Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"

Admin
Từ đạo diễn đến diễn viên đều không thể "thẩm" nổi tạo hình cũ của Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không vừa bẩn vừa xấu, Trư Bát Giới lại dữ tợn vô cùng.

Tây du ký 1986 là phim kinh điển của Trung Quốc, bộ phim đã phát sóng được gần 40 năm nhưng sức hút của nó vẫn "không phải dạng vừa". Mọi thông tin từ nội dung đến hậu trường đều khiến khán giả vô cùng thích thú. Mới đây, Sohu thống kê được rằng tác phẩm kinh điển này đã được chiếu đi chiếu lại tới hơn 3.000 lần. Để tạo lên một bộ phim có sức hút như vậy, phía nhà sản xuất đã rất kì công trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"- Ảnh 1.

Tập phim đầu tiên được quay của Tây du ký là phần 13 Trừ yêu Ô Kê Quốc.

Theo chia sẻ của đạo diễn Dương Khiết, cảnh quay thử đầu tiên của Tây Du Ký là tập Trừ yêu Ô Kê Quốc vì trong kịch bản không có nhiều cảnh sử dụng phép thuật hay kỹ xảo đặc biệt. Nữ đạo diễn cho biết: "Chuyển thể Tây du ký khác với Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng hay Tam quốc diễn nghĩa. Ba danh tác trên chỉ cần làm đúng theo nguyên tác là được. Nhưng Tây du ký có nhiều quan niệm không phù hợp để đưa lên màn ảnh, đồng thời phim có nhiều cảnh cần sử dụng hiệu ứng đặc biệt".

Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"- Ảnh 2.

Trư Bát Giới nhìn dữ tợn, không hợp với cảnh hài.

Bằng chứng là trong lần đầu quay, đoàn phim đã tạo hình cho nhân vật Trư Bát Giới của Mã Đức Hoa khá dữ tợn. Trong nguyên tác, Trư Bát Giới được miêu tả là chú lợn rừng, lại có sức mạnh của nguyên soái nên tạo hình phải mạnh mẽ. Thế nhưng, tạo hình này bị chê vừa xấu vừa ác, hoàn toàn không phù hợp khán giả đại chúng, đặc biệt là trẻ em.

Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"- Ảnh 3.

Cả Trư Bát Giới và Tôn Ngộ Không đều bị đạo diễn chê quá... xấu.

Còn Tôn Ngộ Không cũng không khá khẩm hơn là bao khi ban đầu được cho mặc áo màu hồng nhạt tay lỡ, khoác ngoài tấm áo da hổ được sư phụ may cho. Đạo diễn Dương Khiết không giấu nổi cảm xúc, thẳng thừng chê bai: "Tôn Ngộ Không nhìn quá bẩn, quá xấu".

Sau đó, đạo diễn Dương Khiết đã mang bản quay thử mời các chuyên gia trong ngành như Ngô Tổ Quang, Tạ Thiêm, Lý Vạn Xuân, Viên Thế Hải cùng Trịnh Dung đánh giá về diễn xuất, động tác cũng như tạo hình. Trong đó, Lý Vạn Xuân là chuyên gia biểu diễn vai Tôn Ngộ Không trên sân khấu hý kịch.

Đến khi đem bản quay thử cho các chuyên gia trong ngành thẩm định, góp ý, đạo diễn Dương Khiết sau đó thừa nhận rằng: "Lúc đó tôi chỉ ước có cái lỗ để chui xuống vì tạo hình của Trư Bát Giới và Tôn Ngộ Không đều quá xấu".

Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"- Ảnh 4.

Cảnh phim chính thức được phát sóng. Trang phục của Tôn Ngộ Không đẹp hơn rất nhiều.

Cuối cùng, sau nhiều lần nghiên cứu, đạo diễn Dương Khiết đã có những chỉnh sửa để tạo ra phiên bản Tây du ký hoàn hảo nhất. Tập Trừ yêu Ô Kê Quốc cũng có nhiều sự thay đổi. Tạo hình Tôn Ngộ Không được thay bằng áo vàng thêm áo ngoài màu đỏ, phần mũ miện nhìn rất sang trọng. Trư Bát Giới trở nên dễ nhìn hơn.

Bên cạnh đó, vai diễn Đường Tăng cũng đổi diễn viên từ Uông Việt sang Trì Trọng Thụy, đổi trang phục màu trắng sang màu nâu, phần mũ cũng thay đổi. Vương hậu của Ô Kê Quốc vốn do nữ diễn viên Trịnh Sở Kỳ đảm nhiệm đã đổi thành Hướng Mai. Một số cảnh quay cũng bị cắt bỏ.

Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"- Ảnh 5.

Vai diễn mẫu hậu đầu tiên do nữ diễn viên Trịnh Sở Kỳ đóng.

Tây Du Ký 1986: Công bố tạo hình cũ xấu đến mức đạo diễn "ước có cái lỗ để chui"- Ảnh 6.

Nhân vật này sau đó được thể hiện bởi nghệ sĩ kịch Hướng Mai.

Bên cạnh đó, vì là tập phim đầu tiên quay thử nghiệm, nên phần phim Trừ yêu Ô Kê Quốc dính nhiều sạn. Vai diễn Đường Tăng lúc thì do Trì Trọng Thụy đảm nhiệm, lúc lại đổi thành Uông Việt. Trang phục của Thái tử, thái giám trong cùng một cảnh quay vì quay thời gian khác nhau nên cũng thay đổi liên tục.

Tùng Lâm (t/h)