Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu

Add
Theo lời nhiều tài xế lái xe tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), họ đã phải chịu khoản tiền “trên trời rơi xuống”.

Hồ sơ điều tra - Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu

Hàng nghìn xe container chở nông sản bị ùn tắc

“Tiền luật” vài chục triệu mỗi chuyến thông quan

Có mặt tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) những ngày cuối tháng 12/2021, phóng viên Người Đưa Tin ghi nhận tâm lý sốt ruột, lo lắng của tài xế, chủ hàng khi hàng nghìn xe container chở nông sản bị ùn tắc chờ thông quan.

Muốn thông quan để tránh cảnh mất trắng, nhiều tài xế cho biết, họ phải nộp số tiền lên tới hàng chục triệu đồng cho một "thế lực" được họ gọi là “nhà luật”.

Hồ sơ điều tra - Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu (Hình 2).

“Nhà luật” mặc sức “chặt chém”.

Chờ thông quan tại cửa khẩu gần 20 ngày, anh B.V.T. (tài xế container từ Đồng Tháp) nhìn về phía xe mít sắp hỏng không dấu nổi sự trăn trở. Anh nói: “Giờ quay đầu thì mít hỏng hết. Muốn thông quan thì “nhà luật” báo giá hơn 20 triệu, mất thêm số tiền đó thì chuyến này coi như tôi làm không công”.

Anh T. bức xúc: “Cách đây hơn một năm, “tiền luật” sang Trung Quốc hết 1,7 triệu đồng rồi lên 2,2 triệu đồng, 8 triệu đồng và giờ là hơn 20 triệu đồng mỗi xe. Tiền luật tăng theo tình hình dịch bệnh”.

Như vậy, theo tài xế này, các “nhà luật” đã tồn tại từ lâu, và "tiền luật" không phải bây giờ mới xuất hiện. Trước bối cảnh ùn tắc tại cửa khẩu thì những khoản tiền bất thành văn này lại được đà tăng giá như vũ bão.

Nhiều ngày liên tục khảo sát tại bãi xe Dốc Quýt và cửa khẩu Hữu Nghị, phóng viên Người Đưa Tin liên tục nhận được phản ánh của tài xế và chủ xe về vấn đề trên.

Hồ sơ điều tra - Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu (Hình 3).

“30 triệu 750 nghìn, tiền mà làm như là lá mít vậy”, anh M. (tài xế từ Bến Tre) thốt lên khi nhận được báo giá của “nhà luật”.

Số tiền quá lớn nhưng không còn cách nào khác, anh M. đành phải chuyển khoản vì “còn nước còn tát”, xuất được hàng thì còn gỡ được tiền gốc .

Ngoài ra, nếu không trả đủ anh sẽ không nhận lại được giấy tờ xe để về. Bởi, theo anh M., các “nhà luật” đã nắm đằng chuôi. Cụ thể, trước khi giao kèo, tài xế buộc phải nộp hết giấy tờ cho “nhà luật” lo thủ tục thông quan. Chỉ khi trả đủ tiền, họ mới trả lại giấy tờ cho chủ xe.

Số tiền thường dao động từ 10-30 triệu đồng cho mỗi container khi thông quan thành công. Số tiền được báo về hoàn toàn không có phiếu thu hay hoá đơn chứng từ. Tất cả chỉ nằm vỏn vẹn trong một tin nhắn từ “nhà luật” gửi tài xế, liệt kê hàng loạt chi phí như: tiền tài bo, tiền luật Việt Nam, tiền luật Trung Quốc…

Và đương nhiên, những chi phí “nhà luật” đưa ra, khoản nào cũng “cắt cổ”. Đơn cử như phí “tài bo” để đánh xe qua cửa khẩu đã có giá từ 2,5 - hơn 7 triệu đồng.

“Nhiệm vụ của các tài bo chỉ mỗi đánh xe từ cửa khẩu Hữu Nghị sang cửa khẩu Trung Quốc với quãng đường chỉ vài trăm mét. Số tiền tài bo là quá cao vì mình chạy từ Nam ra Bắc rồi ngược lại, cực khổ lắm mới được 6 triệu đồng”, anh M. buồn bã.

Theo phán ánh của nhiều tài xế, đội ngũ “tài bo” này được thành lập do phía Trung Quốc siết chặt quy định phòng chống dịch Covid-19, các tài xế container không thể trực tiếp lái xe qua biên giới. Do đó, “tài bo” được thành lập để thay chủ xe đưa xe thông quan.

Hồ sơ điều tra - Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu (Hình 4).

"Tài bo" tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Không thông quan vẫn mất “tiền luật”

Trước cảnh ùn tắc ở cửa khẩu, nhiều xe container không chịu được phí “làm luật” quá cao nên chọn giải pháp quay đầu về đổ hàng tại các tỉnh thành để được “giải cứu”.

Thế nhưng, muốn quay xe lúc này nhiều tài xế vẫn bị "nhà luật" thu tiền vì đã lỡ nhờ làm thủ tục. Nếu không trả tiền thì “nhà luật” sẽ không trả giấy tờ.

Hồ sơ điều tra - Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu (Hình 5).

"Nhà luật" đến trả giấy tờ xe cho tài xế.

Một tài xế từ Bình Định buồn bã: “Quay đầu cũng mất mười mấy triệu “tiền luật”. Người ta bảo là giấy tờ thủ tục xong rồi thì phải mất tiền. Nhiều xe muốn về nhưng không được nữa vì toàn bộ giấy tờ đã bị giữ”.

Không chỉ mập mờ về số tiền thu không có hóa đơn chứng từ, những khoản "tiền luật" này còn có thể mặc cả. Khi bị lái xe phản ứng mạnh vì số tiền quá cao, một số "nhà luật" đã giảm giá cho các tài xế container.

Hồ sơ điều tra - Lạng Sơn: Tài xế kể chuyện oằn mình chịu “tiền luật” tại cửa khẩu (Hình 6).

Toàn bộ "tiền luật" đều không có hóa đơn chứng từ gì, chỉ có bản kê qua loa gửi cho tài xê nếu được yêu cầu.

Anh Ph.V.K. (tài xế từ Bến Tre) tiết lộ: “Tôi vừa được báo phí thông quan hơn 13 triệu đồng. Tôi bức xúc quá nên mặc cả thì họ báo lại giá 9 triệu. Tiền họ thu không có hoá đơn chứng từ gì, tôi không biết những số tiền đó sẽ đi đâu, về đâu. Mong sao cơ quan chức năng sớm vào cuộc giúp cho việc xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu được trở lại ổn định, đảm bảo công bằng, minh bạch”.

Thực tế số tiền phải nộp theo quy định là bao nhiêu, đặc biệt những “nhà luật” được tài xế phán ánh trên là ai, phóng viên sẽ gửi đến độc giả trong bài tiếp theo.

Phạm Trọng Tùng