Tìm giải pháp nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến quận Tây Hồ

Admin
(Tạp chí Du lịch) - Ngày 13/7, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ tổ chức chương trình Khảo sát và Hội nghị Nâng cấp chất lượng dịch vụ, kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã khảo sát một số điểm đến du lịch tiêu biểu trên địa bàn quận Tây Hồ: đền Đồng Cổ, chùa Kim Liên, Thung lũng hoa Hồ Tây, Khu du lịch Nhật Tân. Các đại biểu cũng đã nghe giới thiệu và trải nghiệm thưởng thức trà sen Tây Hồ.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại Hội nghị

Tạo Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, đề xuất nhiều giải pháp để quận Tây Hồ nâng cấp chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến đến doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội Unesco Hà Nội Trương Minh Tiến nhận định, quận Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch về di sản văn hóa. Thời gian gần đây, quận đã có sự quan tâm đặc biệt để xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và bước đầu thành công. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến, quận Tây Hồ cần phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch ban ngày và ban đêm với thời lượng khác nhau để thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng vào công tác phát triển và khai thác giá trị sen Tây Hồ phục vụ nhu cầu của du khách.

Ông Phùng Quang Thắng - Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cho rằng, quận Tây Hồ có ưu thế phát triển du lịch khác biệt với không gian hồ nước lớn nhất nội thành Hà Nội; con đường quanh hồ Tây có thể trở thành con đường du lịch của Thủ đô. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường; quy hoạch, kết nối điểm đến, đưa vào nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn. “Đặc biệt, quận Tây Hồ là địa phương có thế mạnh về du lịch văn hóa, nên cần tăng cường đào tạo cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm” - ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Phạm Duy Nghĩa cho rằng, các điểm đến ở quận Tây Hồ chưa được đầu tư sâu vào chất lượng các khu, điểm, dịch vụ. Các điểm di tích rất đặc sắc nhưng không có liên kết với các hãng lữ hành để đưa du khách đến... Cũng theo ông Phạm Duy Nghĩa hồ Tây được định hướng phát triển du lịch thể thao; chính quyền cần kêu gọi đầu tư chuyên sâu của các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế để đầu tư sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, tạo điểm nhấn hút khách.

 Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại đền Đồng Cổ

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho rằng, để phát triển du lịch quận Tây Hồ trước hết cần bắt đầu bằng việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ; kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành. “Chính quyền quận Tây Hồ có thể kết nối ngay các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích trên địa bàn quận với các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào City tour. Khi doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là người dân được hưởng lợi thì những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đòn bẩy cho du lịch ngày càng phát triển” - ông Phạm Hải Quỳnh  nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, quận Tây Hồ nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội, là trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa, và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô. Quận Tây Hồ có nhiều tài nguyên văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc: vùng trồng đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, Tứ Liên; hệ thống 71 di tích chùa, đình, đền, miếu, am, văn chỉ, phủ, nhà thờ họ… (24 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp thành phố và 29 di tích trong danh mục kiểm kê, quản lý). Nhiều di tích, danh thắng của quận Tây Hồ đang nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên... Một số di tích có lễ hội truyền thống tiêu biểu thu hút đông đảo nhân dân và du khách như: Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, đình Yên Phụ, phủ Tây Hồ, đền Voi Phục… “Việc gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa đã đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của quận Tây Hồ” - bà Bùi Thị Lan Phương chia sẻ.

Cũng theo bà Bùi Thị Lan Phương, để khai thác các tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển du lịch, quận Tây Hồ đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Đề án thưởng thức trà sen Quảng An; Đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch” và “Làng nghề trồng quất cảnh Tứ Liên”; Đề án “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa”... Quận Tây Hồ cũng vừa khánh thành Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của quận và TP. Hà Nội; đang định hướng phát triển các tour đêm, tour bán thực cảnh phục vụ du khách. Đặc biệt, quận Tây Hồ đang làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề ướp trà sen Tây Hồ; có đề án mở rộng vùng trồng sen lên 25ha và trồng sen quanh năm, hứa hẹn là điểm đến thu hút du khách thời gian tới.

Trải nghiệm ướp trà sen bên cạnh Lễ hội Sen Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, quận Tây Hồ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Khu vực xung quanh Hồ Tây với lịch sử lâu đời đã hình thành nên nhiều nghề thủ công truyền thống, với đậm đặc các công trình di tích lịch sử có giá trị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây được TP. Hà Nội quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao giá trị của hồ Tây. Quận Tây Hồ cũng nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng, độc đáo, tiêu biểu là các sản phẩm gắn với thương hiệu Sen hồ Tây.

Đặc biệt, khu vực Hồ Tây sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn; phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ. Trên địa bàn quận Tây Hồ cón có 126 cơ sở lưu trú với 5.157 phòng chiếm 3,4% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội (2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, có 2 khu căn hộ du lịch cao cấp 4-5 sao) và hiện đang triển khai 4 dự án khách sạn 5 sao, 1 dự án khách sạn 3 sao. “Đây là cơ hội rất thuận lợi để quận Tây Hồ có thể phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí bổ trợ cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống” - ông Trần Trung Hiếu khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết thêm, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng với UBND quận Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trải nghiệm mang tính độc đáo, sáng tạo gắn với các giá trị di sản, di tích và làng nghề của quận Tây Hồ. Qua đó, góp phần tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Gia Khôi