"Thấy bánh chưng là thấy Tết!"

Hoàng Huyền
Bánh chưng, bánh tét là một món ăn ngày Tết gắn liền trong nhiều hoạt động cúng bái quan trọng của người Việt. Với tạo hình vuông vức cùng hình trụ dài, hai loại bánh này tượng trưng cho sự hòa quyện của trời đất, thể hiện lòng thành kính của người dân ta mong cầu một năm mưa thuận gió hòa.

"Thấy bánh chưng là thấy Tết!"

thay-banh-chung-la-thay-tet-dulichgiaitri-van-hoa-1673589995.jpg

Trong đó, nguyên liệu làm bánh chưng và bánh tét sẽ bao gồm gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh và lá dong. Sự hòa quyện giữa gạo nếp mềm dẻo, đậu xanh ngọt bùi, thịt mỡ béo ngậy gói trong lá dong đem lại một hương vị thơm ngon, khó cưỡng.

Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng xuất hiện từ thời vua Hùng dựng nước và giữ nước. Theo sự tích truyền lại, nhân dịp đầu xuân năm mới, vua Hùng muốn truyền lại ngôi vị, nhưng chưa biết phải chọn ai trong các vị hoàng tử tài hoa. Chính vì thế, vua Hùng truyền chỉ, nếu ai dâng lên món quà vừa ý thì sẽ truyền lại ngôi vua. Đến ngày dâng lễ, các hoàng tử đều dâng đủ các thứ sơn hào hải vị quý hiếm trên đời, duy chỉ có vị hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu, mồ côi mẹ và cũng nghèo khó nhất vẫn lo lắng chưa biết dâng lễ gì.

Đêm đó, hoàng tử Lang Liêu mộng thấy vị thần mách bảo “ Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành của cha mẹ.”

Hoàng tử Lang Liêu mừng rỡ, dâng lên vua cha bánh chưng . Đây chính là nguồn gốc của hai loại bánh truyền thống của đất nước ta.

Bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả ngày Tết để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.

Kim Thoa