Phát hiện hơn 28.000 lọ sa tế giả mạo nhãn hiệu tại Gia Lâm (Hà Nội) và Từ Sơn (Bắc Ninh)

Hoàng Huyền
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vừa tạm giữ hơn 28.000 lọ sa tế có dấu hiệu vi phạm giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại kho chứa hàng huyện Gia Lâm, Hà Nội và một căn nhà tạm ở Từ Sơn, Bắc Ninh.
phat-hien-hon-28000-lo-sa-te-gia-mao-nhan-hieu-tai-gia-lam-ha-noi-va-tu-son-bac-ninh-dulichgiaitrivn-1636813514.jpg
Hàng hóa vi phạm về giả mạo nhãn hiệu "Thuận Phát" 

Theo Tổng cục QLTT, sau hơn 2 tháng mật phục, chiều tối ngày 11/11/2021, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh chia thành hai Tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá là sản phẩm Sa Tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại địa chỉ thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Kho hàng ở thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi sản xuất và chứa trữ hàng hoá, có biển hiệu giới thiệu đầy đủ các dòng thông tin về tên công ty, địa chỉ cũng như website doanh nghiệp.

Đây chính là địa điểm đăng ký kinh doanh của hai công ty gồm: Công ty TNHH Chế biến và sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thắng Phát. Cả hai công ty đều do ông Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1979) đứng tên đại diện theo pháp luật đồng thời là chủ sở hữu.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này ngổn ngang dây chuyền sản xuất theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn nilon và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng.

Kiểm đếm thực tế, lực lượng QLTT đã ghi nhận trên 21.000 lọ sa tế tôm mang nhãn hiệu "Thuận Phát" đã được đóng thành phẩm trong 187 thùng carton, xếp ngay ngắn phía ngoài cổng nhà sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ.

Các sản phẩm đều có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "Thuận Phát" đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Cùng thời điểm trên, Tổ công tác tại Bắc Ninh cũng đã bất ngờ kiểm tra kho chứa hàng hoá tại số 21, ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh do bà Đặng Thị Nga làm chủ. Kho hàng vẫn hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thương.

Qua kiểm tra, bên cạnh rất nhiều các mặt hàng gồm tương ớt, giấm gạo là hàng sản xuất trong nước có đầy đủ nhãn hàng hoá theo quy định, Đoàn kiểm tra phát hiện 62 thùng "Sa tế tôm ngon Thuận Phát" với tổng cộng gần 7.000 hũ sa tế tôm ngon Thuận Phát của Công ty TNHH chế biến và sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát.

Toàn bộ số hàng hoá chưa qua sử dụng, tuy nhiên chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan. Cũng giống các sản phẩm tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, các sản phẩm này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Thuận Phát" đã được đăng ký bảo hộ.

phat-hien-hon-28000-lo-sa-te-gia-mao-nhan-hieu-tai-gia-lam-ha-noi-va-tu-son-bac-ninh1-dulichgiaitrivn-1636813537.jpg
Lực lượng QLTT kiểm tra kho hàng

Theo hồ sơ của chủ công ty, giấy phép kinh doanh lần đầu, Công ty TNHH chế biến và sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát có địa chỉ tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội.

Tuy nhiên, trên trong đăng ký kinh doanh thay đổi lần 1 vào tháng 5/2021, Công ty này lại thay đổi trụ sở chính tại địa chỉ "35/21 Đường TL30, Phường Thạnh Lộc, quận 12 thành phố Hồ Chí Minh mặc dù cơ sở sản xuất và đóng gói sản phẩm vẫn ở địa chỉ thôn Yên Khê, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội.

Tại cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Bằng – Chủ sở hữu Công ty TNHH chế biến và sản xuất sa tế tôm ngon Thuận Phát lý giải, việc đổi địa điểm trụ sở chính vào thành phố Hồ Chí Minh để tiết kiệm các chi phí về nhân công, giảm giá thành vận chuyển,…Tuy nhiên, theo phản ánh của Công ty Luật ALIAT - đại diện chủ thể quyền của Công ty cổ phần Marico South East Asia - Chủ sở hữu của nhãn hiệu "Sa tế tôm ngon Thuận Phát" khẳng định “địa điểm này không có dấu hiệu của hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Ông Dương Thành Long, Công ty Luật ALIAT - đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu “Thuận Phát” cho biết, việc giả mạo nhãn hiệu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị chủ thể quyền. “Nhờ nỗ lực kinh doanh và quảng bá qua hàng chục năm, sản phẩm của Marico Sea được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, các DN này đang tận dụng danh tiếng đã có, tận dụng chiến dịch marketing bài bản của doanh nghiệp chính hãng đã thu lợi về cho bản thân” ông Long nói.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở đã mời tất cả những người không liên quan ra phía ngoài khuôn viên nhà, yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh và cử người canh gác phía ngoài cổng. Đèn biển hiệu giới thiệu về công ty cũng nhanh chóng được ngắt để tránh sự tò mò từ những người không liên quan.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, đây là một trong những vụ việc phức tạp mà lực lượng QLTT mất nhiều thời gian trinh sát để có thể xử lý. Đặc biệt trong bối cảnh cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.

Với quyết tâm cao nhất trong việc đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch 888 đã được Tổng cục QLTT ban hành, cán bộ kiểm soát viên đã nỗ lực vượt qua hiểm nguy từ dịch bệnh để triển khai nhiệm vụ được giao. Đây cũng là một trong những vụ việc có dấu hiệu vi phạm lớn về thực phẩm được lực lượng QLTT liên tỉnh phối hợp trinh sát, phát hiện và xử lý theo lợi thế của mô hình ngành dọc.

VÂN NGA