Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều hệ luỵ đối với mọi mặt của đời sống, nhất là về khía cạnh sức khỏe. Các tác động ngắn hạn và dài hạn của dịch bệnh này vẫn còn được nghiên cứu, trong đó có vấn đề sức khỏe sinh sản nam giới.
"Tương tự các bệnh cảm cúm, triệu chứng của người bị nhiễm Covid-19 thường gặp là sốt và đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sốt siêu vi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tinh trùng do nhiều cơ chế tác động khác nhau và Covid-19 không phải là ngoại lệ", bác sĩ Vũ Đức Công (Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health) cho biết.
Một vài nghiên cứu so sánh giữa nồng độ testosterone của nam giới khỏe mạnh và nam giới nhiễm Covid-19 cho thấy kết quả chưa thống nhất. Nghĩa là một số kết quả cho thấy nồng độ testosterone giữa người nhiễm và người khỏe mạnh không thay đổi; một số lại cho thấy người bị nhiễm Covid-19 có nồng độ testosterone suy giảm, đặc biệt ở người bị nhiễm nặng thì nồng độ LH lại tăng.
LH là một hóc-môn điều hòa việc chế tiết testosterone của tinh hoàn. Điều này cho thấy nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng chế tiết testosterone của tinh hoàn hơn là ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên điều hòa hoạt động nội tiết của tinh hoàn.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sự hiện diện của virus corona trong mẫu tinh dịch của nam giới bị nhiễm, tuy nhiên một nghiên cứu tiến hành trên 34 nam giới tại Bệnh viện Đại học Duesseldorf, Đức năm 2020 cho thấy nhóm bệnh nhân bị nhiễm virus có mật độ, tổng số tinh trùng, độ di động suy giảm đáng kể so với nhóm nam giới khỏe mạnh.
TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi không thuộc chuyên khoa nam học nhưng trong quá trình làm việc tôi nghe nhiều nam bệnh nhân than phiền rằng bản thân bị rối loạn cương dương, giảm nhu cầu sinh lý sau nhiễm Covid-19.
Tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo nghiên cứu về vấn đề này nhưng thực tế ghi nhận có mối liên hệ giữa Covid -19 và sức khỏe sinh sản nam giới suy giảm".
TS Hùng dẫn một số bài nghiên cứu nước ngoài nổi tiếng (năm 2021) liên quan về vấn đề này. Trong đó có nêu tỉ lệ rối loạn cương dương ở nhóm sau khi nhiễm Covid-19 là 28% so với 9,4% ở nhóm không nhiễm Covid-19. Nồng độ testosterone toàn phần ở ngưỡng gợi ý suy giảm sinh dục được quan sát thấy ở 55% bệnh nhân. Một số bài báo nêu ra tỉ lệ giảm nồng độ testosterone chiếm khoảng 24%, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sinh lý.
Ths.Bs Phạm Minh Ngọc, Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thông tin thêm, SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp vào tinh hoàn tại tế bào Leydic thông qua cơ chế với chất ACE-2; tấn công vào mạch máu nhỏ ở dương vật làm suy chức năng mạch máu, giảm tưới máu dương vật, gây rối loạn cương.
Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, cách ly, điều trị làm người bệnh ít có cơ hội vận động, gây tâm lý lo lắng, phiền muộn; làm tăng nguy cơ trầm cảm, gây giảm ham muốn, rối loạn chức năng tình dục. Các di chứng lâu dài của Covid-19 tại phổi như xơ hóa phổi có thể gây thiếu oxy mạch máu dương vật, gây cương kém.
Những người bị Covid-19 có thể có các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, trong nhiều tháng sau khi nhiễm virus. Theo thời gian, những tác động sức khỏe này vẫn có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Những người có vấn đề về hô hấp sau Covid-19 có thể trở nên quá mệt mỏi, hụt hơi khi quan hệ tình dục.
Theo bác sĩ Ngọc, sau khi mắc Covid-19, nam giới nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình, đặc biệt trong chuyện "chăn gối". Nếu có biểu hiện như mệt mỏi, mất tập trung, thờ ơ, giảm ham muốn, lãnh cảm tình dục, cương dương kém… chúng ta hãy thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh. Đó là:
- Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia, không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện.
- Tập thể dục ít nhất 15-20 phút/ngày, tập các bài tập cải thiện thông khí phổi.
- Ăn nhiều hoa quả, chất xơ. Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, mỡ, nội tạng động vật.
Sau một thời gian nếu các triệu chứng trên không cải thiện, bạn nên đến ngay cơ sở chuyên khoa Nam học để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tùy trường hợp mà thực hiện một số xét nghiệm đánh giá như hormone Testosterol, siêu âm Doppler mạch máu dương vật, đường máu, mỡ máu, chức năng thận… Từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Tuổi Trẻ Online)