Tạo nhiều không gian mới, kiến tạo cho sự phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Admin
(Chinhphu.vn) - Năm 2024 là một năm nỗ lực của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đạt được những thành quả trên nhiều lĩnh vực và nhiều điểm sáng góp phần nâng cao mức hưởng thụ tinh thần của nhân dân và tạo nhiều không gian mới, kiến tạo cho sự phát triển VHTTDL.
Tạo nhiều không gian mới, kiến tạo cho sự phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Qúy IV và buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp báo thường kỳ Qúy IV năm 2024 và Gặp mặt các cơ quan báo chí tổng kết công tác báo chí, tuyên truyền năm 2025.

Với phương châm hành động năm 2024 "Tăng tốc, sáng tạo, về đích", với tinh thần "3 Quyết tâm, 4 Chủ động, 5 Hiệu quả", các các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác năm và các nhiệm vụ khác được giao. Trong năm 2024, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều phương diện.

Tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn", "nút thắt" tạo động lực phát triển VHTTDL

Năm 2024, Bộ VHTTDL đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn", "nút thắt" tạo nhiều không gian mới, kiến tạo cho sự phát triển của Bộ và Ngành với điểm nhấn là Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với sự đồng thuận rất cao. Quốc hội cho ý kiến lần 1 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tham mưu, trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 Quyết định; 02 Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư.

Đặc biệt, ngày 23/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa. Trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ngày 08/5/2024, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra ở Thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), "Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Ngày 04/12/2024, tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, di sản "Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam" được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các cơ chế, chính sách liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang từng bước được hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Luật Điện ảnh năm 2022; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022).

Ở lĩnh vực thể dục, thể thao, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức triển khai. Xây dựng: Kế hoạch tổng kết Luật Thể dục, thể thao; Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", tạo thành phong trào rèn luyện thể dục, thể thao sôi nổi trong nhân dân. Số lượng người tập thể dục, thể thao thường xuyên, số câu lạc bộ thể dục, thể thao ngày càng tăng. Có 16 VĐV/11 môn giành suất tham dự Olympic tại Paris.

Kết quả thi đấu quốc tế năm 2024, Thể thao Việt Nam đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng). Trong đó, tiêu biểu là, lần đầu tiên đội tuyển Fusal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á; 16 vận động viên/11 môn thể thao giành suất tham dự Olympic Paris; trong đó VĐV Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 02 lần vào chung kết 02 nội dung là 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao (trong đó nội dung 10m súng ngắn hơi Trịnh Thu Vinh đứng hạng 4 chung cuộc); đội tuyển Bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành huy chương đồng thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á và nhiều thành tích xuất sắc khác.

Ở lĩnh vực Du lịch, năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước

Bước sang năm 2025, một năm đặc biệt, ngành VHTTDL sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức và phối hợp tổ chức tốt các nhiệm vụ được giao phục vụ đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các sự kiện trọng đại của Đảng, của dân tộc, của Ngành như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam; 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và 80 năm truyền thống Ngành Văn hóa; Đại hội Thi đua yêu nước Bộ VHTTDL lần thứ IV năm 2025; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bảo đảm nhân dân được đón Tết Ất Tỵ 2025 vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ VHTTDL sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành theo đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2021-2026 đã được phê duyệt và triển khai Đề án Định hướng công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2026-2030. Tập trung hoàn thành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)...

Đồng thời xây dựng kế hoạch, báo cáo khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý và tổ chức lễ hội; trước mắt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngoại giao văn hóa: Chuyển tư duy "Gặp gỡ, giao lưu" sang "Hợp tác đích thực"

Chú trọng triển khai triển khai tích cực, bài bản công tác ngoại giao văn hóa; chuyển tư duy "Gặp gỡ, giao lưu" sang "Hợp tác đích thực". Chủ động tăng cường, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của Ngành; ký kết, triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc tế về VHTTDL góp phần quan trọng quảng bá về đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.

Bên cạnh đó, triển khai Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Tiếp tục xây dựng chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Chương trình Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em và các nội dung, nhiệm vụ về phòng chống tai nạn, thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em. Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026. Tổ chức, điều hành các Hội thi, giải thể thao quần chúng toàn quốc, lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thể dục thể thao theo kế hoạch. Tập trung cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 (AYG 4) tại Bahrain, Đại hội Thể thao thế giới (World Games) tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.

Đồng thời nghiên cứu các giải pháp đột phá, mạnh mẽ để phát triển du lịch; khẩn trương hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện; phát động Phong trào thi đua "Dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ ân cần, ứng xử văn minh, môi trường xanh sạch", mang đến "nụ cười du lịch Việt Nam". Xây dựng Chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2026-2030. Xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch theo cách làm mới, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nhanh, toàn diện và bền vững. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

Diệp Anh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ VHTTDL công bố 3 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Hợp tác quốc tếBộ VHTTDL công bố 3 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Hợp tác quốc tế