Để chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3, nhiều địa phương trên cả nước đã sẵn sàng với các phương án phù hợp nhằm thu hút khách du lịch.
Phát huy vai trò đầu tàu trong du lịch, trước khi có thông báo từ Chính phủ thì ngay từ cuối năm 2021, Tp.HCM đã chủ động xây dựng lộ trình và kế hoạch chuẩn bị để đón khách quốc tế. Thế nên giờ đây, ngành du lịch Tp.HCM đã rất sẵn sàng, từ kịch bản ứng phó diễn biến dịch bệnh đến các sản phẩm phục vụ khách quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM- thông tin với VOV:“Chúng tôi đã phối hợp với ngành y tế xây dựng các quy trình đón khách quốc tế từ sân bay đến các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan. Chúng tôi đã xây dựng quy trình mẫu và chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ rất tự tin khi đón khách quốc tế và khách quốc tế cũng sẽ rất an tâm khi đến Tp.HCM. Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng đã cùng với các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ các sản phẩm, chọn lọc các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế”.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, kế hoạch đón khách quốc tế cũng đã được địa phương xây dựng sớm và khá kỹ. Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, vì không phải là cửa ngõ chính du khách nhập cảnh vào Việt Nam, do vậy quy trình đón khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu khá đơn giản, không có nhiều trở ngại. Địa phương đã tiến hành tập huấn và tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất cũng như công tác phòng chống dịch tại các khu điểm du lịch và cơ sở lưu trú.
"Nếu trong quá trình lưu trú tại khách sạn mà du khách có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi thì nhân viên của khu du lịch đó phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Trong trường hợp du khách âm tính thì tiếp tục tham gia các hoạt động du lịch, còn khách bị dương tính thì thông báo cho cơ quan y tế để xử lý theo quy trình", ông Trịnh Hàng cho biết.
Khẳng định Quảng Nam đã và đang trong tâm thế đón khách quốc tế, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, nhận định việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế vào thời điểm này là hết sức phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phục hồi. Đây cũng là cơ hội vàng đối với ngành du lịch Quảng Nam trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến, các tiềm năng, lợi thế với du khách trong và ngoài nước khi năm 2022, địa phương này được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh".
Cũng như nhiều địa phương khác, hầu khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng nôn nao chờ ngày mở cửa du lịch với nhiều hoạt động. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT-DL Tp. Cần Thơ, cho biết 7 địa phương trong cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL gồm TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện để thu hút du khách từ đây đến cuối năm: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (Cần Thơ), Giải marathon quốc tế (Hậu Giang), lễ Thượng cờ thống nhất non sông (Cà Mau), lễ hội Ók Om Bók - Đua ghe ngo và Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ (Sóc Trăng)...
Dù trong tâm thế sẵn sàng, chỉ chờ khách tới nhưng những người làm du lịch đang ngóng quyết định chính thức vì phương án đón khách vẫn chưa được thông qua.
Trao đổi với Người Lao Động ngày 14/3, ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay địa phương này đã sẵn sàng cả về cơ sở vật chất, nhân lực, dịch vụ cũng như sản phẩm.
"Tết Nguyên đán vừa qua, Thừa Thiên - Huế đã đón một lượng khách khá đông, đó có thể coi như một cuộc tổng duyệt trước khi mở cửa. Điều mà địa phương và các doanh nghiệp chờ hiện nay là chính sách từ trung ương để có thể chủ động trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch đến khách quốc tế.
"Nhiều doanh nghiệp lữ hành hỏi chúng tôi rằng đã đón khách được chưa? Khách vào sẽ bị cách ly mấy ngày hay chỉ test nhanh Covid-19 là được? Những câu hỏi đó chúng tôi chưa thể trả lời được vì chưa có hướng dẫn, chính sách chưa chốt gì cả thì làm sao đón? Còn rất nhiều khó khăn, kể cả mở toang thì việc đón khách vẫn còn nhiều khâu để chuẩn bị", ông Giang băn khoăn.
Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.Đà Nẵng, cho biết cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng rất mong chờ chính sách thị thực và thủ tục nhập cảnh cởi mở hơn. Có như vậy thì Việt Nam mới mong cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực. Ông Dũng nhận định, mốc mở cửa từ ngày 15/3 vẫn chưa thể đưa khách quốc tế đến Việt Nam rầm rộ. Thị trường khách chủ yếu sẽ là các nước kiểm soát dịch tốt và có chính sách như Việt Nam. Hiện cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng kỳ vọng vào thị trường khách Hàn Quốc bởi nước này vừa có thông báo miễn cách ly đối với người đã tiêm đủ mũi vắc-xin.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An cũng cho biết hiện nay mọi điều kiện chuẩn bị để đón khách quốc tế trở lại tại hai điểm đến lớn này đã sẵn sàng.
Trung tâm Văn hóa thể thao, truyền thanh truyền hình Hội An cho biết gần như cả phố cổ và cộng đồng doanh nghiệp Hội An đang chờ đợi thời khắc khách quốc tế trở lại. UBND Tp.Hội An đã chi nhiều kinh phí chỉnh trang đô thị, các chương trình làm ấm lại hoạt động khu phố cổ, dàn dựng các chương trình nghệ thuật mới cũng đã được đầu tư nhưng khách quốc tế chưa thể tới tham quan.
"Nếu mọi việc không như kỳ vọng, khách không thể tới do chính sách của Việt Nam thì chúng tôi sẽ phải đền bù và uy tín bị tổn thương", đại diện một doanh nghiệp lưu trú tại Hội An nói.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - nói mọi thứ đã sẵn sàng, có tour đã bán, khách đã đặt tiền. "Sau 2 năm ngưng trệ, giờ chuyến xe dịch chuyển ngành du lịch đã nổ máy, chúng tôi đã ngồi lên rồi nhưng rất lo lắng lại phải "quay xe" và chắc chắn sẽ mất uy tín".
Ông Trần Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nêu quan điểm phải công bố quy định mở cửa du lịch sớm vì các doanh nghiệp cần một khoảng thời gian để lên kế hoạch, chương trình đón khách. Đồng thời, việc ban hành sớm sẽ giúp Khánh Hòa đón được nguồn khách vào đúng dịp hè, "mùa du lịch" của địa phương.
Được biết, động thái mới nhất liên quan vấn đề đón khách du lịch là văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL, UBND các địa phương.
Theo Người Lao Động, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 25 ngày 7/3 và gửi Bộ VH-TT-DL trước ngày 15/3 để bộ này tổng hợp, hoàn thiện và công bố theo thẩm quyền phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ động phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cũng cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định phương án cụ thể về việc cấp visa và miễn thị thực cho du khách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao thương, đặc biệt trước thời điểm mở cửa du lịch ngày 15/3.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, dự kiến tối nay (15/3) sẽ diễn ra hội nghị “Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả”, do Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hãng hàng không.
Minh Hoa (t/h)