Thắp lửa khởi nghiệp: Hành trang mới cho thế hệ trẻ

Admin
(Chinhphu.vn) - Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VII là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo đang lan toả mạnh mẽ từ giảng đường ra thị trường.
Thắp lửa khởi nghiệp: Hành trang mới cho thế hệ trẻ- Ảnh 1.

Các nhóm dự án trẻ đã thắp lên niềm tin rằng thế hệ trẻ hôm nay đang từng bước tự tay viết nên tương lai của chính mình - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Từ những ý tưởng trên giấy đến hành trình trưởng thành của người trẻ Việt

Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VII vừa khép lại tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhưng dư âm của tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng từ hàng nghìn bạn trẻ vẫn còn đọng lại.

Không khí sôi nổi tại các gian trưng bày ý tưởng, diễn đàn gặp gỡ chuyên gia hay những phần thuyết trình tâm huyết của các nhóm sinh viên đã thắp lên niềm tin rằng thế hệ trẻ hôm nay đang tự viết nên tương lai của chính mình.

Phát biểu tại ngày hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ: “Khởi nghiệp không đơn thuần là một lựa chọn nghề nghiệp, đó là cách mỗi học sinh, sinh viên học cách kiến tạo tương lai bằng chính đôi tay và khối óc của mình”.

Từ tinh thần ấy, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” đã đồng hành suốt 7 năm qua, từng bước đưa khởi nghiệp trở thành một phần của môi trường học đường. Hơn 120 trường đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, nhiều trường thành lập không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ ý tưởng, nơi sinh viên được trải nghiệm và cả được sai để lớn lên cùng ý tưởng của mình. 

Thắp lửa khởi nghiệp: Hành trang mới cho thế hệ trẻ- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ: Dù có đoạt giải hay không, điều quan trọng là các em đã thực sự miệt mài sáng tạo và thổi lên ước mơ khởi nghiệp cho mình, cho cộng đồng - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm

Tuy nhiên, hành trình ấy không dễ dàng. Thứ trưởng Kim Chi thẳng thắn: “Không ít bạn trẻ chỉ mới có những ý tưởng đẹp trên giấy, chưa đủ điều kiện hiện thực hóa. Thiếu kỹ năng, thiếu trải nghiệm và cả thiếu sự hỗ trợ dài hơi là những khoảng trống mà chúng ta cần cùng nhau lấp đầy”.

Còn đó những dự án dở dang vì thiếu vốn, những nỗi lo thất bại chưa kịp vượt qua. Nhưng cũng từ đó, lời kêu gọi xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ từ chính sách, nhà trường đến doanh nghiệp và cộng đồng càng trở nên cấp thiết. 

Điều xúc động nhất có lẽ đến từ những chia sẻ mộc mạc của các bạn sinh viên: Có nhóm từng thất bại, nhưng trở lại mùa này mạnh mẽ hơn. Có nhóm đạt giải, nhưng điều quý nhất với họ không phải là tấm bằng khen, mà là hành trình cùng nhau nỗ lực, từng đêm thức trắng hoàn thiện mô hình. 

“Dù có đoạt giải hay không, điều quan trọng là các em đã thực sự miệt mài sáng tạo và thổi lên ước mơ khởi nghiệp cho mình, cho cộng đồng”, Thứ trưởng Kim Chi nói.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn diện, khởi nghiệp không còn là chuyện của riêng ngành kinh tế hay công nghệ. Đó là hành trình chung của những người trẻ biết mơ ước và dám hành động.

Và như lời nhắn gửi cuối cùng của Thứ trưởng: “Ngày hội khởi nghiệp năm nay là điểm kết thúc của Đề án 1665, nhưng không phải là cái kết của hành trình. Tôi tin, với những đề án mới, chính sách mới và sự đồng hành từ nhiều phía, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục viết tiếp những giấc mơ, những khát vọng về một quốc gia khởi nghiệp – nơi người trẻ làm chủ tương lai của chính mình”.

Khép lại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Đồng thời, bà cũng trực tiếp trao giải thưởng Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII, tiếp thêm động lực và niềm tin cho những người trẻ đang dấn bước trên con đường sáng tạo và cống hiến. 

Tuệ Lâm