Thấy gì từ những bộ phim Việt “bỏ quốc tịch” để đi thi quốc tế?

Admin
(PNTĐ) - Giới hâm mộ điện ảnh toàn cầu đang đổ dồn sự chú ý về sự kiện Liên hoan Phim quốc tế Cannes (LHP) năm 2024. Hồi tháng 4, phim Viet and Nam (tựa Việt: Trong Lòng Đất) của đạo diễn Trương Minh Quý được công bố có tên trong hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) của LHP năm nay. Tuy nhiên, mới đây, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thông tin Việt Nam không cấp phép phổ biến tác phẩm này.
Thấy gì từ những bộ phim Việt “bỏ quốc tịch” để đi thi quốc tế? - ảnh 1
Phim Ròm được quan tâm khi ra rạp tại Việt Nam.

Lagi - công ty đặt trụ sở tại Việt Nam - đã xóa tên khỏi danh sách những đơn vị sản xuất để phim vẫn tiếp tục tranh giải tại Cannes. Đạo diễn Trương Minh Quý sẽ giữ vai trò nhà sản xuất chính. Hãng Pyramide International nhận trách nhiệm phân phối tác phẩm tại các thị trường quốc tế.

Tại sao phim Việt chưa có giấy phép vẫn dự thi quốc tế?
Trường hợp của Viet and Nam gợi nhớ ồn ào của bộ phim Vị của đạo diễn Lê Bảo vài năm trước. Tác phẩm thắng giải Special Jury Award tại hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ) tại Liên hoan Phim Berlin 2021. Sau đó, phim bị phạt 35 triệu đồng và không cho phép phổ biến ở Việt Nam vì chưa xin phép phát hành đã đi thi ở nước ngoài. Tác phẩm sau đó cũng được trình chiếu và đoạt thêm một số giải thưởng tại các LHP quốc tế khác tại châu Á.

Năm 2019, bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy cũng bị phạt 40 triệu đồng vì tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến. Tác phẩm sau đó cũng đoạt giải New Currents - một trong những giải thưởng quan trọng tại sự kiện này. Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, phim đã được cấp phép phát hành tại Việt Nam sau một thời gian khá dài Hội đồng duyệt phim quốc gia cùng làm việc với nhà sản xuất để chỉnh sửa.

Thực chất, hầu hết các phim Việt Nam dự các LHP quốc tế đều có giấy phép đầy đủ. Tuy nhiên, một số ê-kíp vẫn quyết định gửi dự án của mình đi thi khi chưa được duyệt vì cả lý do chủ quan và khách quan. Thông thường, Ban tổ chức các liên hoan phim quốc tế chỉ yêu cầu đạo diễn gửi một bản thô chưa hoàn chỉnh cho vòng xét tuyển. Vì vậy, khi được xác nhận rằng phim có cơ hội vào danh sách tranh giải, các nhà sản xuất lúc đó mới xác định phim được đi thi quốc tế. Tuy nhiên, nếu muốn nộp cho hội đồng phân loại và thẩm định, ê-kíp phải có bản phim hoàn chỉnh, đã được đóng gói.

Hiện trạng này dẫn đến việc một số tác phẩm sau khi được công bố tranh giải quốc tế mới bắt đầu đi lo xin giấy phép, đi ngược quy trình. Một mặt phải gửi dự án đi cho kịp tiến độ liên hoan. Và, nếu đúng theo quy định của luật là 15 ngày sau mới nhận được công văn trả lời, yêu cầu sửa chữa thì dễ bị chậm tiến độ đăng ký.

Thêm vào đó, các dự án điện ảnh đi thi quốc tế của Việt Nam hầu hết thuộc dạng phim độc lập, quy mô nhỏ và được sản xuất theo dạng cuốn chiếu. Nhiều đoàn phim còn phải đợi lời xác nhận từ các liên hoan phim mới có thể huy động thêm vốn, hoàn thiện tác phẩm. Vì vậy, nhiều ê-kíp chấp nhận rủi ro này khi mang đứa con tinh thần của mình ra nước ngoài. Trường hợp xấu nhất, họ sẽ bị phạt hành chính hoặc phải đổi quốc tịch như Vị, Viet and Nam…
Cần gấp một tiếng nói chung
Các trường hợp như Vị hay Viet and Nam vẫn đang là thiểu số của ngành điện ảnh, khi nhà làm phim và đơn vị kiểm duyệt không tìm được tiếng nói chung. Thực chất, nếu các tác phẩm này theo đúng quy trình để ra nước ngoài, ê-kíp nhiều khả năng sẽ phải chỉnh sửa nội dung khá nhiều nếu muốn được cấp phép. Vì vậy, việc “vượt rào” đi thi của họ phần lớn đến từ lý do chủ quan từ chính các đạo diễn, khi muốn bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình trước khi đến với các giám tuyển quốc tế. 

Tuy nhiên, có thể thấy, việc cấm một bộ phim Việt đã hoàn thiện không được phát hành là điều rất đáng tiếc. Nhất là khi những tác phẩm đó lại được đón nhận tốt tại các giải thưởng quốc tế. Do đó, nhiệm vụ tìm một tiếng nói chung giữa các nghệ sĩ và cơ quan kiểm duyệt vẫn là một bài toán cần giải quyết trong nội bộ ngành điện ảnh. Trước đây, nhiều đạo diễn trong nước từng kêu gọi xây dựng một “luồng xanh” cho phép duyệt bản phim chưa tinh chỉnh hoàn thiện để gỡ khó cho các nhà làm phim trẻ. Thế nhưng, về thực tế, đây vẫn được xem là một phương án rất khó vì tồn tại nhiều rủi ro về mặt quản lý. Đạo diễn Trần Thanh Huy - cha đẻ của Ròm - từng thổ lộ phải chỉnh sửa lại khá nhiều để tác phẩm được cấp phép phát hành tại Việt Nam sau khi thắng giải quốc tế. 

Thực tế, Việt Nam cũng không thiếu những bộ phim được mang đi thi quốc tế một cách đúng luật và vẫn chiến thắng những giải thưởng danh giá. Năm 2023, Bên Trong Vỏ Kén Vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân gây chấn động khi được vinh danh tại hạng mục Máy quay Vàng tại Cannes - liên hoan phim danh giá nhất thế giới. Tác phẩm sau đó còn được Viện phim Anh (British Film Institute) chọn vào danh sách bình chọn 50 tác phẩm điện ảnh đáng chú ý nhất năm. Hồi đầu năm, Cu Li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân cũng thắng giải Phim đầu tay xuất sắc tại Berlin - một trong 3 liên hoan phim lớn nhất thế giới. Trước đó, dự án Những Đứa Trẻ Trong Sương của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng thắng hàng loạt giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới. Tác phẩm sau đó còn ghi tên vào danh sách rút gọn của Oscar 2023, là 1 trong 15 tác phẩm xuất sắc nhất thế giới ở thể loại phim tài liệu. 

Những thành tích ấn tượng này cho thấy nền điện ảnh Việt đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Bên cạnh việc cho ra đời nhiều tác phẩm có doanh thu ấn tượng lên tới hàng trăm tỷ, các đạo diễn nước nhà ngày càng cho ra đời nhiều dự án chất lượng, đủ sức gây tiếng vang trên trường quốc tế. Những cái tên như Phạm Thiên Ân, Hà Lệ Diễm hay Phạm Ngọc Lân là minh chứng cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy của những nhà làm phim trẻ của Việt Nam hiện nay. Họ hướng đến sự sáng tạo, đi tìm ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình chứ không bị bó buộc bởi những quy tắc cũ kỹ. Đồng thời, các đạo diễn này đều thể hiện được khát khao vươn mình ra biển lớn để đem về những thành tích vẻ vang cho ngành nghệ thuật nước nhà.

Trước hiện trạng đó, các cơ quan chức năng cũng cần có nhiều phương án để hỗ trợ, hậu thuẫn cho thế hệ làm phim trẻ đầy tiềm năng này. Cùng với đó, khi cả hai có được tiếng nói chung cũng sẽ giúp giảm các yếu tố nhạy cảm trong phim (nếu có) để cho ra đời những tác phẩm chất lượng, giúp quảng bá hình ảnh và tên tuổi của Việt Nam với bạn bè quốc tế.