Một kỷ niệm nghề viết

Admin
Chuyến đi ấy khi về tôi đã viết về ông, viết về những gì tôi được nghe, đã thấy, và cả bằng cảm xúc của một kẻ hậu sinh lần đầu đến cái nơi tưởng như sẽ không bao giờ được tới, và gọi ông là A Sanh.

Huyện Ia Grai vừa kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng bộ huyện. Đây là một huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, vừa gần lại vừa xa nếu lấy tâm là thành phố Pleiku. Vì thị trấn huyện cách thành phố chừng chưa tới hai chục cây, nhưng lên tới xã tận cùng huyện phía biên giới, phải tới bảy tám chục cây nữa.

Nói tên huyện rồi mô tả chắc sẽ ít người biết, nhưng nói thế này chắc nhiều người nhớ ngay, đây là quê ông A Sanh, nhân vật trong bài hát "Người lái đò trên sông Pô Kô" của nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ nhà báo Đào Mai Trang, một bài hát tới giờ hát vẫn hay, nghe vẫn thích.

Tốt nghiệp đại học năm 1981, tôi từ Huế xung phong lên Gia Lai Kon Tum nhận việc ở Ty văn hóa, gia tài có mấy bài hát, đầu tiên là bài "Còn chút gì để nhớ", khoảng thứ tư thứ năm gì đấy là bài "Người lái đò trên sông Pô Kô". Hai bài 2 thái cực, hai... phe mà nằm trong một bộ nhớ của tôi được thì cũng... tài.

Là thích thế chứ có biết ông ấy ở đâu, và cứ tưởng bài hát ấy nó thuộc về thời nào... xa lắm và ông ấy cũng ở đâu... xa lắm.

Cả năm sau thì biết, Gia Lai khi ấy có tới 3 ông còn sống mà thành nhân vật trong 3 bài hát, điều rất khó trong nền ca nhạc cách mạng. Đa phần các anh hùng phải mất rồi mới được vào bài hát, thế mà ở đây, tới 3 ông là ông Núp, ông A Sanh và ông Bùi Ngọc Đủ là nhân vật của 3 bài hát của Trần Quý (Ca ngợi anh hùng Núp), Cầm Phong Đào Mai Trang (Người lái đò trên sông Pô Kô) và Huy Thục (Con suối La La).

Ông Núp thì tôi gặp ngay cái buổi chiều đầu tiên mới đặt chân lên Pleiku tháng 11 năm 1981, trong một hoàn cảnh chả văn chương thi vị chút nào, có điều kiện tôi sẽ kể. Còn lại 2 ông tôi hạ quyết tâm phải đi tìm.

Là một hôm anh bạn đồng nghiệp của báo Gia Lai tên Nguyễn Thanh Phong ghé nhà tôi, cái nhà tập thể ấy, tí tởn khoe: tao tìm ra A Sanh rồi. Rồi chìa ra cái ảnh mỗi cái... vai một nhân vật, bảo ổng đây, đợi tuần sau báo in rồi đọc. 

Hồi ấy cả tuần mới có một số báo, và ảnh chụp rồi muốn in phải vào Sài Gòn làm kẽm. Tuần sau báo ra, tôi thích thú đọc, và nảy ra, mình sẽ đi tìm viết một cái gì ra tấm ra món chứ anh Phong chỉ viết một bài báo thì ngắn mà tin thì dài. Phải là một cái bút ký mới đã. Chuyện này, và cả... khai sinh lại cho ông Puih San tôi kể vài lần rồi, đây là một lần, xin trích lại:

"Thời ấy vào nhà A Sanh chúng tôi phải… trùm áo mưa phóng xe máy giữa trời nắng hừng hực, thế mà vào đến nơi bỏ áo mưa ra người vẫn như một cây bụi đỏ lừ. Nhiều đoạn xe sa lầy vào… bụi, bánh xe lút bum quay tít mà không bám vào được cốt đường. Nhờ chị Thúy Cải, chủ tịch mặt trận huyện, người từng là lính ở chiến trường Tây Nguyên, rất am hiểu và nói thông thạo tiếng Jrai, đi cùng mà chúng tôi mới có thể tìm được ông ở bãi chăn bò. Khi được một đứa cháu dắt về, ông khép nép sợ sệt như chưa bao giờ gặp người… Kinh. Dáng cao lòng khòng, quần sooc cởi trần và không nói tiếng Kinh, mọi giao dịch ngôn ngữ phải qua chị Cải. Nhưng khi nhắc về bến đò phà 10 thì ông hoạt bát hẳn, nói tiếng Jrai không dấu cộng thêm điệu bộ phụ họa bằng tay khiến cuộc nói chuyện bớt tẻ.

Trên dòng sông Pô Kô qua đất Ia Grai thời ấy có ba bến đò, hồi ấy gọi là phà, là phà 6 phà 8 và phà 10. Phà 6 và 10 đã chìm theo thủy điện Sê San rồi, giờ chỉ còn phà 8. Người Jrai vùng này có nghề đẽo thuyền độc mộc từ cây rừng, bơi lặn rất giỏi và đánh cá cũng cừ. Tiểu đội chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội sang sông, phục vụ quân đội được tuyển từ những chàng trai người Jrai ưu tú nhất, Puih San là một trong những chàng trai ưu tú ấy…

Nói chuyện qua sự phiên dịch của chị Cải, có chai nút lá chuối gợi hứng, chúng tôi biết Puih San và tiểu đội của ông đã có 3000 đêm không ngủ để đưa bộ đội và vũ khí các loại qua sông. Ba nghìn đêm, các chàng trai Jrai này đã bảo đảm giao thông thông suốt, đưa hàng ngàn bộ đội qua sông, hàng vạn tấn vũ khí vào chiến trường, và cũng như thế, các thương binh trở ra…

Đêm ấy, thương binh về nhiều. Hai bộ đội cáng một thương binh. Con thuyền độc mộc của ông đã có gần mười cái võng xuống, tức là đã gần ba chục con người, trong khi thuyền ông chở hết cỡ cũng chỉ không quá mười lăm người. Ai cũng vội sang sông nên không ai chịu xuống chờ chuyến sau. Đã có to tiếng xảy ra. Ông lên bờ ngồi khóc vì bất lực, nhưng rồi thương binh vẫn về, máy bay thì quần thảo. Thế là ông tặc lưỡi. Ra đến giữa sông, một loạt bom phía thượng nguồn. Hơi bom khiến thuyền lật. Tối mò mò. La hét thất thanh một hồi rồi tất cả im lặng, im đến rợn người. Tối đen, bóng tối như có thể thò tay bốc được từng mảng. Tay ông vẫn cầm mái chèo. Sức ông chỉ mấy sải là đã tới bờ. Một số bộ đội khỏe mạnh cũng bơi được, nhưng thương binh phần lớn là chìm hết. Tối quá, không thể thấy ai để cứu. Im lặng. Im lặng đến rợn người. Như chưa từng có ai qua sông. Như chưa từng có trận bom trước đó…

Ông bỏ lên bờ, thề không bao giờ bước chân xuống nước nữa"…

Một kỷ niệm nghề viết- Ảnh 1.

Ảnh: Ông A Sanh (áo thun đen) thứ 3 từ phải sang, tác giả thứ 2 phải sang.

Chuyến đi ấy khi về tôi đã viết về ông, viết về những gì tôi được nghe, đã thấy, và cả bằng cảm xúc của một kẻ hậu sinh lần đầu đến cái nơi tưởng như sẽ không bao giờ được tới, và gọi ông là A Sanh. Viết bằng tất cả sự chân thành với một sự ngưỡng mộ thánh thiện. Bài đầu tiên đăng trên tạp chí Văn Nghệ Gia Lai. 

Hồi ấy công trình nhà máy thủy điện Ia Ly đang hồi xây dựng tấp nập, lúc cao điểm nhất có đến 25 ngàn công nhân và kỹ sư làm việc trên công trường. Công ty Sông Đà 8 có một ông giám đốc rất hay đọc báo. Một hôm ông đọc bài của tôi, rồi trong giao ban công ty, ông đưa bài này ra đọc cho tất cả công nhân nghe (có hồi mỗi buổi sáng các cơ quan đều phải đọc báo như một chỉ tiêu thi đua, té ra cũng có ích phết), thảo luận, học tập, noi gương… và cuối cùng thì… quyên góp. Ngoài phần của công ty, của công đoàn, đoàn thanh niên công ty, thì cán bộ công nhân viên công ty đều đóng góp từ tiền túi của mình…

Sau đấy, các báo tiếp tục vào cuộc. Một đài truyền hình làm riêng chương trình về ông. Và ông tiếp tục được thăm hỏi, tặng quà. Bộ Tư pháp xây tặng hẳn một ngôi nhà tình nghĩa. Và cuối cùng, cái gì đến phải đến, sau khi địa phương làm hồ sơ, ông được mời ra Hà Nội dự lễ phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đích thân Thượng tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phạm Văn Trà gắn Huân chương cho trung úy A Sanh.

Nhưng có chuyện vui là, sau khi ông được phong anh hùng thì một bạn viết quen tôi ở Kon Tum điện kể rằng, anh cũng đang có hồ sơ về một A Sanh thứ thiệt. Anh này đúng tên là A Sanh, cũng từng lái đò trên sông Pô Kô (Sông Pô Kô chảy từ Kon Tum về Gia Lai men theo biên giới Việt Nam- Campuchia). 

Quả là người Bahnar ở Kon Tum thì mới có họ A ở đầu- cũng không phải là họ, mà là một cách phân biệt giới tính, A là nam còn Y là nữ. Còn ông A Sanh mà tôi đang kể thì có tên là Puih San, tức họ Puih. Người Jrai có các họ: Puih, R’com, Rmăh, Nay, Ksor… chứ không có họ A.

Thì biết làm sao, chỉ một bến phà mà đã có đến 3 tiểu đội A Sanh, mà trên con sông Pô Kô ấy có đến bao nhiêu bến phà. Theo số thứ tự thì bến đò ở Ia Kha đã là phà 10, vậy thì nhân lên phải có hàng mấy trăm A Sanh. Và rõ ràng là không thể phong cho tất cả mấy trăm A Sanh ấy thành anh hùng hết. Và A Sanh Puih San được phong, hầu như không có ai thắc mắc, ai cũng thấy là ông xứng đáng...

Thì nghề viết, nhiều khi có những kỷ niệm vui như thế.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả