Filler chủ yếu là Axit Hyaluronic, một chất tự nhiên giúp lấp đầy nếp nhăn, làm căng da và tạo ra đường nét trẻ trung hơn. Chỉ sau khoảng 15 – 30 phút thực hiện, bạn sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt, các khu vực lõm ở thái dương sẽ được làm đầy đặn hơn. Cơ chế hoạt động của liệu pháp tiêm filler khá đơn giản: Bác sĩ sử dụng kim chuyên dụng để tiêm filler vào khu vực cần điều chỉnh, lấp đầy các khu vực bị lõm trên thái dương.
Quá trình này không cần phẫu thuật và ít gây đau đớn cho khách hàng. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu tiêm filler thái dương không đúng cách, sẽ mang lại nhiều rủi ro. Một khi tiêm sai lệch ở khu vực này có thể dẫn đến mù lòa. Vì vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ da liễu trước khi quyết định sử dụng phương pháp này.
Ưu và nhược điểm của tiêm filler thái dương
Tiêm filler thái dương mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc nâng cao vẻ đẹp khuôn mặt và tăng cường sự tự tin. Về cơ bản, thủ thuật này chỉ mất khoảng 15 – 30 phút thực hiện. Filler được tiêm vào thái dương thông qua kim nhỏ, không cần đến dao kéo hay phẫu thuật, giảm thiểu cảm giác đau và rủi ro liên quan đến phẫu thuật; không ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc.
Tuy nhiên, như mọi liệu pháp thẩm mỹ khác, tiêm filler thái dương cũng có nhược điểm riêng: Nguy cơ biến chứng như sưng, đỏ, ngứa, bầm tại điểm tiêm, nhiễm trùng, hoặc vùng da bị thâm sau tiêm.
Một số người có thể dị ứng với các thành phần trong filler, gây ra các triệu chứng như sưng to, đỏ da hoặc thậm chí viêm nhiễm nặng; kết quả của tiêm filler có thể không đạt được như mong đợi hoặc không đồng đều trên khuôn mặt. Điều này do cơ địa mỗi người, kỹ thuật tiêm filler thái dương, hoặc phản ứng của cơ thể với filler.
Filler không có tác dụng dài hạn và hiệu quả chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định (thường từ vài tháng đến khoảng 1 năm), sau đó khách hàng cần tiêm lại để duy trì kết quả. Bên cạnh đó, tiêm filler thái dương đòi hỏi sự chính xác và kỹ thuật cao, dẫn đến chi phí cũng khá cao.
Chỉ định và chống chỉ định
Tiêm filler thái dương không cần phẫu thuật, nhưng cần tuân theo một số chỉ định và chống chỉ định.
Theo đó, phương pháp làm đẹp này có thể áp dụng với người có thái dương lõm; người có thái dương không cân xứng; người gầy gò, khiến thái dương trở nên hốc hác, hoặc có nếp nhăn sâu ở khu vực này; người muốn làm đầy thái dương nhưng không muốn tiến hành phẫu thuật hoặc sợ cảm giác đau.
Trường hợp chống chỉ định với tiêm filler gồm: Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; vùng da cần tiêm chất làm đầy đang nhiễm trùng; dị ứng với chất làm đầy, lidocaine.
Lưu ý gì để đảm bảo an toàn?
Tiêm filler thái dương cơ bản là an toàn. Tuy nhiên, nguy cơ hoặc tác dụng phụ vẫn có khả năng xuất hiện khi quá trình tiêm không được thực hiện đúng cách. Nhiều biến chứng thậm chí rất nguy hiểm như: Nhiễm trùng; Filler rò rỉ từ vị trí tiêm; Filler di chuyển đến các vùng khác trên khuôn mặt; nốt sần hoặc u hạt xuất hiện tại vị trí tiêm; huyết khối hoặc tắc mạch do tổn thương mạch máu; mất thị lực do filler tiêm vào mạch máu cung cấp máu cho mắt…
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, trước khi áp dụng phương pháp này cần chọn filler an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo. Sử dụng filler tương thích với cơ thể và có khả năng hấp thu nhanh. Chọn bác sĩ có kinh nghiệm, được đào tạo về kỹ thuật tiêm filler thái dương để thực hiện quá trình.
Dùng liều lượng phù hợp cho từng vị trí ở khuôn mặt. Đặc biệt, lựa chọn nơi tiêm filler thái dương uy tín để phòng tránh những biến chứng không mong muốn.