Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu

Admin
(PNTĐ) - Suốt chiều dài văn hoá, đạo hiếu vẫn luôn được người dân Việt Nam xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Mỗi cá nhân có ý thức vun đắp và thường xuyên cho tròn chữ hiếu chính là nền tảng đạo đức để mỗi gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Kỳ cuối: Hiến kế giữ gìn đạo hiếu - ảnh 1
Đề cao đạo hiếu, hàng năm, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức tuyên dương những người con hiếu thảo. Ảnh: PV

Hiếu phải đi với lòng cung kính, là gốc để làm người

Ở Việt Nam, chữ hiếu vốn là một giá trị văn hóa rất quan trọng, thể hiện sự tôn kính, vâng lời và báo đáp công ơn sinh thành với cha mẹ, tổ tiên. Hiếu cũng là một trong những đức tính cốt yếu của người Việt và được coi là nền tảng của các giá trị gia đình, xã hội. Thượng tọa Thích Thanh Huân, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, trụ trì chùa Pháp Vân chia sẻ, trong Phật giáo, quan niệm về chữ hiếu nghĩa là con cái quan tâm tới cha mẹ ở hai phương diện, vật chất và tinh thần. Vật chất sao cho cha mẹ được no đủ, không bị đói rét, thiếu thốn, bằng lòng với cuộc sống thực tại. Tinh thần là làm cho cha mẹ được an vui, hướng cho cha mẹ cuộc sống tốt đẹp về mặt nhận thức. Có thể khi đang gặp khó khăn, chưa báo đáp được về mặt vật chất nhưng vẫn luôn quan tâm tới cha mẹ thì không thể coi là bất hiếu. Người con thể hiện mình là người có lý tưởng, định hướng trong cuộc sống, khiến cha mẹ yên tâm cũng là có hiếu rồi.

 “Chữ hiếu cần được hiểu trên phương diện rộng, không chỉ là mối liên hệ giữa con cái với cha mẹ lúc ở gần hay lúc còn tại thế mà là với gia đình, người thân, dòng họ, những người lớn tuổi xung quanh. Con cái sống tốt và biết chăm lo cho thế hệ sau cũng là thể hiện cái hiếu với ông bà tổ tiên. Bạn hãy vun đắp truyền thống đạo nghĩa tốt đẹp của tổ tiên, của dân tộc, xây dựng hình ảnh người Việt Nam tốt đẹp cũng là một cách thể hiện chữ hiếu”- Thượng tọa Thích Thanh Huân cho biết.

Là người luôn đề cao giáo dục đạo hiếu cho trẻ em trong các trường học, anh Phạm Đình Tú, Chủ tịch Hệ thống mầm non giáo dục nhân cách Khai Trí nhấn mạnh, hiếu thảo là cái gốc của đạo đức. Chừng nào con cái chưa nhận thức được có cha mẹ là niềm vui trong cuộc đời thì lúc đó, lòng hiếu thảo cũng rất khó thực hiện. Tâm hiếu lúc đó chỉ là trách nhiệm. Cách người con quan tâm đến cha mẹ thế nào mới là quan trọng.  

Anh Tú nhận định, hiếu thảo cha mẹ là một quá trình và là sợi dây tình cảm xuyên suốt, không phải là lát cắt. Với những người con ở xa, họ có thể thể hiện bằng sự trưởng thành của mình và sự kết nối đối với cha mẹ. Khi con hiếu thảo thì biết cách làm cho sợi dây kết nối đó ngày càng khăng khít. “Một người con hiếu thảo là luôn biết cách làm cho cha mẹ vui. Hiếu thảo cần được nhìn nhận trên nhiều phương diện: Chăm sóc thân, tâm của cha mẹ; tiếp nối truyền thống làm rạng danh gia đình, dòng họ, có ích cho xã hội, khiến cha mẹ tự hào…”- anh Tú nhấn mạnh.

Ni sư Thích Đồng Hoà, Ủy viên Thường trực Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tăng Phúc nhấn mạnh: Phương pháp báo hiếu không chỉ chăm lo phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất, luôn an ủi về tinh thần, tôn trọng kính lễ không làm cho cha mẹ phiền lòng mà còn phải hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo. Đó là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai. Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.

Cách báo hiếu tốt nhất là hãy trở thành người có đạo đức, biết yêu thương, tôn trọng mọi người trong cuộc sống này. Hãy để cha mẹ tự hào khi là người biết đạo nghĩa, luôn biết nổ lực trong cuộc sống này. Để một việc nào đó trở thành thói quen, ta phải luôn suy tư và đặt mình vào việc đó. Kể cả việc yêu thương và bày tỏ tình yêu của mình với người thân, đặc biệt là đối với người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Xin đừng ngại ngùng mà thể hiện tình cảm với cha mẹ, vì đến một ngày nào đó, ta cũng sẽ trở thành cha, thành mẹ, chắc chắn rằng lúc đó ta cũng rất mong muốn con cái của mình nói lời yêu thương và quan tâm mình. 

Để mỗi cá nhân là tấm gương sáng về lòng hiếu nghĩa
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” đã đề ra nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực nhân cách con người trong xã hội phát triển phải bắt nguồn từ những giá trị đạo đức trong gia đình, trong đó chữ “hiếu” giữ vai trò nền tảng đạo đức. 

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng có tiêu chí về sự hiếu thảo, lễ phép: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính. Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Sau 6 năm thực hiện Bộ Tiêu chí Ứng xử trong gia đình, thành phố Hà Nội đã xuất hiện thêm nhiều điển hình gia đình văn minh, hạnh phúc, gìn giữ và phát huy đạo hiếu. Đó là, gia đình 4 thế hệ của cụ Nguyễn Thị Tỵ, huyện Đông Anh, là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” điển hình tại vùng ngoại thành Hà Nội. Đại gia đình gồm 10 người sinh hoạt dưới một mái nhà, không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận, là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong thôn xóm noi theo.

Hay đối với gia đình của cụ Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, để 4 thế hệ sinh sống hòa thuận, mỗi thành viên đều phải đề cao đạo hiếu lên hàng đầu. Đó là đạo lý về hiếu thảo, trên kính dưới nhường, người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng. Gia đình cụ luôn giáo dục các cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây nhiều thế hệ đến nay.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong mỗi gia đình ngày xưa, yếu tố “gia phong, gia pháp” luôn được đề cao và có vai trò hết sức quan trọng. Nhiều dòng họ có truyền thống khoa bảng, hiếu học, danh gia vọng tộc luôn luôn giáo dục con cái về đạo hiếu lên hàng đầu. Con cái của những dòng họ ấy thường rất tự hào về truyền thống gia tộc, biết giữ gìn phát huy gia phong để rèn luyện phấn đấu.

Ngày nay, gia phong, gia pháp có thể hiểu như quy ước, nền nếp truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình. Hàng năm, chúng ta tôn vinh rất nhiều gia đình văn hóa, nề nếp, sống thuận hòa, yêu thương nhau. Trong những gia đình ấy, ông bà, bố mẹ, biết giữ gìn đạo đức, uốn nắn dạy dỗ con cái hướng thiện từ nhỏ, chăm chỉ tu dưỡng rèn luyện, học hành thành đạt.

Còn theo Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm, không chỉ giáo dục đạo hiếu từ trong gia đình mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giữ gìn, phát huy đạo hiếu cho lớp trẻ. Sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường với xã hội trong giáo dục đạo hiếu cho thế hệ trẻ hôm nay phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, có kiểm tra đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm. Các biện pháp giáo dục đạo hiếu cũng phải phong phú, đa dạng, phù hợp với các đối tượng, có hiệu quả đối với thế hệ trẻ.

Đạo hiếu chính là nền tảng cơ bản, vững chắc xây dựng một xã hội hạnh phúc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Anh Phạm Đình Tú cũng khẳng định: Rất cần những cuộc thi, các chương trình biểu dương tấm gương hiếu thảo giữa đời thường để lan toả giá trị tốt đẹp này trong cộng đồng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh dạy đạo hiếu tại các trường học, coi đó là cái gốc của giáo dục, để trẻ thấm nhuần giá trị văn hoá tốt đẹp này từ khi còn nhỏ…