Thực hiện Nghị định 168: Người dân đã chấp hành nghiêm túc kể cả khi không có CSGT

Admin
(PNTĐ) - Người dân đã chấp hành nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ngay cả khi không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đặc biệt là chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chấp hành về việc đi đúng phần đường, làn đường theo quy định; trên đường cao tốc các phương tiện không chạy ở làn dừng khẩn cấp.

Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định số 168/2024 của Chính phủ, ý thức và hành vi tham gia giao thông của người dân, của những người lái xe dịch vụ, lái xe tải, xe khách...và của cả chủ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã chuyển biến rất tích cực và rõ rệt. Người dân đã chấp hành nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về TTATGT ngay cả khi không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đặc biệt là chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chấp hành về việc đi đúng phần đường, làn đường theo quy định; trên đường cao tốc các phương tiện không chạy ở làn dừng khẩn cấp...

Nhiều lỗi vi phạm đã giảm mạnh so với thời gian trước liền kề, điến hình như: tổng số trường hợp bị xử phạt do vi phạm giảm 12,8%; vi phạm về nồng độ cồn giảm 13%; vi phạm về tốc độ giảm 2,1%; vi phạm quá tải trọng, quá khố, cơi nới thành thùng giảm 44%; số trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy giảm 21,5%; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông giảm 36,7%; vi phạm về mũ bảo hiểm giảm 23,8%; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông giảm 31,5%; chở quá số người quy định giảm giảm 46%...

Đặc biệt là, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm sâu 2 con số trên cả 3 tiêu chí (giảm 258 vụ = 36,69%; giảm 128 người chết = 37,61%; giảm 232 người bị thương = 38,34% so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024).

Phải khẳng định rằng, việc ban hành NĐ168 với các chế tài nghiêm khắc là một bước đi đúng đắn nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, giảm thiểu tai nạn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Một đô thị văn minh đòi hỏi ý thức chấp hành pháp luật cao từ phía người dân. Chúng ta cần hiểu rằng luật giao thông không chỉ để bảo vệ trật tự mà việc tuân thủ luật pháp còn bảo vệ chính mình và việc này không phụ thuộc vào hạ tầng hay điều kiện ngoại cảnh. Nếu mọi người chấp hành nghiêm túc, đâu phải lo lắng về mức phạt thế nào.

Việc xử phạt dù cao hay không luôn là “phần ngọn”, việc thay đổi hành vi người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông mới là bền vững. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, để xây dựng được văn hóa giao thông cần một chiến lược đồng bộ và bền vững với sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội, từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân.

Trong đó, việc giáo dục giao thông cần được làm từ sớm, đưa vào hệ thống trường học các cấp, đào tạo kỹ năng cho người trưởng thành, thực hành nêu gương từ phụ huynh, cha mẹ… Đồng thời, chúng ta cần kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc khuyến khích ý thức tự giác, kiên nhẫn, nhất là trong giờ cao điểm; lên án những hành vi thiếu văn hóa giao thông, không tuân thủ pháp luật, kèm theo là kiên trì chế tài xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.

Thực hiện Nghị định 168: Người dân đã chấp hành nghiêm túc kể cả khi không có CSGT - ảnh 1
Người dân tại Hà Nội chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu giao thông sau khi Nghị định 168 có hiệu lực.

Theo các chuyên gia, việc thực thi NĐ168 là một cơ hội để chính quyền các địa phương đánh giá và cải thiện toàn diện hệ thống giao thông. Trong nỗ lực cải thiện hạ tầng, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM nên dành nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông tự động, lắp đặt mạng lưới cảm biến giao thông và camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các giao lộ chính để theo dõi và quản lý lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Phát triển hoặc nâng cấp các ứng dụng bản đồ giao thông số để người dân lựa chọn lộ trình tối ưu.

Thay đổi ý thức và hành vi là rất quan trọng, việc này không thể có được trong ngày một ngày hai mà cần sự phối hợp bền bỉ từ giáo dục, chế tài, hạ tầng và cộng đồng. Chúng ta cần xây dựng được tinh thần tự giác và trách nhiệm xã hội, chủ động điều chỉnh hành vi, chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông...