"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt

Admin
Tại vùng "rốn lũ" huyện Lệ Thủy, đến chiều tối 28/10, địa phương này vẫn có mưa kéo dài, hơn 20.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước, hệ thống điện lưới đang bị cắt, giao thông hầu như "tê liệt".

Đến chiều 28/10, một số khu vực ở Quảng Bình vẫn đang có mưa lớn. Theo dự báo, nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài, một số địa phương ở 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh sẽ hứng chịu trận lũ lịch sử, hơn cả đợt tháng 10/2020.

Tại vùng "tâm lũ" huyện Lệ Thủy, đến chiều tối ngày 28/10, địa phương này vẫn có mưa kéo dài, hơn 20.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước, hệ thống điện lưới đang bị cắt, giao thông hầu như "tê liệt".


"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân chạy lũ (Ảnh: N.Chiến).

  
"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt- Ảnh 2.

Mưa lũ đã làm hàng nghìn ngôi nhà của người dân ngập sâu.

Nắm bắt được thông tin, các nhóm cứu hộ từ các địa phương lân cận như Tp.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế đã điều động nhân lực cùng xuồng, cano đến huyện Lệ Thủy để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt- Ảnh 3.

Mực nước đang lên cao, sóng to khiến đội cứu hộ tiếp cận khu vực gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo an toàn.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết, huyện đã nhận được liên hệ từ một số nhóm cứu hộ sẵn sàng hỗ trợ. Ông bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần của các đội nhóm đã vượt qua khó khăn, mưa gió để giúp đỡ người dân.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, mực nước đang lên cao, sóng to, khiến việc tiếp cận khu vực gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo an toàn. Các nhóm cứu hộ từ xa thường không quen thuộc với dòng nước và địa hình, vì vậy việc sử dụng xuồng, cano trong điều kiện này có thể gây nguy hiểm cho nhân sự của các đội.

"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt- Ảnh 4.

Các nhóm cứu hộ từ xa thường không quen thuộc với dòng nước và địa hình, vì vậy việc sử dụng xuồng, cano trong điều kiện này có thể gây nguy hiểm cho nhân sự của các đội.

“Hiện huyện đang phối hợp với các lực lượng chuyên nghiệp như công an, quân đội và chính quyền địa phương để chủ động cứu trợ, ưu tiên an toàn cho con người. Chúng tôi rất mong các nhóm cứu hộ từ các địa phương khác tạm dừng hoạt động này. Khi mực nước đảm bảo an toàn, các đội, nhóm có thể vào hỗ trợ người dân", ông Sơn cho biết thêm.

"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt- Ảnh 5.

Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa người già đến vùng an toàn.

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 17h ngày 28/10, toàn tỉnh Quảng Bình có 28.341 hộ bị ngập lụt; 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 84 điểm; sạt lở 13 điểm; 3 tàu cá bị chìm; sạt lở 1,5km kè biển…

"Rốn lũ" Lệ Thủy ngập sâu trong nước, hơn 20.000 hộ dân bị chia cắt- Ảnh 6.

Người phụ nữ chuyển dạ được lực lượng ứng cứu kịp thời đưa đến bệnh viện.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình cũng đã di dời 1.205 hộ/3.522 nhân khẩu ở các địa phương, gồm: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và Tp.Đồng Hới. 

Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản của người dân. Đến thời điểm hiện tại, tại Quảng Bình đã có 2 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ.

ĐỌC THÊMHơn 15.000 ngôi nhà ở Quảng Bình ngập sâu trong nước, người dân trắng đêm chạy lũQuảng Bình: Lũ dâng cao, người dân vật lộn trong biển nước