Tin tức Đời sống 8/4: Cách tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Admin
Cập nhật tin tức đời sống ngày 8/4: Chuyên gia chỉ cách tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng; Ăn món giàu canxi giúp giảm 94% nguy cơ đột quỵ...

Chuyên gia chỉ cách tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó ba người tử vong.

Riêng tháng 3/2024, cả nước xảy ra sáu vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 368 người bị ngộ độc. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 14/3 tại quán cơm gà Trâm Anh, TP. Nha Trang khiến 367 người có triệu chứng ngộ độc phải vào cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Đáng lưu ý, ngày 5/4 một học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) đã tử vong nghi do bị ngộ độc sau khi ăn sáng. Nhiều học sinh khác cũng có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc sau khi ăn sáng tại các hàng quán và hàng bán rong xung quanh trường.

Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ từ 37 - 40 độ C vào mùa hè là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường.

Thêm vào đó, thói quen trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến...không bảo đảm an toàn vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa, thực phẩm không được làm sạch do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm, đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu có nguy cơ “dính” vi khuẩn từ bên ngoài.

Bác sĩ Nguyên cảnh báo, các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc…đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu.

Ngoài ra, vào mùa hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

Do vậy, theo bác sĩ Nguyên, vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2-3 tiếng. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.

Nếu người dân muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, nên để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, và tốt nhất nên để đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C trong thời gian hơn 5 phút.

Ăn món giàu canxi giúp giảm 94% nguy cơ đột quỵ

Công trình từ Bệnh viện Severance, Đại học Y khoa Yonsei, Đại học Seoul (Hàn Quốc) và Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM - Việt Nam) chứng minh rằng việc nạp vào cơ thể trên 800 mg canxi mỗi ngày có thể giúp một số phụ nữ chống lại đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch chết người khác.

Các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 12.348 phụ nữ Hàn Quốc từ 45-70 tuổi đã mãn kinh tự nhiên, thu thập bởi chương trình khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hàn Quốc (KNHANES).

Họ này được chia thành 3 nhóm dựa trên lượng canxi tiêu thụ hàng ngày: Nhóm 1 tiêu thụ dưới 400 mg/ngày, nhóm 2 tiêu thụ từ 400-800 mg/ngày, nhóm 3 tiêu thụ trên 800 mg/ngày.

Kết quả công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy ở những phụ nữ có thời gian mãn kinh trên 10 năm và tiêu thụ trên 800 mg canxi mỗi ngày sẽ giảm được 73% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim, cũng như giảm tới 94% nguy cơ đột quỵ.

Theo các tác giả, canxi có thể giúp cải thiện tình trạng lipid máu (tăng cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu LDL), giảm nhẹ huyết áp, tăng cường độ nhạy insulin... Nhờ đó giúp chống lại các vấn đề tim mạch.

Ở phụ nữ tiền mãn kinh, estrogen đóng vai trò trong việc điều hòa cân bằng canxi và ngăn ngừa bệnh tim mạch. Với người mãn kinh đã lâu, việc thiếu hụt estrogen trong thời gian dài sau mãn kinh phá vỡ cân bằng canxi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đó là lý do việc bổ sung canxi tác động lớn đến nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch khác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này và xác định lượng canxi tối ưu cho sức khỏe tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh.

Tuy nhiên, các phát hiện đã đủ cho thấy bổ sung đầy đủ canxi là có lợi đối với nhóm phụ nữ này trong việc ngăn ngừa các biến cố chết người.

Theo Healthline, các món ăn, uống giàu canxi bạn có thể dễ dàng bổ sung hàng ngày bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai...), các loại rau màu xanh lá đậm (cải xoăn, cải bó xôi, rau dền, súp lơ xanh...), trứng, cá mòi, các loại hạt, nước cam...

Cũng có thể bổ sung canxi bằng viên uống, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, nhất là khi bạn có bệnh nền.

Bỏ đồ chơi vào bình nước uống dùng chung, 23 học sinh ngộ độc

Đời sống - Tin tức Đời sống 8/4: Cách tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Học sinh sau khi uống nước bình dùng chung ngi ngộ độc phải đến bệnh viện (Ảnh. H.Nguyên/Người lao động).

23 học sinh ở tỉnh Quảng Trị bị các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, khó thở phải đến bệnh viện sau khi uống nước bình dùng chung. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân gây ngộ độc do có học sinh nghịch ngợm bỏ đồ chơi vào bình nước uống dùng chung.

Vụ nghi ngộ độc xảy ra tại một trường Trường Tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Khoảng 9h10 ngày 3/4 vào giờ ra chơi, sau khi uống nước bình dùng chung khoảng 10 phút, 23 học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, khó thở... Các em được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ để thăm khám, 19 em được về nhà vào sáng hôm sau, 4 em tiếp tục ở lại một ngày để theo dõi. Hiện, sức khỏe tất các em đã ổn định và cho về nhà. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cũng lấy mẫu nước gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm, xác định rõ nguyên nhân ngộ độc.

Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân ban đầu nghi ngộ độc do có em học sinh bỏ vật đồ chơi vào bình nước uống dùng chung. Tuy nhiên, để xác định rõ chất gì trong đồ chơi bỏ vào bình nước uống phải chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu nước của Viện Pasteur Nha Trang.

“Những trường hợp các em vào bệnh viện bây giờ đã ổn rồi. Nguyên nhân do có em bỏ vật gì đó vào bình nước uống dùng chung, các cháu nhỏ cũng nghịch ngợm chứ không có tác động bên ngoài. Hiện đang gửi mẫu đi xét nghiệm nên phải chờ kết quả mới có kết luận”, ông Đỗ Văn Hùng cho biết.

T.M (tổng hợp)