Con háo hức y hệt mẹ ngày bé
Trung thu là tết đoàn viên, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đó còn được coi là dịp tết của thiếu nhi, nên mỗi dịp rằm tháng Tám, người người nhà nhà đều náo nức. “Theo năm tháng, Trung thu cũng có những thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Mình vẫn còn nhớ rất rõ niềm háo hức vào mỗi dịp Trung thu khi mình còn nhỏ. Nên mình luôn mong muốn được góp phần gìn giữ nét đẹp của Tết Trung thu cổ truyền”, chị Hoàng Mai, một giảng viên tiếng Anh có 2 con nhỏ cho biết.
Dù còn gần 1 tháng nữa mới tới Trung thu, nhưng vừa qua, chị Mai đã cùng các con làm đèn lồng giấy, làm bánh Trung thu và bày mâm ngũ quả. Trung thu năm nay, hai con của chị đã lớn hơn nên được mẹ cho thêm một trải nghiệm nữa là vẽ mặt nạ giấy bồi.
Năm ngoái, bạn lớn nhà chị Mai vào lớp 1. Dịp Trung thu cũng là lúc con chính thức nhập học được mấy ngày. Với mong muốn dành thời gian cùng con đồng hành tại môi trường mới, chị Mai cùng các mẹ trong hội phụ huynh học sinh lên ý tưởng trang trí tiệc Trung thu theo phong cách xưa cho các con. “Các mẹ thì trang trí không gian lớp. Có mẹ thì làm các con vật từ quả bưởi. Còn mình thì cùng cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn các con làm bánh dẻo.
Đồng thời mình làm hai chiếc bánh dẻo nhỏ xinh để lớp tham gia dự thi trang trí mâm cỗ Trung thu. Trong lúc mình thao tác, các con đứng xung quanh quan sát, có bạn còn đề nghị được giúp mình khuấy bột và nhào trộn bột hay nặn bánh. Thấy các con hào hứng, không ngại việc, sẵn sàng làm nhanh hết sức khi được mẹ và các cô nhờ làm cái nọ, cái kia, mình cũng thấy vui lây”, chị Mai cho hay.
Trung thu cũng là dịp chị Lan Anh, bác sĩ tại Bệnh viên Nhi Trung ương được thỏa đam mê lên danh sách sắm nguyên liệu làm bánh Trung thu. Chị muốn tự tay làm bánh, tự chọn vỏ hộp, vỏ bánh và làm tem mang biếu những người thân. “Mình không phải là thợ bánh chuyên nghiệp và cũng chưa bao giờ đi học làm bánh cả nên chỉ tự làm theo kinh nghiệm của bản thân. Với mình, mỗi chiếc bánh làm ra gửi đầy tình cảm trong đấy nên rất nâng niu”.
Chị Lan Anh còn hạnh phúc hơn, khi năm nay, hai bé trai nhà chị đã “đủ tuổi” để được đứng bếp cùng mẹ. Để con có kỷ niệm đánh nhớ, thay vì làm các loại bánh theo kiểu truyền thống, chị Lan Anh làm bánh thành hình các con vật. Những chú mèo, thỏ, lợn con vàng ươm, ú nú ú nần ra lò được hai con của chị hân hoan, reo vui chào đón. “Hai bạn ấy còn bảo, hóa ra mẹ cũng biết nặn hình thú à. Con chưa thấy mẹ vẽ bao giờ, nhưng sao mẹ nặn bánh tài thế. Ôi, bánh mẹ làm, trông mới đẹp làm sao!” làm mình nghe thôi cũng đã vỡ òa trong hạnh phúc rồi”.
Không chỉ các bạn nhỏ đã đi học mới được mẹ rủ rê cùng làm bánh Trung thu, mà các em bé còn ẵm ngửa, thậm chí mới biết bò, biết ăn dặm cũng được mẹ phục vụ bằng thực đơn riêng. Những chiếc bánh Trung thu cho con trai nhỏ đang tuổi ăn dặm được chị Khánh Linh làm dựa trên 3 nguyên tắc: Không đường – không bột – không lò nướng. “Hạnh phúc nhất là bé rất hợp tác, ăn rất ngon lành luôn. Thế là cũng coi như hai mẹ con có mùa trăng ý nghĩa rồi”, chị Linh tâm sự.
Chị Linh kể, hai vợ chồng vốn rất thích ăn bánh Trung thu nên từ khi bánh bắt đầu bán tại các cửa hàng là chị đã mua về để nhâm nhi. “Mỗi lần nhìn bố mẹ ăn là bé con lại thòm thèm ra vẻ xin ăn. Mà đặc điểm của bánh Trung thu thì rất ngọt, nhiều đường và bột chưa phù hợp với hệ tiêu hoá của con. Để bé có một mâm cỗ Trung thu trọn vẹn, mình đã nghĩ tra cách làm bánh trung thu phiên bản ăn dặm cho bé”, chị Linh cho biết.
Vỏ bánh chị làm từ khoai lang tím và khoai mật, sên với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Phần nhân, chị dùng hạt sen, đậu xanh, sầu riêng. Đóng khuôn bánh thành từng chiếc 50g là bé có thể ăn được ngay. “Làm bánh kiểu này rất mịn, vỏ bánh thì dẻo, thơm, các bé rất dễ ăn. Thấy con phá cỗ ngon lành, mẹ cháu cũng vui lắm”.
Cho con một Trung thu đáng nhớ
“Ngày xưa khi mẹ còn nhỏ năm nào trước Trung thu cũng được ông ngoại làm cho, khi thì đèn ông sao, đèn lồng, đèn con thỏ... tối tối kéo nhau rước quanh làng trống đánh rộn ràng khắp nơi, vui và háo hức vô cùng, Trung thu lúc nào cũng rước đèn trước cả nửa tháng kéo đến tận rằm. Còn các con bây giờ đa số đều được bố mẹ mua cho đèn và bánh bán sẵn, không còn được hưởng không khí tự chuẩn bị, háo hức chờ đón 1 Trung thu truyền thống như ngày xưa nữa. Nhưng năm nay sẽ khác”, chị Thanh Thúy (35 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ niềm vui đã rủ được con gái 5 tuổi cùng làm bánh trung thu, đèn lồng để chờ đón Trung thu về.
“Đó vừa là dịp để con được vui đùa, và cũng là cơ hội để bố mẹ nhớ lại cảm xúc ngày còn nhỏ. Nhìn con vui cũng thấy bõ công tất bật cả ngày. Những đứa trẻ thời nào cũng vậy, chẳng cần vật chất xa xỉ gì, chúng sẽ hạnh phúc rạng ngời khi được bao bọc bởi tình yêu thương”.
Khi chưa thể dành được nhiều thời gian vào bếp làm bánh Trung thu rồi háo hức bên chiếc lò nướng bánh cùng con, một số bậc cha mẹ “gửi” con đến các lớp học làm bánh, hoặc đơn giản là ở gian bếp nhà hàng xóm thích làm bánh. Bởi thế mà cứ mỗi chiều cuối tuần, gian bếp nhỏ của Hà My (30 tuổi, chủ một hiệu bánh ở huyện Thường Tín, Hà Nội) đông vui hẳn, vì gần 10 bạn nhỏ cạnh nhà cô đang túm tụm quanh một chiếc bàn nhỏ để làm bánh Trung thu.
Là chủ hiệu bánh nên những ngày này chị My đã phải liên tục canh lò để ra những mẻ bánh Trung thu theo đơn đặt hàng đi khắp nơi. Bận rộn là thế nhưng mấy năm nay, chị luôn giữ lời hứa với lũ trẻ cạnh nhà, rằng sẽ cho các con được học làm bánh. “Có các mẹ hỗ trợ dọn vệ sinh bếp nên mình không hề thấy phiền gì cả. Các con đến học, được tự tay nhào bột, được sáng tạo hình thù cho chiếc bánh của mình.
Sau buổi làm bánh, các bạn nhỏ cùng nhau “phá cỗ” liên hoan. Các con giữ lại một chiếc bánh thập cẩm được gói xinh xắn để mang về làm quà cho ông bà, bố mẹ. Khi làm bánh, mình thường kể thêm những câu chuyện cổ tích, giải thích những nét đẹp văn hoá ngày Tết Trung thu và nhiều ngày lễ khác của Việt Nam. Các con thảo luận rất sôi nổi, nhiều cháu còn về tìm hiểu thêm rồi kể cho các bạn khác trong buổi học tiếp theo”.
Ở Việt Nam, Tết Trung thu đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống được mong đợi nhất trong năm. Trải qua thời gian, Tết Trung thu ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước. Nhiều thế hệ đi trước phải ngậm ngùi suy tư và các bậc phụ huynh đều cố gắng nghĩ ra đủ hoạt động vào ngày này để “níu kéo” ký ức tuổi thơ của chính mình cho các con được tham gia chung vui. Mong rằng, cách những người mẹ rủ con cùng làm bánh, cho con đi trải nghiệm làm bánh Trung thu, hay cùng con trang trí mâm cỗ…, những nét đẹp của ngày lễ truyền thống, không khí sum vầy bên gia đình sẽ vẫn vẹn nguyên như thuở nào.