Có thể nói, quyết định sáp nhập và kết thúc hoạt động của một số cơ quan đơn vị trùng lặp nhiệm vụ hoặc có thể ghép với nhau được, và tương ứng với nó sẽ là phải sắp xếp lại cán bộ, nhân viên hàng loạt cơ quan là một quyết định rất đúng và hợp quy luật, nó tạo nên một hiệu ứng niềm tin lớn trong dân chúng.
Ngay như việc sắp xếp lại ở các cơ quan Bộ, ngành, địa phương nhiều người ở ngay trong diện sắp xếp cũng ủng hộ, cho rằng đấy là việc phải làm.
Ở một số cơ quan trùng chức năng, hoặc có thể gộp lại vì nó cùng nhiệm vụ tương đồng. Nó vừa tránh chồng chéo lại vừa tránh bỏ sót việc.
Tổng bí thư Tô Lâm từng kể, một cái giấy khai sinh phải qua tới mấy cửa, trong khi nhẽ ra chỉ cần, đứa bé sinh ra, bệnh viện cấp giấy chứng sinh xong đưa lên hệ thống, thế là hệ thống tự động cấp khai sinh rồi mã định danh cho cháu.
Sáp nhập là việc cần phải làm và không thể khác được tuy nhiên tên các Bộ được sáp nhập cũng là điều nên nghiên cứu kỹ.
Tôi nhớ có lần một nhà ngôn ngữ nói đùa cái tên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi, giáo dục nào mà chả đào tạo, và nữa, khi ta ấn định bộ Giáo dục đương nhiên là phải đào tạo, thì chỉ cần bộ Giáo dục là đủ, không cần Đào tạo phía sau mà người ta vẫn hiểu.
Lại nhớ các cụ xưa đặt tên, dẫu khá sơ khai nhưng nói lên một cái thì ai cũng hiểu, như lục bộ gồm lễ, lại, hộ, hình, binh, công, bởi các cụ quy định rõ: Bộ Lễ: coi việc văn hóa, giáo dục. Bộ Lại: coi việc tuyển chọn quan lại. Bộ Công trông coi việc xây dựng và thủ công. Bộ Hình trông coi luật pháp và xét xử. Bộ Binh: trông coi việc quân sự. Bộ Hộ lo việc kinh tế: tài chính, thuế khóa, hộ tịch, tiền tệ.
Tất nhiên chúng ta bây giờ khác xa thời các cụ, nhưng không phải cái gì các cụ nghĩ ra cũng có thể bỏ đi được, mà cách đặt tên các bộ là một ví dụ, nó đơn giản dễ hiểu và gọn. Chứ giờ chúng ta liệt kê hết chức năng nhiệm vụ của bộ ra cái tên sẽ vừa rất dài vừa chắc chắn là, không thể đủ.
Là tôi chỉ nói về cách đặt tên chứ các bộ của ta giờ cũng khác xưa nhiều, nhưng cách đặt tên như các cụ rõ ràng rất đơn giản và dễ hiểu, khắc dấu cũng dễ. Cố gắng làm sao để mỗi cái tên cơ quan sau này chỉ khoảng nhiều nhất là bốn, năm chữ, vừa hay về ý nghĩa vừa đẹp về trình bày. Nên chăng tham khảo ý kiến các nhà ngôn ngữ trong việc đặt tên cơ quan mới...
Nhân dân đánh giá cao việc nhà nước đang làm, làm quyết liệt, làm ngay, không nói, không bàn nhiều, trong việc tinh giảm các cơ quan, sắp xếp, hợp nhất hoặc kết thúc hoạt động các cơ quan nhà nước, một cách chống lãng phí hết sức hiệu quả.
Và trong việc này cũng cần sự hy sinh của một số cá nhân, nói như Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên: "Thậm chí, có đồng chí phải rời vị trí của mình để đất nước phát triển cũng là việc làm có ý nghĩa, có gì đâu phải trăn trở".
Và một thông tin cũng đáng chú ý là, tháng 2/2025 Quốc hội sẽ sửa một số luật để tinh gọn bộ máy. Hy vọng, việc sửa luật này sẽ làm cho bộ máy trơn tru hơn, công việc hanh thông hơn.
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!