Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội

Admin
(PNTĐ) - Trong bối cảnh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu lực thực thi hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ thì tại thủ đô Hà Nội đã có những điển hình cộng đồng tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ hiệu quả di sản khảo cổ. Mỗi điển hình đem tới những bài học riêng, có giá trị để nghiên cứu, tham khảo.
Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 1
 
Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 2
Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 3
Làng gốm cổ Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội đang hồi sinh từng ngày

Làng Kim Lan có nghề làm gốm sứ nằm bên sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tuy nhiên, trước đây, ngay cả người dân trong làng cũng không hiểu nhiều về lịch sử của làng, thậm chí còn tin rằng, nghề gốm của Kim Lan được du nhập từ làng gốm cổ Bát Tràng. 

Đến năm 1967, một số người dân Kim Lan đã tìm thấy những mảnh bát, đĩa, mảnh gạch ngói cổ ở bờ sông Hồng bị sạt lở. Năm 1996, tại bãi Hàm Rồng thuộc địa bàn xã Kim Lan tiếp tục phát hiện 4 vò tiền cổ. Tin rằng Kim Lan đã từng là một trung tâm sản xuất gốm sứ quan trọng của Kinh Thành Thăng Long và khu vực, một số bậc cao niên ở Kim Lan đã thành lập “Nhóm những người tâm huyết đi tìm cội nguồn của làng” với nhiều hoạt động tìm kiếm, sưu tầm các tư liệu về lịch sử của làng. Nhờ đó, Kim Lan bắt đầu nhận được sự quan tâm của các nhà khảo cổ. Từ các năm 2001-2003, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã 3 lần khai quật địa điểm khảo cổ này. 

PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Việc phát hiện các loại gạch có hoa văn, ô trám lồng, bát nhĩ bôi... cho thấy dấu tích cư trú sớm nhất tồn tại ở Kim Lan khoảng thế kỷ II sau Công nguyên. Những dấu tích cư trú ở đây kéo dài qua nhiều thế kỷ đến sau thế kỷ XVIII. Bên cạnh đó, Kim Lan còn thể hiện là một trung tâm sản xuất gốm sứ với các di vật như đồ gốm sứ, bao nung, con kê, mảnh chồng dính, các phế phẩm sau nung... có niên đại tập trung vào giai đoạn thế kỷ XIII-XIV. 

Từ đây, câu truyện hồi sinh lịch sử của làng do chính những người dân Kim Lan và bạn bè quốc tế viết nên bắt đầu bước vào những trường đoạn hay nhất. 

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 4
Giá trị của Bảo tàng Gốm sứ lịch sử xã Kim Lan nằm ngay ở tên gọi, một bảo tàng do cộng đồng quốc tế, các chuyên gia, người dân Kim Lan... làm nên

Sau khi các nhà khảo cổ hoàn thành nhiệm vụ, một nhân vật mới đã xuất hiện là TS khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu, trao đổi cùng với chính quyền, người dân Kim Lan khám phá khảo cổ và đến tháng 3 năm 2021, một Bảo tàng Gốm sứ lịch sử xã Kim Lan đã chính thức ra đời. Điều đặc biệt, đây chính là bảo tàng Khảo cổ cộng đồng cấp xã đầu tiên trên cả nước.

Ông Đào Việt Bình, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Kim Lan nhớ lại: Giá trị của Bảo tàng Gốm sứ lịch sử xã Kim Lan nằm ngay ở tên gọi, một bảo tàng do cộng đồng quốc tế, các nhà khảo cổ, chuyên gia, người làm nghề gốm, người dân Kim Lan... hợp sức làm nên. Kinh phí xây dựng bảo tàng không lấy của Nhà nước mà do người Nhật Bản, người dân Kim Lan (dù rằng khi đó điều kiện kinh tế của nhiều gia đình vẫn còn khó khăn) tự nguyện quyên góp. Nhiều hiện vật trưng bày cũng do người dân Kim Lan tự nguyện đưa vào bảo tàng, bao gồm cả những hiện vật quý hiếm mà họ đã dầy công sưu tầm, gìn giữ. 

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 5
Ông Đào Việt Bình giới thiệu các hiện vật do người dân Kim Lan và cộng đồng tự nguyện đóng góp để trưng bày tại Bảo tàng

Chưa hết, nhận được tin về hoạt động của Bảo tàng, ông Lâm Dũ Xênh, một nhà sưu tập ở Quảng Ngãi đã tự nguyện trao tặng cho người dân một số lượng lớn các đồ gốm sứ cổ có xuất xứ từ Kim Lan mà ông sưu tầm được từ một con tàu đắm ở ngoài vùng biển Quảng Ngãi. Nhận thấy các đồ gốm sứ này không chỉ có giá trị về vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn, như một sự khẳng định sản phẩm gốm sứ Kim Lan từ thế kỷ XIII đã được xuất khẩu ra nước ngoài, ông Đào Việt Bình và các thành viên trong Hiệp hội gốm sứ Kim Lan cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể của xã đã vào Quảng Ngãi để tiếp nhận các kỷ vật được trao tặng và đưa về trưng bày tại Bảo tàng.

Từ những người thợ làm gốm đơn thuần, chưa từng được đào tạo về khảo cổ, nhưng qua những lần được tham gia vào quá trình khai quật với các chuyên gia khảo cổ mà đến nay, ông Bình và nhiều người dân Kim Lan đã nằm lòng rất nhiều kiến thức về lịch sử gốm sứ Kim Lan qua các thời kỳ.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 6
Tượng đồng TS khảo cổ người Nhật Bản Nishimura Masanari được đặt tại Bảo tàng để tri ân đóng góp của ông giúp Kim Lan hồi sinh lịch sử làng

Dẫn chúng tôi đi thăm Bảo tàng Gốm sứ lịch sử xã Kim Lan, giống như một hướng dẫn viên lành nghề, ông Bình mê mải kể về các hiện vật đang được trưng bày. Từ lâu, bảo tàng đã trở thành một phần máu thịt của dân làng Kim Lan. Mọi người thay nhau gìn giữ bảo tàng bằng tất cả lòng tự hào và tình yêu của mình. Nếu như năm xưa, các bậc cao niên đi tìm cội nguồn của làng từ các di sản khảo cổ thì hôm nay, tới lượt các nghệ nhân trẻ ở Kim Lan đang nỗ lực gây dựng lại và phát triển nghề gốm với ngày một nhiều những lò nung gốm đỏ lửa. Hàng năm, các trường học ở xã Kim Lan đều tổ chức đưa học sinh đến tham quan Bảo tàng và nghe các nghệ nhân nói về lịch sử của làng.  

Tình yêu của người dân Kim Lan với di sản của cha ông còn thể hiện ở việc họ trân trọng cả những người bạn quốc tế đã giúp họ hồi sinh lịch sử của làng. Năm 2013, sau khi nhà khảo cổ Nhật Bản Nishmura Masanari không may qua đời khi đang trên đường đi thực địa khảo cổ, rất đông người dân Kim Lan đã đến tiễn đưa ông. Mộ phần của ông - một người nước ngoài - đã được đặt ngay tại đất Kim Lan, do người dân Kim Lan chăm sóc. Trong bảo tàng Gốm sứ lịch sử xã Kim Lan cũng dành riêng một góc trưng bày bức tượng đồng nhà khảo cổ Nishmura Masanari do PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học đúc và trao tặng.

Năm 2023 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản, bảo tàng khảo cổ ở Kim Lan tiếp tục được đầu tư, nâng cấp khang trang, trở thành một biểu tượng trong quan hệ ngoại giao của hai nước Việt Nam - Nhật Bản, cũng là hình mẫu cho sức mạnh của cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 7
Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 8
 

Cũng giống như nhiều làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ, thôn Việt Yên, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng có những công trình văn hóa mang tính tâm linh như đình, chùa... Trong đó, đình làng Việt Yên nằm ngay đầu làng, bên dòng sông Tích Giang với địa thế “trên bến dưới thuyền”, trải qua thời gian một phần đã bị xuống cấp và một phần đã tháo dỡ lấy vật liệu để xây dựng các công trình khác phục vụ văn hoá phúc lợi của địa phương từ thập niên 1970. Năm 2014, thể theo nguyện vọng của người dân thôn Việt Yên, UBND huyện Quốc Oai đã quyết định đầu tư xây dựng lại đình làng Việt Yên xưa với một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Đình Thượng, Đình Hạ, các nhà Tả vu, Hữu vu, Văn chỉ, sân cờ, mộ Mai Trang công chúa.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 9
Người dân thôn Việt Yên thận trọng tìm kiếm dấu vết của người xưa tại khu vực phát hiện ngôi mộ cổ

 

Ông Đỗ Hữu Dự, hiện là trưởng thôn Việt Yên kể lại, trong lúc máy xúc đang hoạt động san gạt để đào móng xây dựng tạm thời một am thờ trên đỉnh gò Đình Thượng đã phát lộ dấu vết của những hàng gạch có hoa văn xếp hình vòm cuốn. Linh cảm có thể đây là một di tích, sự việc đã được lãnh đạo thôn báo cáo tới tới các cơ quan chức năng, sau đó một quyết định được đưa ra là giữ nguyên hiện trạng và che bạt bảo vệ để mời các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khảo cổ về nghiên cứu. Ông Đỗ Hữu Dự đã cùng cấp uỷ, chính quyền thôn và Ban khánh tiết của thôn, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng dân cư trực tiếp tìm gặp các nhà khảo cổ thuộc khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để phản ánh và đề xuất các biện pháp khai quật cũng như giữ gìn bảo tồn di tích theo quy định của Nhà nước.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 10
Gò Đình Thượng trước và sau khi khai quật, địa phương lấp đất bảo vệ nguyên trạng di tích mộ cổ

Sau đó, giữa năm 2018, một cuộc khai quật di tích đã diễn ra có sự phối hợp của Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả đã phát lộ một di tích mộ gạch với nhiều hoa văn trang trí đa dạng như ô trám lồng, ô trám đơn, gân lá, đường tròn đồng tâm... đặc trưng cho những thế kỷ đầu Công nguyên có niên đại thế kỷ II-III. Sau khi kết thúc khai quật, đoàn khai quật báo cáo kết quả và đưa ra nhiều phương án khác nhau. Cuối cùng, người dân làng Việt Yên đã đồng lòng nhất trí xây dựng một kết cấu vững chắc để bảo tồn nguyên trạng di tích mộ cổ trong lòng đất rồi mới xây dựng lại Đình Thượng. Hiện, dự án đang chờ được cấp kinh phí để triển khai. "Dân làng Việt Yên quyết tâm gìn giữ, bảo vệ di tích để trao truyền lại cho con cháu đời sau", ông Dự cho biết.

Là người trực tiếp tham gia quá trình khai quật di tích mộ cổ ở Việt Yên, Ths. Hoàng Văn Diệp, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: Chúng tôi thực sự may mắn được tiến hành một cuộc khai quật khảo cổ cho thấy tinh thần hăng hái tham gia và quý trọng di sản của cộng đồng Nhân dân thôn Việt Yên thể hiện ở nhiều phương diện. 

Về công tác quản lý điều hành, trong suốt quá trình khai quật, những cán bộ đứng đầu thay phiên nhau đảm nhận việc điều hành nhân công hàng ngày, hàng buổi. Sự hiện diện của họ đảm bảo sự ổn định trên công trường. Họ cũng là những người tích cực nhất trong việc đưa ra những ý kiến về việc bảo tồn di sản và kiên quyết bảo vệ quan điểm bảo tồn tại chỗ đối với di tích khảo cổ.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 11

Kinh phí khai quật được huy động từ quỹ chung của địa phương, trước khi thực hiện đã được thông qua với sự đồng ý của Nhân dân. Nhân công tham gia khai quật là  dân trong thôn, được huy động luân phiên với tinh thần tự nguyện, không có thù lao. Trong quá trình khai quật, số lượng người tham gia còn đông hơn dự kiến. Có cả những người không được huy động nhưng tham gia từ ngày đầu cho đến ngày đóng công trường. 

Thành phần quan tâm nhất và đông đảo nhất là nhóm người cao tuổi trong thôn. Các cụ do sức yếu không tham gia khai quật nhưng lại tự nguyện giúp việc hậu cần. Một số hộ dân còn tuyên truyền đến con em đang làm ăn sinh sống ở vùng khác về di tích của làng. Vì vậy trong quá trình khai quật, nhiều con em Việt Yên ở nơi khác về thăm và tìm hiểu về di tích.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 12

Một điển hình khác ở Hà Nội về làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản khảo cổ, chính là Khu Di chỉ Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức mà chúng tôi đã chọn để mở đầu cho loạt bài này. Đây lại 1 trong số rất ít địa điểm khảo cổ ở Việt Nam có sự tham gia của “4 bên” liên quan từ Nhà nước - Nhà nghiên cứu - Cộng đồng - Truyền thông trong hành trình nghiên cứu, khai quật, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Di chỉ Vườn Chuối, cùng với một số di chỉ khác như gò Chùa Gio, gò Chiền Vậy, gò Rền Rắn, gò Mả Phượng ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội... mang dấu ấn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 13
Ông Nguyễn Văn Thắng, một trong những người dân làng Lai Xá tích cực tham gia bảo vệ Khu Di chỉ Vườn Chuối

Ông Nguyễn Văn Thắng, một người con được sinh ra ở làng Lai Xá, đến nay đã bước vào tuổi 75 kể lại, xa xưa, thế hệ của ông bà, bố mẹ của ông thường tìm được những mảnh gốm sứ trong quá trình làm đồng, nhưng không ai biết đó có thể là cổ vật. Thấy mảnh gốm sứ nào có hoa văn đẹp, người dân nhặt đem về nhà. Đến năm 1969, thông tin về những mảnh gốm sứ đã đưa các nhà khảo cổ đến với Lai Xá, mở ra đợt khai quật đầu tiên. Đến nay, hơn 10 cuộc khảo cổ diễn ra đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Khu Di chỉ là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Thấu hiểu và trân trọng giá trị của các di sản, ông Nguyễn Văn Thắng và nhiều người dân đã không ngần ngại san sẻ nhà ở, tổ chức nấu ăn, lo hậu cần chu đáo cho các chuyên gia trong quá trình khai quật, nghiên cứu tại Khu Di chỉ.

Khi khu Di chỉ Vườn Chuối nằm trong quy hoạch triển khai một số dự án xây dựng, trong đó đoạn đường vành đai 3,5 nối từ Quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long, nhiều nhà khoa học, người dân bày tỏ quan điểm cần có giải pháp bảo tồn khu du chỉ khảo cổ quan trọng- di sản văn hóa quý hiếm của Thăng Long - Hà Nội. Những động thái này đã đạt kết quả khi Thành phố chỉ đạo kiểm tra thực tế, tổ chức các cuộc họp lắng nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, nhà khoa học để trên cơ sở đó xây dựng phương án bảo tồn. 

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 14
Thế hệ trẻ ở Lai Xá tham gia làm sạch cổ vật được tìm thấy ở Khu di chỉ Vườn Chuối, như một cách bày tỏ tình yêu, sự trân trọng đối với di sản khảo cổ của dân tộc

 

Tại Khu di chỉ Vườn Chuối, cộng đồng dân cư cũng là những  lực lượng quan trọng tham gia vào việc bảo tồn di sản khảo cổ. Hiếm có nơi nào như ở Lai Xá, người dân đã thay nhau tham gia vào quá trình khai quật và lập hẳn trang mạng xã hội để giới thiệu, cập nhật hằng ngày các hoạt động khảo cổ tại Khu di chỉ. Người dân còn bố trí người canh chừng, kịp thời phát giác, báo cáo về các hành vi xâm hại Khu Di chỉ.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 15
Người dân thôn Lai Xá từ già, trẻ, nam, nữ... đều tình nguyện tham gia khai quật tại Khu di chỉ 

Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó trưởng thôn Lai Xá, nguyên Trưởng công an xã Kim Chung đã có hơn 10 năm dầy công sưu tầm các hiện vật cổ từ Khu Di chỉ Vườn Chuối. Ông gặp gỡ nhiều người dân ở Lai Xá để thu thập lại các di vật đang nằm rải rác trong nhà dân. Ông đội mưa ra đồng cặm cụi tìm nhặt các cổ vật do nước mưa làm trôi đất mà phát lộ hay bám theo máy xúc, máy ủi... để nhặt những hiện vật, những mảnh gốm tìm được trong quá trình thi công san ủi mặt bằng rồi đem về rửa, bọc giấy bạc, bỏ vào thùng xốp bảo quản. Khi đã có một bộ sưu tập kha khá với hàng trăm các hiện vật như đồ gốm, đồ đồng, đồ đá... ông Hùng đã dùng chính nhà mình để mở bảo tàng giới thiệu các hiện vật tới công chúng.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 16

Đến nay, những nỗ lực của các nhà nghiên cứu và đặc biệt là cộng đồng người dân ở Lai Xá đã được đền đáp khi Khu Di chỉ Vườn Chuối đã có được phương án bảo tồn phù hợp. Thành phố Hà Nội đã quyết định bảo tồn khu vực phía Đông di chỉ (diện tích khoảng 6.000m2), khai quật di dời khu vực phía Tây di chỉ đảm bảo tối đa việc thu thập những di tích, di vật hiện tồn và không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường vành đai 3.5. Phương án này được đánh giá là tối ưu, đạt được sự hài lòng của các bên liên quan, góp phần giải quyết hài hòa bài toán giữa bảo tồn và phát triển.

Kỳ 3: Cộng đồng tham gia bảo vệ di sản khảo cổ: Những hình mẫu của Hà Nội - ảnh 17
Thành phố đã quyết định bảo tồn khu vực phía Đông di chỉ Vườn Chuối, khai quật di dời khu vực phía Tây di chỉ đảm bảo tối đa việc thu thập những di tích, di vật. Đây lại 1 trong số rất ít địa điểm khảo cổ học ở Việt Nam có sự tham gia của “4 bên” liên quan từ Nhà nước - Nhà nghiên cứu – Cộng đồng - Truyền thông (ảnh chụp tháng 4 năm 2024)

Câu chuyện ở Vườn Chuối đã cho thấy, trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung, di sản khảo cổ nói riêng luôn có “4 bên” đóng vai trò quan trọng, đó là: Nhà nước - Nhà nghiên cứu - Cộng đồng - Truyền thông. Trong đó, vai trò quản lý của Nhà nước được xem là yếu tố quan trọng nhất. Tiếp đó, tiếng nói từ các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu cùng truyền thông sẽ góp phần tác động đến cơ quan quản lý trong việc đánh giá, đưa ra những chính sách, phương án phù hợp trong bảo tồn di sản khảo cổ, đồng thời giúp cộng đồng nhận diện, quý trọng giá trị của các di sản. Cuối cùng, dưới sự quản lý của Nhà nước, cộng đồng là lực lượng trực tiếp bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ.