Từ tháng 8/2021, nhiều chính sách, văn bản mới có liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người dân như: Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức; Nới tiêu chuẩn trở thành tiến sĩ; 3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Gắn chip vào hộ chiếu...
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức
Theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 1/8, tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch. Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1.000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Gắn chip vào hộ chiếu
Sau Căn cước công dân, hộ chiếu là loại giấy tờ tùy thân tiếp theo được gắn chip, theo mẫu được công bố tại Thông tư 73/2021/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 14/8. Chip được gắn ở bìa sau của hộ chiếu, lưu thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Chip có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân.
Giống như trước đây, trang bìa của hộ chiếu vẫn in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là phong cảnh, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Việc cấp hộ chiếu có gắn chip đã được nêu tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) nhưng nay Bộ Công an mới ban hành mẫu hộ chiếu này.
Tiêu chuẩn trở thành tiến sĩ thông thoáng, cởi mở hơn
Theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ đi kèm Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, có hiệu lực từ ngày 15/8, tiêu chuẩn trở thành tiến sĩ được quy định có phần thông thoáng, cởi mở hơn. Cụ thể, quy chế mới chấp nhận cả sách chuyên khảo, công bố tại tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính.Trong khi trước đây, quy định là chỉ công nhận các bài báo, báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí nước ngoài.
Cùng đó, nếu nghiên cứu sinh được nhận 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục thể thao thì cũng có thể được chấp nhận.
Doanh thu dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN
Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hiệu lực kể từ ngày 1/8. Theo đó, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dưới 100 triệu đồng thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Áp dụng khung giá nước sinh hoạt mới
Theo Thông tư 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ 5/8, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch phù hợp nhưng phải đảm bảo khung giá nước sạch. Cụ thể như sau:
- Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1: Từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3
- Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5: Từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3
- Tại khu vực nông thôn: Từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3
Khung giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo.
Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.
3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội hướng dẫn Nghị định 20 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ 8/8. Thông tư này siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể, 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội trong thông tư, gồm:
- Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên
- Không chấp hành yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý
- Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.
KTĐT/nguoihanoi.com.vn