Quán Nghinh Hương – Một di tích kiến trúc văn hóa độc đáo

Hoàng Huyền
Quán Nghinh Hương thuộc xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội từ bao đời nay vẫn được ghi nhận là một Di tích kiến trúc, văn hóa độc đáo ở miền Bắc. Quán tọa lạc trên dải đất hình cây bút. Bên phải Quán là Giếng Ngọc - một giếng cổ, nhân dân truyền lại đây là huyệt “long nhãn" (mắt rồng), nên lúc nào nước cũng đầy và trong vắt.

1

Gọi là Quán Nghinh Hương: Nghinh (hay nghênh) là đón rước, Hương là hương thơm, cũng là tên gọi của làng. Quán được xây dựng nhằm đón rước Tam vị Thành hoàng họ Chu từ làng bên (Thúy Lai, xã Phú Kim) về làng. Trước đây và cả hiện nay, thường hai, ba năm một lần, làng mở Lễ hội nhân Kỵ nhật Thành hoàng vào các ngày 16, 17 và 18 tháng 7 (âm lịch). Quán không lớn về quy mô, nhưng kiến trúc đường nét thanh thoát, có ý nghĩa văn hoá sâu xa, hàm chứa khát vọng vươn lên. Nhìn bên ngoài, quán Nghinh Hương trông như một gian nhà lớn, nhưng chỉ một bước vào bên trong lại có thay đổi: nhất biến tam, tam biến cửu (1 biến thành 3 gian, từ 3 lại thành 9 gian).

Con số 9 là số tượng trưng cho sự bền chắc. Bên trong có 4 cột đá xanh vững chãi và 16 cột gỗ. Đây là nơi các sĩ tử đến học tập, cùng nhau ôn thi - dùi mài kinh sử chuẩn bị lên kinh ứng thí. Quán là điểm dừng chân của người thân khi tiễn các sĩ tử lên kinh. Cặp câu đối tại quán Nghinh Hương viết: "Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi/ Nghinh tân khoa hồi hương bái tổ". Thời xưa, làng có Hương ước, quy định rất rõ việc khuyến khích, giúp đỡ của làng đối với con em các gia đình khó khăn nhưng hiếu học. Đáng chú ý là nghi lễ tiễn sĩ tử đi thi và nghênh đón các vị tân khoa vinh quy hồi hương chủ yếu do Hội Tư văn của làng đảm trách. Trước mỗi kỳ thi, Hội cử người gặp gỡ, động viên, truyền đạt kinh nghiệm cho các sỹ tử. Ngôi Quán có một ban thờ nhỏ (nay vẫn còn nguyên vẹn) để sĩ tử thành tâm cẩn lễ trước khi tạm xa quê lai kinh ứng thí.

2

Điểm độc đáo nhất của Quán Nghinh: Đây là không gian diễn ra nghi thức nghinh hương - một nghi thức độc đáo và mang đầy ý nghĩa giáo dục ở một làng khoa bảng. Các tân khoa khi võng lọng mũ áo xênh xang, về đến đầu làng đều xuống kiệu (hay ngựa) để đi bộ vào cung kính làm lễ tạ Thành hoàng tại Quán; sau đó mới thực hiện nghi thức cúng lễ ở đình làng và gia tiên. Gia đình và dân làng tập trung đông đủ, nghi thức trang nghiêm được cử hành. Trong khói hương và tiếng nhạc lễ, những người con đỗ đạt của làng cẩn cáo về thành quả đạt được. Ca dao trong vùng có bài: "Hương Ngải có Quán Bảy cây/ Có gò Nhất Tự đời đời mở mang/ Muốn cho học giỏi quan sang/ Thì năng bồi đắp bờ ngang cho đầy".

Quán Nghinh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của dân làng bởi được xây tại một vị trí đắc địa theo các bậc cao minh của làng: Trong vũ trụ có vô vàn ngôi sao nhưng Bắc đẩu (Thất tinh) là chòm sao chủ, trung tâm của Quán Nghinh Hương được đặt trên chòm sao sáng nhất trên bầu trời, chòm sao tượng trưng cho văn chương nghệ thuật. Mô phỏng theo chòm sao, người xưa đã trồng quanh ngôi Quán bảy linh thụ (bốn cây phía trước ba cây phía sau, tượng trưng cho Thất tinh. (Đến nay, chỉ còn duy nhất một cây muỗm cổ thụ tới mấy trăm năm tuổi, thân to mấy người ôm). Đồng thời, gắn với thế đất của làng, Quán hội đủ "nhị thập bát tú".

Có lẽ, khi xây dựng ngôi Quán này, người xưa đã gửi gắm vào đây một triết lý sâu xa: Ánh sáng từ các vì tinh tú cũng như sự phù trợ của các vị thánh hiền sẽ chiếu rọi cho đời đời con cháu có được trí tuệ minh mẫn, sinh dưỡng hiền tài cho quê hương đất nước. Truyền thống hiếu học của người dân nơi đây và di tích Quán Nghinh Hương đã khơi nguồn cảm hứng để tác giả khuyết danh sáng tác nên truyện cổ và vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ rất nổi tiếng. Hương Ngải là một làng cổ “nhất làng nhất xã”, (một làng đồng thời là một xã trong khi huyện Thạch Thất và lân cận, mỗi xã thường từ 3 - 5 làng. Thuở ban sơ, làng có tên "Chạ Ngái" bởi bao quanh làng có nhiều cây ngái, mùa hoa nở hương thơm khắp vùng. Thời Lý, các bậc hiền tài của làng cải tên là Hương Ngải. Truyền thống khoa bảng từ đó khởi phát rực rỡ.

3

Thời phong kiến, huyện Thạch Thất có 30 người đỗ đại khoa (Tiến sĩ), riêng làng Hương Ngải có 6 vị. Thời nhà Lý, 2 vị đỗ Thái học sinh là Liêu Hiến Chương và Liêu Hiến Quang. Thời Hậu Lê đỗ Tiến sĩ có các vị: Đỗ Thê, Đỗ Hịch và Phí Thạc. Thời nhà Nguyễn đỗ Tiến sĩ có Nguyễn Đăng Huân. Ngoài ra làng có tới 50 vị đỗ Trung khoa (Cử nhân); cụ Cấn Kỳ (xóm Dược thôn 1) được xếp đứng đầu trong "Sơn Tây tứ kiệt"- bốn người tài giỏi nhất Sơn Tây. Điều đáng ghi nhận là từ xưa dân làng đã dựng bia Văn chỉ và Võ chỉ: Khắc danh tính những người đỗ đạt cả về Văn và Võ để tôn vinh, ghi nhận, động viên khích lệ lớp hậu thế phấn đấu, tu dưỡng thành tài.

Ngày nay, con cháu làng Hương vẫn giữ được nếp xưa của tiền nhân: Làng có 30 tiến sĩ, nhiều sỹ quan cao cấp, 2.000 người có trình độ cao học, kỹ sư, cử nhân và cao đẳng, trên 300 người làm thầy giáo dạy ở đủ các cấp bậc học. Những người con xa quê về làng vẫn thường ghé thăm Quán Nghinh Hương. Năm 2009, di tích được Thành phố Hà Nội công nhận: Điểm Di tích kiến trúc độc đáo. Bao năm qua và hiện nay, Quán Nghinh Hương vẫn hiên ngang ở đầu làng - ngôi quán độc nhất vô nhị toàn miền Bắc.

THÁI DŨNG/phunuthudo.vn