Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ

Admin
(PNTĐ) - Di sản nói chung, di sản khảo cổ nói riêng là nguồn tài nguyên quý giá đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và có thể được coi là thành tố của ngành công nghiệp văn hoá. Những hoạt động phát huy giá trị di sản khảo cổ sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, đáng tiếc vẫn còn nhiều di sản khảo cổ chưa được khai thác hiệu quả gây lãng phí tiềm năng.
Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 1

Việc cộng đồng luôn có ý thức hướng về nguồn cội, sẵn sàng tham gia bảo vệ di sản như các điển hình mà chúng tôi đề cập đến trong các bài viết trước chính là tiền đề tốt nhưng muốn khai thác, phát huy giá trị từ các “mỏ vàng” di sản khảo cổ còn cần thêm nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 2
 

Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2012 thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa có cấu trúc đặc biệt với kiểu đắp hình ốc, ngày nay còn lại 3 vòng thành dài hơn 16km, gắn với truyền thuyết về mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy và Thần Kim Quy giúp vua xây thành…

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 3
 Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (ảnh: Fanpage Thành Cổ Loa)

Các nhà khoa học đã tìm thấy ở Khu Di tích Cổ Loa nhiều cổ vật liên quan tới 4 nền văn hóa Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn. Khu di tích có gần 60 di tích trong đó có 7 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 2 di tích được xếp hạng cấp Thành phố; thuộc nhiều loại hình di tích khác nhau như: Hệ thống di tích thành hào Cổ Loa; Các di chỉ khảo cổ; Các di tích tôn giáo tín ngưỡng; Các địa danh cổ, gò đống; Các di tích cách mạng.

Đánh giá về giá trị của Khu Di tích Cổ Loa, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bày tỏ, Cổ Loa đang sở hữu các di chỉ khảo cổ dày đặc và có giá trị văn hóa-lịch sử.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 4
Công tác khai quật tại khu di tích Thành Cổ Loa. Hiện, Khu Di tích quốc gia đặc biệt này đang Cổ Loa đang sở hữu các di chỉ khảo cổ dày đặc và có giá trị văn hóa-lịch sử.

Khu di tích thành Cổ Loa có vị trí kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô, như: Tuyến cảnh quan văn hóa Sông Hồng - Hồ Tây - Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng - Mê Linh - Cổ Loa - Hoàng Thành Thăng Long - Sơn Tây - thành cổ Luy Lâu. Nếu biết khai thác, Cổ Loa hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng để giáo dục về lịch sử, văn hóa dân tộc qua các di tích, di chỉ, là trung tâm cho các sáng tạo theo đúng tinh thần phát triển công nghiệp văn hóa với các chất liệu từ truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy, Thần Kim Quy giúp vua xây thành...  Tuy nhiên, hiện nay, đánh giá cho thấy Cổ Loa đang được khai thác du lịch mạnh ở các di tích tôn giáo tín ngưỡng trong khi vẫn còn nhiều di tích khảo cổ chưa phát huy được tiềm năng.

Phần lớn các di tích khảo cổ ở Cổ Loa được phát hiện ngẫu nhiên. Sau quá trình nghiên cứu khai quật đã được lấp lại để hoàn trả mặt bằng cho người dân canh tác, do chính quyền địa phương và người dân tự quản lý. Khu di tích Cổ Loa là địa bàn cư trú lâu đời của người dân, trải qua nhiều năm, các di tích khảo cổ chưa được cắm mốc giới, cắm biển nên bị lấn chiếm, chia cắt để sử dụng vào mục đích dân sinh, từ đó làm hư hại, xuống cấp thậm chí phá hủy hoàn toàn.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 5
Những hiện vật tiêu biểu được tìm thấy tại di tích Cổ Loa

Hơn nữa, do bị chôn vùi dưới lòng đất, cùng với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hoạt động canh tác, các di chỉ khảo cổ luôn có nguy cơ bị phá hủy, xói mòn. Đối với các di tích chưa xuất lộ, còn bị vùi lấp, chịu sự tác động của những thay đổi trong lòng đất, có thể gây hại tới các hiện vật, đặc biệt là hiện vật làm bằng vật liệu kim loại, hữu cơ. Công tác nghiên cứu, điều tra một cách toàn diện tiềm năng khảo cổ tại Cổ Loa hiện chưa được thực hiện.

Được biết, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa trong đó, đặt ra mục tiêu bảo tồn, xây dựng Khu di tích Thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn của thủ đô Hà Nội. Tính chất của khu di tích thành Cổ Loa là khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt, là một trong những công viên chính của thành phố Hà Nội, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử có nhiều đặc trưng văn hóa.

Cổ Loa là 1 trong những trung tâm văn hóa lớn của đồng bằng châu thổ sông Hồng được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc. Nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị, cộng thêm với định hướng phát triển Cổ Loa trong tương lai của Chính phủ chính là những lợi thế để Cổ Loa “đánh thức” tiềm năng từ di sản khảo cổ bằng việc phát triển các hoạt động du lịch bền vững, nhất là du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, để có thể “đánh thức”  kho báu Cổ Loa, những việc cần sớm thực hiện là phải xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình nghiên cứu khảo cổ như điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ; Lập Quy hoạch tổng thể khảo cổ ở Cổ Loa; Xử lý, lập hồ sơ khoa học các di tích và hiện vật khảo cổ khi được phát hiện và xuất lộ ở Cổ Loa; Cắm biển xác định vị trí các di tích khảo cổ để bảo vệ, không để bị lấn chiếm; Sưu tầm và số hóa các tư liệu, hiện vật khảo cổ...

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 6
Các học sinh tham quan bảo tàng trong quần thể di tích Cổ Loa
Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 7

Nói đến việc “đánh thức” di sản, chúng tôi trở lại với mảnh đất Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội nơi đang chứa đựng các dữ liệu về các giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và đỉnh cao hội tụ văn hóa Đông Sơn với Di chỉ Vườn Chuối; đồng thời còn tự hào là làng nghề nhiếp ảnh duy nhất của cả nước.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 8
Một góc bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Đánh giá về tiềm năng có thể thấy, Lai Xá hiện đã có sẵn các thiết chế văn hóa là một hệ thống bảo tàng rất phong phú mà không phải nơi nào cũng xây dựng được. Đó là bảo tàng nhiếp ảnh cấp làng đầu tiên ở Việt Nam do chính người dân Lai Xá tự nguyện góp tiền xây dựng (ra mắt năm 2017). Bảo tàng về danh nhân văn hóa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Văn Huyên do PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cụ Huyên xây dựng. Ngoài ra còn phải kể tới bảo tàng khảo cổ, trưng bày các hiện vật khảo cổ khai quật được ở Khu di chỉ Vườn Chuối do người dân mở tại nhà với mong muốn mỗi hiện vật sẽ kể những câu chuyện lịch sử quý giá cho công chúng. Lai Xá cũng có vị thế đắc địa khi ở gần trung tâm Thủ đô, nằm trên tuyến du lịch Hà Nội - Ba Vì, đi từ Hoàng thành Thăng Long, tới thành cổ Sơn Tây và xa hơn là vùng đất của các di tích lịch sử-văn hóa Ba Vì...

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 9
Du khách tham quan bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
 

PGS. TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Tôi nhìn thấy có thể xây dựng một tour văn hóa lịch sử làng ở Lai Xá với nhiều hoạt động như khám phá các bảo tàng, thăm các di sản văn hóa như đình cổ Lai Xá có tuổi đời hàng trăm năm đã được xếp hạng cấp quốc gia, miếu, nhà thờ họ...

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 10
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy và những dự định phát triển du lịch kết hợp bảo tồn di sản ở Lai Xá

Vừa qua, khu vực phía Đông Khu di chỉ Vườn Chuối đã được thành phố Hà Nội phê duyệt bảo tồn. Trong tương lai, có thể xây dựng nơi này trở thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Khảo cổ”.

Song, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, hiện nay Lai Xá vẫn như "hòn ngọc thô" chưa được đầu tư "mài giũa" để có thể phát sáng xứng tầm. Để có thể đưa Lai Xá “cất cánh” - trở thành một điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, giá trị của Hà Nội, ông Huy và nhiều chuyên gia vẫn đang rất trông chờ Khu di chỉ Vườn Chuối sẽ sớm được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đây chính là sự tôn vinh một di sản quý của bậc tiền nhân để lại cho hậu thế, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, tôn vinh di sản cũng nhằm thúc đẩy niềm tự hào trong cộng đồng, qua đó gia tăng trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di tích trong Nhân dân. Với Lai Xá, việc Khu di chỉ Vườn Chuối được công nhận là di tích cấp quốc gia cũng chính là “đòn bẩy” để gia tăng giá trị và sức hút cho Lai Xá.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 11

Ông Bùi Hữu Tiến, nguyên Phó Giám đốc bảo tàng nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng từng bày tỏ quan điểm rằng, so sánh với các di tích khảo cổ đã được xếp hạng, tiêu biểu là di tích Đồng Đậu (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2000), Cổ Loa (được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012), phức hệ di tích Vườn Chuối xứng đáng được xếp hạng di tích cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt.

Ý tưởng của ông Tiến là có thể vận động, kêu gọi các chủ đầu tư, doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật tư nhân cùng tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa (bảo tàng khảo cổ, khu trưng bày ngoài trời, công viên văn hóa khảo cổ, không gian trải nghiệm di sản, đầu tư nâng cấp hiện đại hóa bảo tàng nhiếp ảnh…) theo mô hình Cộng đồng - Nhà nước - Doanh nghiệp cùng làm, nhằm phát triển Lai Xá trở thành trung tâm giải trí, du lịch văn hóa ở khu vực phía Tây Hà Nội, cũng giống như cách chúng ta đã thực hiện thành công Dự án nghệ thuật Tinh hoa Bắc Bộ ở chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội - minh chứng tiêu biểu của việc kết hợp thành công giữa nghệ thuật giải trí hiện đại với bảo tồn, khai thác các lợi thế di sản văn hóa.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 12
Công trình "Vườn hoa trong làng gốm cổ" tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm đang được thi công trên mảnh đất trước đây từng là nơi đổ phế liệu với hy vọng sau khi hoàn thành sẽ đón du khách tới trải nghiệm, đúng với định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương là phát triển nghề gốm sứ Kim Lan gắn với du lịch.

 

Tương tự, những ngày này, đến với làng gốm cổ Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội có thể thấy một công trường xây dựng với máy xúc, máy đào. Ông Đào Việt Bình, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Kim Lan phấn khởi cho biết, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới là sẽ phát triển nghề gốm sứ Kim Lan gắn với du lịch. Khu đất rộng hơn 30.000 m2 nằm ven sông Hồng trước đây vốn chỉ là nơi để người dân đổ rác thải, phế liệu hiện đã được quy hoạch, làm sạch và được thi công xây dựng trở thành “Vườn hoa trong làng gốm cổ”... Quỹ đất là của chính quyền còn kinh phí xây dựng do người dân Kim Lan tự nguyện đóng góp với tổng số tiền lên tới hàng tỉ đồng.

Ngay cuối năm 2024 này, Kim Lan hứa hẹn sẽ có được không gian với các hoạt động phong phú để giữ chân du khách tới khám phá đủ lâu và đủ nhiều. Còn cộng đồng bản địa Kim Lan cũng sẽ được hưởng lợi nhờ đa dạng hình thức mưu sinh bằng việc tham gia vào các hoạt động đón tiếp du khách, làm hướng dẫn viên, sản xuất và bán các sản phẩm lưu niệm gốm sứ, nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách... 

Có thể nói, di sản khảo cổ đến từ quá khứ, nhưng nếu chúng ta biết bảo tồn, gìn giữ cũng có nghĩa đang tạo dựng tương lai cho chính chúng ta. Bởi khi đó, di sản nói chung, di sản khảo cổ nói riêng sẽ trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững mang tầm quốc gia, quốc tế.

Kỳ 4: Đừng lãng phí “mỏ vàng” di sản khảo cổ - ảnh 13