Hàng trăm ngàn lao động du lịch thất nghiệp, chuyển ngành
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại hồi cuối tháng 4/2021, có khoảng 42.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan đến du lịch đã và đang thất nghiệp hoặc chuyển sang làm ngành nghề khác.
Đến nay, khi độ bao phủ vacine đạt cao, nhiều chính sách được khơi thông, ngoài cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang sắp xếp, bổ sung lại nguồn nhân lực, để sẵn sàng đón khách.
Sau khi nhận được thông tin Chính phủ có chính sách khơi thông, mở cửa đón khách từ giữa tháng 3, khách sạn Vanda, TP. Đà Nẵng đang chuẩn bị kế hoạch cho việc trở lại trong tháng 3 này.
Ông Nguyễn Đức Cương, Tổng quản lý khách sạn Vanda cho hay hai năm qua khách sạn phải đóng cửa vì dịch bệnh nên bị mai một nhân lực rất nhiều. Trước khi có dịch, đơn vị có khoảng 110 cán bộ, nhân viên, thì nay chỉ còn lại 60%.
Mặc dù khách sạn đóng cửa nhưng đơn vị vẫn duy trì lương, hỗ trợ cho nhóm đối tượng là quản lý, nhân viên chủ chốt, nên giờ mở cửa nhân sự tạm đủ để khởi động lại giai đoạn ban đầu. Hiện khách sạn đang kiện toàn, sắp xếp lại nhân sự để hoạt động trở lại.
"Chúng tôi sẽ bổ sung các bộ phận nhân sự bị khuyết, trong đó ưu tiên gọi trở lại những nhân viên trước đây phải nghỉ việc không lương vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Dù khó khăn trong giai đoạn tái khởi động nhưng chúng tôi xác định cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phải bằng và tốt hơn trước đây và đặt nhiều hy vọng mùa hè này thị trường du lịch sẽ ấm hơn, doanh thu sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Đức Cương tin tưởng.
Còn ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho hay: "So với thời điểm có đông du khách như năm 2019, hiện nay nhân sự của đơn vị còn giữ khoảng 50%. Song song với việc tuyển dụng thêm người, chúng tôi chuẩn bị các phương án như kết nối với các cộng tác viên, công ty nhỏ, ít nhân sự để ký đại lý, cùng bán sản phẩm. Cách làm này vừa thúc đẩy, tạo môi trường làm việc thực tế cho ứng viên có tiềm năng cũng như các đơn vị muốn hợp tác lâu dài sau này".
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch bệnh cho nên phần lớn lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch cũng đã thay đổi công việc, dù chỉ là sự thay đổi ngắn hạn, trước mắt.
Về lâu dài, Sở Du lịch Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi lao động trên cơ sở phối hợp giữa chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch sớm quay trở lại với công việc trong thời gian tới.
MICE - Ý tưởng tiên phong của du lịch Đà Nẵng
Trước nguy cơ thiếu hụt lao động, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành du lịch phải khẩn trương có giải pháp vì nếu không làm việc này, thành phố sẽ mất đi nguồn nhân lực lao động rất lớn.
Để kích cầu du lịch trong năm 2022, TP. Đà Nẵng dành ưu tiên cho 100 đoàn khách hội nghị, hội thảo (MICE) đầu tiên đến thành phố, thời gian áp dụng bắt đầu từ 21/2 đến hết tháng 12.
Theo đó, đoàn khách được tổ chức chào đón đoàn, có xe dẫn đường, tặng quà lưu niệm, hỗ trợ truyền thông, vé tham quan... cho các đoàn có quy mô từ 50 khách, 150 khách, 300 khách và từ 700 khách trở lên. Trong đó, các đoàn từ 700 khách được chào đón tại sân bay và bố trí xe dẫn đường từ sân bay về đến khách sạn lưu trú.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng chính sách MICE là ý tưởng tiên phong của du lịch Đà Nẵng từ năm 2021, không chỉ giúp thành phố tập trung cho phân khúc quan trọng này mà còn thể hiện sự tri ân, lòng mến khách của Đà Nẵng đối với các đối tác kinh doanh và khách du lịch.
Ngày 7/3 vừa qua, Đà Nẵng đã đón đoàn khách MICE đầu tiên với hơn 700 người và đoàn đã được hưởng cách chính sách ưu đãi trên. Đây là đoàn khách MICE lớn nhất đến Đà Nẵng từ khi thành phố tiếp tục chương trình thí điểm đón khách MICE năm 2022.
Lưu Hương