Cần cân nhắc lợi ích kinh tế tổng thể khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Cần cân nhắc lợi ích kinh tế tổng thể khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt và việc tăng thuế cần được đánh giá kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp (DN) hòa nhập. Thông tin này được nêu trong Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức ngày 20/9, tại Hà Nội, nhằm góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, một đạo luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào tháng 10/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Dùng thuế để hạn chế bệnh thừa cân béo phì liệu có hợp lý?
Tại hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN đang rất khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và tác động bất lợi từ bên ngoài, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ người dân, DN như miễn, giảm một số loại thuế, phí; giãn hoãn các khoản nợ đến hạn; khơi thông nguồn vốn trái phiếu DN và giảm lãi suất ngân hàng, chưa nên điều chỉnh tăng thuế, kể cả tăng thuế TTĐB đối với DN ít nhất trong 2-3 năm tới.
"Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thời điểm hiện tại sẽ tăng thêm gánh nặng cho DN, buộc DN phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương", GS. TSKH Nguyễn Mại nêu quan điểm.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, căn cứ vào số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người thừa cân béo phì (TCBP) tại thời điểm năm 2016 và 2024 (của Liên đoàn Béo phì thế giới - World Obesity Federation - WOF), có thể thấy việc đánh thuế đường chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh TCBP giảm xuống. Nói cách khác, tác dụng của thuế đường trong việc hạn chế bệnh TCBP là chưa rõ ràng.
Theo WOF (2024), có 9 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh béo phì, trong đó, thực phẩm sản xuất công nghiệp (bao gồm cả đồ uống) là một trong số đó. Theo Tax Foundation (2023), do thuế đường có cơ sở rất hẹp, dẫn đến nguồn thu ngân sách không ổn định, không đủ lớn để trang trải cho những chương trình dài hạn vì mục tiêu sức khỏe của Chính phủ, khiến giảm hiệu quả chính sách thuế.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm: nâng cao nhận thức về tình trạng TCBP ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách...
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam, cho rằng: Có nhiều nguyên nhân gây nên TCBP, nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì.
Thay vào đó, cần giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường, tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khoẻ. Đồng thời cần sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Ngoài ra cần tăng cường các hoạt động thể chất. Giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.
Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Yến, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: Nhiều quốc gia đã bãi bỏ chính sách thuế sau một khoảng thời gian áp dụng do tính thiếu hiệu quả của biện pháp thuế này đối với TCBP và tác động tiêu cực đối với kinh tế xã hội. Ví dụ: Đan Mạch, California, Illinois (Hoa Kỳ), Na Uy...
Trong khi đó, nhiều quốc gia không áp dụng biện pháp đánh thuế nhưng thành công trong việc kiểm soát TCBP nhờ thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất. Ví dụ như Singapore, Nhật Bản, Đức...
Cách tiếp cận bền vững để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm tăng cường giáo dục, tuyên truyền, áp dụng các chính sách và khuyến khích người dân duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cũng như tăng cường các hoạt động thể chất.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN lớn, Tổng cục thuế nhấn mạnh việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các DN trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.
Cần lộ trình phù hợp để đảm bảo DN hòa nhập
Ông Lương Xuân Dũng- Chánh văn phòng Hiệp hội rượu bia nước giải khát Việt Nam đề nghị: Mỗi lần thay đổi luật, cần tính về tính khả thi, lâu dài, công bằng. Ví dụ, Việt Nam chưa có số liệu khảo sát thực tế về tiêu thụ đường. Giả sử 1 triệu tấn đường thì cần tính % cho ngành nước giải khát, trong khi phần còn lại không tính thuế TTĐB, thì cần xem xét tính công bằng. Liệu rằng tính khả thi của thuế TTĐB như nào. Nhiều nước cũng chứng minh là tiêu thụ đường cao nhưng họ không đánh thuế TTĐB hoặc đã đánh thuế rồi bỏ. Việt Nam cần xem xét để tránh ảnh hưởng hoạt động SXKD của DN.
Hơn nữa, khi khó khăn, tăng thuế sẽ tăng giá, mà khiến cho người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm quản lý được và chuyến sang tiêu thụ đồ đường phố không kiểm soát, gây ra nguy cơ. Khảo sát cho thấy 49% sẽ chuyển sang các sản phẩm đường phố.
"Thời điểm này chưa nên đưa nước giải khát có đường vào chịu thuế TTĐB", ông Lương Xuân Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam chia sẻ: Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân, môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích. Hiện tại, Heineken đánh giá thuế TTĐB ảnh hưởng lớn, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo DN hòa nhập.
Ông Nguyễn Thanh Phúc đề nghị: Cần có nghiên cứu chuyên sâu về tác động KTXH của thuế TTĐB. Với phương án 2 tăng thuế mạnh thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách. Việc giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng nhiều ngành khác như ăn uống, du lịch đêm, từ đó làm xói mòn nguồn thu Việt Nam.
Heineken kiến nghị để tạo điều kiện cho các ngành phục hồi, nên giữ thuế nguyên trong 2026, tăng thuế từ 2027, nên tăng không quá 2 năm/ lần, mỗi lần 5%, hướng tới tối đa 80%. Về giảm tiêu thụ cồn, thì có rủi ro về kinh tế bất hợp pháp, như các người tiêu dùng chuyển sang sử dụng là không rõ nguồn gốc và trốn thuế.
Theo Báo cáo Nghiên cứu của CIEM đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế TTĐB (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021) thì nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng. Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế TTĐB ở mức 10% và tăng thuế GTGT thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1069,1 tỷ đồng. Nếu tăng thuế GTGT thêm 1% thì cũng đã khiến sản lượng của ngành mía đường ước tính giảm 28,8 nghìn tấn; tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế GTGT thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.
Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các DN trong chuỗi giá trị theo chiều dọc (như ngành mía đường) và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.
Xét về bản chất, mục tiêu chính của thuế là công cụ tạo nguồn thu cho NSNN, cơ sở kinh tế của thuế vẫn là sản xuất kinh doanh, do vậy việc áp thuế phải luôn tính đến các tác động tương quan đối với phát triển kinh tế, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như tác động đối với các nguồn thu ngân sách khác.
Ví dụ, việc tăng thuế TTĐB nếu có thể giảm tiêu thụ thì cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của DN và dẫn đến nguồn thu tư thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN cũng giảm theo.
Đối với thuế TTĐB, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho NSNN, còn có thêm chức năng điều tiết, định hướng tiêu dùng, nhưng các chức năng đó chỉ có thể phát huy được trong điều kiện quản lý tốt cùng với sự phối hợp, tự giác tuân thủ của người dân. Tuy nhiên, như có ai đó đã từng nói, thuế không thể là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, để giải quyết mọi vấn đề theo mong muốn của chúng ta.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, cụ thể, kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội.
Minh Anh