Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Admin
(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.

Trong cuộc sống thường nhật, có nhiều tấm gương hiếu thảo đã lan toả những giá trị sống tích cực trong xã hội. Câu chuyện của họ cho thấy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù nghèo khó, con cái vẫn có nhiều cách để báo đáp công ơn cha mẹ, nếu thật sự muốn làm.

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường - ảnh 1
Nguyễn Mạnh Trường và bố ở Lễ vinh danh Thủ khoa xuất sắc của Hà Nội năm 2023. Ảnh: PV

Người con hiếu thảo
Tham gia chương trình Liên hoan "Người con hiếu thảo" lần thứ II, năm 2024 do Hội đồng đội, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức mới đây, Nguyễn Vũ Ngọc Trâm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại khẳng định tình yêu thương, lòng hiếu thảo của mình bằng kết quả thi vào lớp 10 hết sức ấn tượng: Đỗ vào các trường THPT Yên Hòa, THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT Chuyên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với số điểm cao. Ngọc Trâm ở với mẹ và chị gái từ khi mới 2 tuổi, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Vượt qua khó khăn, 9 năm liền, Ngọc Trâm đạt học sinh giỏi và tham gia nhiều cuộc thi các cấp, đạt giải cao. Thời điểm cô bé chuẩn bị nước rút để “vượt vũ môn” vào lớp 10, thì bệnh của mẹ trở nặng. Cô bé vừa ôn thi, vừa chăm mẹ ở bệnh viện. Để mẹ luôn vui, cô gái nhỏ đã dành món quà tuyệt vời là đỗ cùng lúc 3 trường cấp 3, trong đó có 2 trường chuyên có tiếng ở Hà Nội. 

Nguyễn Mạnh Trường, Thủ khoa chuyên ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là một trong 96 thủ khoa xuất sắc của Hà Nội năm 2023 được Thành Đoàn Hà Nội vinh danh. Động lực để Trường đạt được những thành tích đáng nể ấy, chính là lời hứa với bố của anh.

 Trường chia sẻ, bố mẹ anh đã trải qua rất nhiều biến cố. Anh trai thứ của Trường mất từ khi anh chưa chào đời, sau đó, anh trai cả lại gặp tai nạn giao thông khi đang học đại học và bị liệt toàn thân. Bố anh đã lặn lội đưa con trai đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội để giữ mạng sống cho con. “Bố mẹ ngoài lương hưu, vẫn cố gắng làm vườn để có đủ tài chính lo cho tôi và trả những khoản nợ. Đặc biệt, anh trai dù đã liệt toàn thân nhưng vẫn còn một “trái tim kiên cường” và không ngừng cố gắng. Nhưng rồi mẹ tôi không may mất đột ngột. Lần đầu tiên trong đời, tôi trải qua khó khăn kinh khủng như thế. Nhưng mình học được sự kiên cường của bố”- Trường nhớ lại.

 Đền đáp lại công dưỡng dục sinh thành của bố mẹ, Trường báo hiếu bằng việc hiện thực hóa những lời hứa với bố. “Trước khi lên đại học, tôi hứa với bố là sẽ xin được học bổng để trang trải chi phí. Sau 1 năm học, tôi được các quỹ học bổng tài trợ đủ để trang trải sinh hoạt phí và học phí cho tất cả các năm học sau này. Từ năm thứ 2 đại học, tôi hứa với bố sẽ trở thành thủ khoa chuyên ngành. Rồi tôi đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với danh hiệu thủ khoa chuyên ngành Thương mại điện tử, Á khoa đầu ra toàn khóa”- Trường tự hào. 

Ra trường, anh tiếp tục đặt mục tiêu hứa với bố đạt được học bổng toàn phần đi du học. Một năm sau, chàng thủ khoa năm nào đã vinh dự nhận học bổng toàn phần từ các quỹ và các trường tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hungary. 

Còn Tống Nhã Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Linh vẫn nỗ lực để học tốt. Bố mẹ ly hôn, Linh ở với bố và ông bà nội. Bố Linh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và mất khả năng lao động. Ông nội cũng phát hiện ung thư giai đoạn cuối, bà mắc bệnh tiểu đường. Dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng Linh luôn nỗ lực học tập, là học sinh xuất sắc tích cực tham gia phong trào của lớp của nhà trường, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi do trường phát động. Mới học lớp 3, nhưng ngoài việc phải tự chăm lo cho bản thân, tự đi học hàng ngày, Linh còn dành thời gian làm việc nhà, nấu cơm, giúp đỡ bà chăm sóc ông nội khó khăn trong việc đi lại. Linh tự nuôi mái tóc dài và tự nguyện hiến mái tóc dài của mình để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác…

Bố mẹ giữ đạo hiếu để làm gương cho con
Mỗi lần về quê, gặp người quen hay họ hàng, chị Lưu Huyền (ở Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên nghe những câu như: “Cả làng cả xã này không ai chăm mẹ già được như bố cháu đâu”, “Tìm cả tỉnh này cũng chẳng kiếm đâu ra người như bố cháu”. Nghe những lời khen ấy, chị Huyền vui lắm, càng thương bố hơn bởi sự hiếu thuận bố dành cho bà nội. Suốt những năm tháng ở nhà hay cả khi đi lấy chồng, chị Huyền được chứng kiến bố vâng lời, chăm sóc bà nội hết lòng, dù khoảng cách thế hệ đôi lúc khiến gia đình có những bất đồng, nhưng chưa một lần bố chị cãi bà nội.

“Trước đó, gia đình tôi ở riêng. Khi ông nội mất chỉ còn bà nội với căn nhà rộng thênh thang, bố mẹ tôi quyết định đón bà sang ở cùng. Được vài năm, bà yếu dần, nằng nặc đòi về nhà bà ở. Bố mẹ chiều theo ý bà. Gần 90 tuổi, bà như ngọn đèn dầu leo lét dần, bị đãng trí, rồi nặng tai, rồi bị lẫn, rồi ốm liệt giường... Về hưu, bố mẹ cũng chuyển hẳn về nhà bà. Bố cải tạo lại nhà: Xây thêm phòng bếp và toilet khép kín, lắp điều hoà, mua thêm đồ gia dụng... Đặc biệt, bố nằm gian sát buồng bà cho tiện chăm sóc. Hàng ngày, bố tần tảo đi chợ mua bán, nấu nướng, giặt giũ, cơm cháo cho bà”- chị Huyền nói.

Thương bố, mấy chị em chị Huyền muốn tìm cho bố một người giúp việc, bởi mẹ chị cũng hay đau ốm, không giúp được gì nhiều. Nhưng bố chị nhất định không đồng ý. “Mùa đông cũng như mùa hè. Ngày cũng như đêm. Đến bữa bố tự tay nấu nướng đồ ăn cho bà rồi lại tự tay vừa đút vừa dỗ dành bà ăn cho hết”- chị Huyền kể.

Anh Phạm Đình Tú (SN 1961, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) - một ông bố của ba đứa con, một người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng lại rẽ sang công việc giáo dục mầm non với mục đích giúp trẻ sớm được hình thành nhân cách từ việc dạy lễ nghĩa và đạo hiếu.  

Gia đình anh Phạm Đình Tú hiện có ba thế hệ sống chung, gồm có mẹ, vợ chồng và các con anh. Trong gia đình “tam đại đồng đường” ấy luôn tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương, sự hòa thuận và thấu hiểu lẫn nhau. Đặc biệt các con anh sớm học được các quy tắc lễ nghi trong gia đình, biết quan tâm, yêu thương và đối xử hiếu thuận với bố mẹ, ông bà bằng những hành động thiết thực.

Anh cười: “Dạy con đạo hiếu, cha mẹ hãy làm gương”. Để con học được thói quen và ý niệm tốt, vợ chồng anh luôn nhắc nhở nhau cùng làm việc tốt với mẹ bằng cái tâm của mình. Chính vì vậy, vợ anh luôn được mọi người dành lời khen ngợi bởi sự hiếu thảo, quan tâm và chăm sóc hết lòng cho mẹ chồng, từ bữa cơm, giấc ngủ hằng ngày. 

Nhớ lại năm 2020, mẹ anh bị đau ruột thừa, phải nhập viện mổ. Khi kiểm tra, bác sỹ còn phát hiện ra mẹ anh bị u gan và ung thư phổi. Đó là lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Mẹ anh được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện yêu cầu chỉ một người chăm sóc và cách ly với bên ngoài để tránh lây lan dịch. Vợ anh mong muốn được chăm sóc mẹ, bởi theo chị, phụ nữ sẽ cẩn thận và có nhiều kinh nghiệm hơn. Thế nhưng, lúc ấy, thấy các con còn nhỏ nên anh bảo vợ yên tâm ở nhà chăm sóc gia đình. “Suốt 2 tháng chăm sóc mẹ tại bệnh viện, tôi ước gì có thể đổi lấy 10 năm tuổi thọ để mẹ được khỏe mạnh, bình yên. Lúc bác sĩ làm sinh thiết phổi lấy khối u, chẳng may mẹ tôi bị tràn máu vào phổi. Tim tôi thắt lại, đau nhói, ngày ngày cầu nguyện để mọi chuyện được yên ổn. May mắn, mẹ tôi đã dần khỏe lại” - anh cho biết. 

Theo anh Tú, hằng ngày, các con được học kiến thức ở trường nhưng về nhà, bố sẽ là “nhạc trưởng” để dạy con lễ nghĩa, nền nếp gia phong. Đơn cử như trong bữa cơm, các con sẽ mời ông bà bố mẹ, lấy ghế, sắp bát… Anh dạy con biết nhường món ngon cho người cao tuổi nhất là bà nội, biết chia sẻ đồ ăn, đồ chơi cho người  thân trong gia đình. Trước khi đi ngủ, các con sẽ chúc mọi người ngủ ngon… Các con biết làm việc nhà để hỗ trợ cha mẹ. Đặc biệt, vào dịp sinh nhật của các con, anh luôn chuẩn bị quà bánh riêng để các con bày tỏ lòng biết ơn với người sinh thành ra mình…

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại