Ngày 8/3 “không hoa” của người mẹ hiến thận cứu con gái

Admin
Với chị Phạm Ngọc Lan và con gái, ngày 8/3 năm nay vô cùng đặc biệt khi hai mẹ con đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị cho ca ghép thận.

10 năm sát cánh con chống chọi với bệnh tật

Khác với nhiều người phụ nữ khác, 8/3 năm nay với chị Phạm Ngọc Lan, Phó Trưởng ban Dân vận quận Tân Phú (Tp.HCM), không phải là ngày của hoa hồng và những món quà mà là chuỗi ngày dài vất vả để hoàn thiện các thủ tục cho ca ghép thận cho con gái Thùy Linh (22 tuổi).

Tiếp chúng tôi sau một ngày bận rộn tại bệnh viện Chợ Rẫy, chị Lan cho biết: “Mình đang tranh thủ hoàn tất các thủ tục để hiến thận cho con gái bị bệnh hiểm nghèo. Mặc dù người thân, bạn bè lo lắng cho sức khỏe của mình, nhưng khi biết tin bản thân có thể hiến thận cho con, mình vô cùng hạnh phúc”.

Dân sinh - Ngày 8/3 “không hoa” của người mẹ hiến thận cứu con gái

Chị Lan cùng con gái Thùy Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Lan cho biết, Thùy Linh chỉ mới 22 tuổi nhưng đã phải chống chọi với bệnh tật gần 10 năm nay. Năm 2012, em bất ngờ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phải điều trị nhiều năm tại bệnh viện nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Sau đó, các bác sĩ cho chị biết Linh mắc bệnh Lupus ban đỏ, một căn bệnh có thể gây tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể, vô cùng nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị. Chính căn bệnh này khiến tình trạng thận của em ngày càng xấu đi.

Năm lớp 12, Thùy Linh trải qua một đợt bệnh nặng, phải nghỉ học để tập trung chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, bằng ý chí kiên cường, Linh đã vượt qua bệnh tật để tiếp tục đến lớp. Bằng những nỗ lực không ngừng, em tiếp tục đậu vào ngành ngôn ngữ Trung của Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Tp.HCM một năm sau đó.

Tuy nhiên điều không may lại tiếp tục xảy đến, sau 10 ngày tham gia kỳ quân sự bắt buộc của chương trình đại học, bệnh tình của em bất ngờ trở nặng. Các bác sĩ chẩn đoán bé đã bước vào giai đoạn bị suy thận và phải liên tục chạy thận từ đó đến nay. Mặc dù vẫn tiếp tục chương trình đại học nhưng hiện nay Thùy Linh vẫn phải chống chọi với bệnh tật hàng ngày.

Chia sẻ với PV, chị Phạm Ngọc Lan cho biết, nhìn thấy con phải chống chọi với bệnh tật, mình rất xót xa. Từ tháng 6 năm ngoái, mình đã tìm hiểu các thủ tục ghép thận cho con nhưng vì tình hình dịch bệnh kéo dài, mãi đến bây giờ mới hoàn thiện các hồ sơ. Hiện tại chỉ còn đợi bé kiểm tra các điều kiện sức khỏe là có thể thực hiện ca mổ.

“Lúc đầu, bác sĩ tư vấn cho mình là cùng nhóm máu mới hiến thận được. Tuy nhiên sau đó mình biết được bệnh viện Chợ Rẫy có thể ghép thận cho người không cùng nhóm máu, dù tỷ lệ thành công có thấp hơn, nhưng không đáng kể. Mặc dù chi phí cho ca ghép thận không hề nhỏ, nhưng với mình để có thể cứu con gái khỏi căn bệnh hiểm nghèo thì không có gì quý giá bằng.

Sau này nếu sức khỏe có yếu, có lẽ mình sẽ xin về hưu sớm, tìm một công việc nhẹ nhàng hơn để làm thêm, quan trọng là sức khỏe con mình được tốt. Nhìn những đứa trẻ khác được đi chơi trong khi con mình lại phải nằm viện hoài, là người mẹ mình rất buồn. Vì vậy, nếu ghép thận được cho con, mình sẵn sàng đánh đổi để con có thể có niềm vui như những người khác.” – chị Lan chia sẻ.

“Cùng con vượt qua bệnh tật, cùng dân vượt qua gian khó”

Hơn 10 năm cùng con gái chống chọi với bệnh tật, thế nhưng những đồng nghiệp, bạn bè của chị Lan ít ai biết rõ chị đã vất vả nhiều như thế nào. Bởi lẽ, trong suốt những năm tháng làm công tác ở Liên đoàn Lao động quận Tân Phú, chị Phạm Ngọc Lan luôn là người Thủ trưởng xuất sắc của cơ quan.

Ngay từ những ngày dịch Covid-19 bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, chị Lan là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Ban chỉ đạo Phòng chống dịch quận Tân Phú.

Với vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận, ngay khi có chủ trương của thành phố, chị luôn cấp tốc chuyển ngay những chỉ đạo mới đến các công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước để từ đó các đơn vị này nắm bắt, thực hiện nhanh chóng các biện pháp phòng, chống dịch.

Chị Lan cho biết, giai đoạn đó, rất nhiều các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì những ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng công nhân bị mất việc là vô cùng lớn. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, chị Lan và đoàn công tác của quận phải liên tục đến trực tiếp các doanh nghiệp nhằm vận động, tuyên truyền, hòa giải các mâu thuẫn giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân.

Nhờ đó, hầu như tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Phú đều chi trả 70% lương cơ bản cho nhân viên bị mất việc, đảm bảo cho người lao động không bị mất quyền lợi.

Dân sinh - Ngày 8/3 “không hoa” của người mẹ hiến thận cứu con gái (Hình 2).

Chị Lan cùng bạn bè hỗ trợ thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn tại các khu trọ trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngoài các công tác ở quận, chị Lan còn cùng với nhiều nhóm thiện nguyện mang thực phẩm, thức ăn đến các khu nhà trọ có F0 trong mùa dịch. Chị cho biết, thời điểm đó ở các nhà trọ trên địa bàn quận có rất nhiều trường hợp F0, mỗi lần đi làm thiện nguyện là một lần nguy hiểm nhưng các anh em vẫn luôn cố gắng chăm lo đời sống cho bà con.

“Khi đi giúp đỡ mọi người mình không nghĩ gì nhiều nhưng mà khi về nhìn con mình thì bản thân lại rất lo lắng. Thời điểm đó mình chỉ mới tiêm một mũi và con thì chưa tiêm mũi nào. Lúc đó chỉ biết khi về nhà, phải vệ sinh, sát khuẩn cẩn thận trước khi gặp con để giữ an toàn.

Nhiều người xung quanh cũng nhắn mình nên hạn chế đi lại vì con ở nhà đang có bệnh nền, nhưng lúc đó mình là thủ trưởng cơ quan, nếu như mình không đi thì ai đi, mình là đầu tàu, mình phải gương mẫu để anh em có động lúc cùng nhau cố gắng vượt qua dịch bệnh", chị Lan chia sẻ.

Cũng theo chị Lan, chị chưa bao giờ phải cân nhắc giữa lợi ích cá nhân và việc giúp đỡ mọi người, chỉ có việc giữ an toàn cho các con làm chị canh cánh trong lòng. Đặc biệt, đó cũng là giai đoạn mà con chị phải chạy thận mỗi tuần 2 lần.

“Thời điểm đó bé lớn của tôi chạy thận một tuần hai lần hứ tư và thứ bảy. Cứ tầm 12h30 thì mình sẽ chở bé đến bệnh viện để chạy thận rồi để bé ở đó, còn mình lại tiếp tục chạy đi làm việc, chiều 6h lại chạy lại bệnh viện rước bé về.

Có thời điểm mình bị cách ly do trở thành F1, trong khi đó con gái cũng phải nằm viện do nhiễm trùng vết thương, nhiều lúc nghĩ lại mình cũng chạnh lòng vô cùng”, chị Lan kể.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan cho biết, với chị, giúp đỡ được người khác trong lúc khó khăn là một điều hạnh phúc.

“Mình nghĩ hoàn cảnh của mình như thế nhưng còn nhiều hoàn cảnh của các chị em công nhân khác còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Có những nữ công nhân đi làm được bao nhiêu cũng dành dụm lo hết cho con cái, với người phụ nữ, tất cả những gì tốt đẹp đều dành hết cho con mình.

Vậy thì mình càng phải cố gắng giúp đỡ họ, mang lại niềm vui cho mọi người cũng là mang lại niềm hạnh phúc cho mình và con gái. Đó cũng là động lực để hai mẹ con mình cùng nhau vượt qua chặng đường khó khăn sắp tới”.