như: Bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và rầy nâu... (đặc biệt lưu ý tại những ruộng lúa bị đổ).

Đối với cây rau màu sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, xới xáo phá váng ngay, khi cây trồng hồi phục mới tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng cây. Phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng cho cây nhanh chóng phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK....

Với định hướng hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương vận động nông dân tiến hành dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho cây vụ đông. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để phục vụ sản xuất cây trồng vụ đông.

Khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - ảnh 3
Phụ nữ huyện Phú Xuyên tham gia hỗ trợ thu hoạch lúa ở vùng bị ngập

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, theo kế hoạch năm 2024, cây vụ đông trồng khoảng 29.000ha. Để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Sở đã đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ đông lên 36.000ha; trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.

Với mục tiêu để vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, trồng diện tích khoảng 40.000ha/năm và đạt hiệu quả cao ở 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng vụ đông, gồm giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất theo hướng sản xuất hàng hoá. Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển diện tích cây khoai tây gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm khoảng 3.000-4.000ha/năm.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp 

Ngày 15/9, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bão số 3 là cơn bão có cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều, thời gian lưu bão dài, gây mưa lũ lớn trên diện rộng, hậu quả nghiêm trọng cả về người, tài sản, vật chất và tinh thần.Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…

Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất, Bộ NN&PTNT đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Ttrung ương khu vực phía Bắc khẩn trương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão.

Khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - ảnh 4
Các lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa ở vùng ngập lụt huyện Mỹ Đức

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại. Hiện nay, đa số các trà lúa đang ở thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ là giai đoạn mẫn cảm tới sinh trưởng, phát triển. Tùy thuộc với các trà lúa, cần thực hiện một số nội dung, như: Với diện tích lúa giai đoạn trỗ - chín sữa - chín sáp: sau khi tháo cạn nước trong ruộng nông dân tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau bằng dây chuối hoặc dây rơm nếp hay dây nylon thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

Đối với lúa làm đòng, chuẩn bị trổ: cần tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trổ thoát. Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch: Cần tập trung thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, ớt và dưa, bí các loại… theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.

“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”