Lại bão

Admin
Tôi về quê, làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế giỗ mẹ.

Mua vé trước, sát ngày đi mới có tin bão số 4 vào miền Trung, nhất là Đà Nẵng, Huế, và đang mạnh dần lên.

Thôi kệ, cứ lên xe, hy vọng... "nói bão cấp tám là chưa có gì?".

Và quả là, suốt đêm nằm trên xe hoàn toàn không biết bên ngoài như thế nào, thấy xe vẫn chạy bình thường. Qua Đà Nẵng thả khách cũng yên ắng.

Xuống bến xe Huế, mưa lắc thắc, em trai đón, về nhà ăn sáng, quán bún Huế rất Huế, rồi cà phê, mưa vẫn lắc thắc.

Hy vọng vừa qua Yagi, giời thương, có vào cơn này đi nữa cũng the thẩy rồi ra, dân đủ khổ rồi.

Và lại cũng yên tâm, dân miền Trung quen với bão lũ, họ có kinh nghiệm tránh bão lũ, và sống chung với bão lũ.

Như anh bạn nhà báo quê Quảng Bình hiện đang ở Đà Nẵng, sáng chế ra loại bè bằng ống nước rất hay, nhớ mấy năm trước anh làm bè chở ra Quảng Bình, rồi mua vật liệu làm tại Quảng Bình phát cho bà con, sáng nay anh nhắn về quê: "Tầm trưa nay (19/9/2024), bão vô Quảng Trị- Quảng Bình. Tâm bão cấp 8 cũng dữ, cộng mưa to nữa thì Lệ Thủy quê tui lụt chắc.

Bà con lấy mấy cái bè anh em tui tặng năm 2020 ra kiểm tra lại các mối buộc. Sợi cước buộc to nên khó đứt nhưng nó có thể bung ra.

Hồi đó do làm gấp nên ván lát ở trên không tốt. Sau 4 năm có thể bị hư, oải do mưa gió bà con coi gia cố lại cho chắc, đừng để đang đứng nó gãy nguy hiểm.

Nhà có thứ gì kê cao, treo cao được thì tốt, để an toàn hơn thì mua tấm bạt rộng trải ra, cho vào, buộc túm lại. Xe máy buộc cách này cũng ổn. Cẩn thận đừng để chân chống xe máy làm rách bạt.

Buộc rồi treo mối buộc lên cao để nước khỏi vào. Nếu bạt rộng thì treo các góc lên, dây treo phải chắc". Tức là đầy kinh nghiệm sống chung với lụt.

Trong khi đó, bà con Quảng Nam thì lại làm... hầm tránh bão. Bão sát biển thường rất mạnh, thì ta chui xuống đất trốn. Làm cái hầm, để sẵn lương thực thực phẩm ở đấy, bão lên gió vào, ta xuống hầm, thì cũng như thời chiến tranh phá hoại thôi.

Những chiếc nhà nổi cũng đã được triển khai, mà vừa rồi, sau lụt, một ngôi làng như thế đã thành điểm du lịch rất hấp dẫn, khách vào nườm nượp.

Rồi những kiểu nhà như nhà rường Huế, nhà lá mái Bình Định cũng là đúc rút từ hàng trăm năm để sống chung với bão lũ.

Cũng qua cơn bão Yagi vừa rồi, có vài vấn đề rút ra.

Một là cứu trợ. Đây là việc làm có tính truyền thống của dân ta, rất nên và cần được phát huy, có điều cần rút kinh nghiệm, ví dụ từ tận miền Tây gói bánh chưng gửi ra thì rất khó để được lâu, và rất khó nhanh tới tay người nhận. Nước ta có món lương khô quân đội rất ngon, những lúc như thế này tung ra là rất phù hợp. 

Có 2 cách, một là nhà nước phát cho những nơi cần cứu ngay. Và 2 là bán cho các nhà tài trợ, thay vì nắm cơm, gói bánh chưng bánh tét, bà con ta mua lương khô gửi lên cho bà con. Lương khô còn tiện hơn cả mì tôm nữa. Hai thứ này luân chuyển nhau có thể cầm cự được cả tuần trước khi bếp đỏ lửa được trở lại.

Và trong các túi cứu trợ rất cần có nước. Nước sau bão lũ rất mất vệ sinh.

Và hai là thông tin liên lạc. Có cách gì đấy để lúc nguy cấp nhất, phát được sóng di động cho vùng ấy, chứ vừa rồi, tới mấy trưởng thôn chạy bộ cả chục cây số để báo cáo. Cái chi tiết bí thư huyện ủy Bảo Yên tỉnh Lào Cai đã làm rất nhiều người rơi nước mắt. Khi trận lũ quét xảy ra ở thôn Làng Nủ, từ 6 giờ sáng, trưởng thôn chạy bộ ra huyện báo cáo, 14 giờ huyện mới tiếp cận được hiện trường, và không có cách gì liên lạc trực tiếp, bí thư huyện ủy phải viết thư trên giấy học trò cho người chạy ngược ra chỗ có sóng điện và gửi báo cáo bí thư và chủ tịch tỉnh.

Vân vân, tôi không liệt kê mà chỉ nêu vấn đề chứ trong thực tế rất nhiều chuyện xảy ra, và dân ta ứng phó cũng tài, có điều không phải lúc nào cũng có thể nhanh nhạy, đúng với tinh thần cấp cứu.

Dân ta rất sáng tạo, như vừa rồi một anh thanh niên rất trẻ ở miền Tây sáng chế ra cái đĩa bay nhưng bơi trên nước vèo vèo. Tất nhiên để mang ra sử dụng được còn rất nhiều bước nữa. Mà được biết, anh thanh niên này chả học trường lớp nào. Mà nước ta rất nhiều giáo sư tiến sĩ, các nhà khoa học. Vấn đề là chúng ta khơi đúng khả năng của họ, đặt hàng họ, thì anh thanh niên chả học hành gì kia còn làm được, huống gì các nhà khoa học của chúng ta.

Vấn đề là, sống ở đất nước thường xuyên mỗi năm mười mấy cơn bão, chúng ta cần xác định là sẽ sống chung với bão lũ, từ đó, tất cả những gì liên quan tới con người, chúng ta cần đặt vấn đề kèm với sống chung bão lũ, như Nhật Bản sống chung với động đất. 

Và hiện giờ, không chỉ bão lũ, nước ta có những vùng đã liên tục có động đất, vậy thì cũng cần có những "phác đồ" để sống chung với nó. Chứ như hiện nay, đâu chả biết, dân Kon Plong, Kon Tum suốt ngày thắc thỏm vì động đất, thế thì làm sao mà yên tâm sống, nói gì làm ăn, nói gì phát triển sản xuất lâu dài, nói gì du lịch (Măng Đen đang là một điểm du lịch mới).

Ơn giời, khi tôi viết bài này thì quê tôi bão vẫn chưa vào, hay chính xác là mới the thẩy. Trời sầm sì, mưa lăn phăn, gió nhẹ. Thắp hương bàn thờ mẹ, tôi khấn: mẹ linh thiêng thì giúp bà con rước ông bão ra lại biển đông. Dân vừa qua cơn Yagi, khổ lắm rồi ạ. Thấy nén hương cong vút.

Mẹ tôi, quê Ninh Bình, từ năm 1975 sau khi nghỉ hưu, về quê chồng sống và mất ở đây. Từ vùng chiêm trũng vào vùng hay bão và lụt, cụ quen cả rồi.

Vấn đề là tìm cách sống chung để an nhiên tồn tại. Nói như các vị lãnh đạo giờ hay nói: Biến nguy thành cơ. Như Huế đã có đề án biến mưa thành sản phẩm du lịch. Và cái làng Tân Hóa (Quảng Bình), vốn là rốn lũ của tỉnh này, được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới" năm 2023 là ví dụ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả