Tít mù giá vé máy bay

Admin
Có một thực tế là, lâu nay đã mặc định là, phàm những người đã đi máy bay là người có điều kiện, đi máy bay là tầng lớp trên, nên chuyện đắt rẻ không thành vấn đề.

Hôm nọ, thấy Bộ Giao thông Vận tải quyết định thanh tra việc giá vé máy bay tự nhiên cao vòi vọi, bà con hay di chuyển bèn mừng. Và rồi, mừng thật, vì sau một thời gian thanh tra, kết quả là, mọi việc... bình thường, không có gì bất thường, dẫu báo chí và hành khách đều kêu từ khá lâu: Giá vé máy bay cao bất thường. Trước đó, Cục Hàng không cũng có một động thái được cho là khá có trách nhiệm: Đề nghị hành khách cung cấp thông tin giá vé cao bất thường cho cục.

Tôi là một người cũng hay bay. Cách đây vài ba năm, vé máy bay Pleiku Tân Sơn Nhất đa phần dưới 1 triệu đồng, may mắn có thể mua được vé Vietjet chỉ bảy trăm ngàn đồng. Cũng như thế là bay Pleiku Hà Nội rất ít khi quá 2 triệu đồng. Nhưng gần đây đã từng phải bay vé 3,2 triệu đồng. Ngày 22 tháng 3 vừa rồi, vé từ Pleiku đi Hà Nội như sau: Vietjet 3.213.200 đồng. VNa: 4.960.000 đồng. Ngày 23/3 từ Hà Nội vào Pleiku: Vietjet: 2.725.600 đồng, VNa 3.291.000 đồng.

Vấn đề là, Cục Hàng không Việt Nam căn cứ theo giá trần vé máy bay được quy định để thanh tra, và căn cứ vào đấy thì... không phát hiện điều gì sai? Vậy thì "cái giá trần" ấy như thế nào, ai quy định?

Có một thực tế là, lâu nay đã mặc định là, phàm những người đã đi máy bay là người có điều kiện, đi máy bay là tầng lớp trên, nên chuyện đắt rẻ không thành vấn đề, nên người ta chấp nhận vào sân bay ăn một tô phở vài trăm ngàn, ly cà phê cũng gấp chục lần bên ngoài, coi như đấy là đương nhiên.

Và một thực tế nữa mà các hãng bay hay phân trần, là chi phí dịch vụ ngoài vé rất cao, những là sân đỗ, slot, dịch vụ, dẫn đường, an ninh, chiết khấu vân vân, nên một cái vé thì hãng chỉ có một phần ít, còn lại là của sân bay.

Và cũng có thực tế nữa là như thế này, theo lý lẽ thông thường của cơ chế thị trường, thì tắc xi chở khách đến khách sạn sẽ được khách sạn “thưởng”, nhưng với các sân bay Việt Nam thì xe chở khách vào phải trả phí, phải mua vé, kể cả khách xuống xe chạy luôn cũng bị thu. Đã có hồi cãi nhau về việc này, và lý lẽ là, đường vào sân bay vẫn là đường Nhà nước, vậy cớ gì anh thu, chưa kể, như cái lý kinh doanh, nhẽ anh phải cám ơn người chở khách cho anh. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã kết luận: Việc thu phí ô tô vào sân bay là vi phạm pháp luật.

Thế nhưng bây giờ vẫn thế, không chỉ thế, các sân bay đang triển khai thu phí không dừng, tức nâng cấp việc bán vé vào cổng hiện đại hơn, quy mô hơn, chính quy hơn để thu tiền triệt để hơn.

Ba tháng đầu năm 2024, giữa lúc giá vé máy bay cao ngất ngưởng thì Vietnam Airlines báo lãi "khủng". Theo đó, “3 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ Vietnam Airlines thu hơn 22.100 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành Công ty Cổ phần từ năm 2015”- Trích một bài báo.

Đa chiều - Tít mù giá vé máy bay

Ba tháng đầu năm 2024, giữa lúc giá vé máy bay cao ngất ngưởng thì Vietnam Airlines báo lãi "khủng". (ảnh minh họa).

Và mới nhất, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói: “Giá vé máy bay tăng rất cao thời gian qua, các cơ quan quản lý nói chưa kịch trần. Thế bao giờ thì kịch trần, tác động đến kinh tế, du lịch và đời sống nhân dân như thế nào? Tôi đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính trả lời dứt khoát”.

Cũng tại cuộc họp này, giải trình ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT khuyên người dân, khi mà giá vé máy bay cao thì chủ động chọn phương tiện di chuyển khác.

Không có lời khuyên nào chí lí hơn?

Cũng có khi, đây là cách bộ GTVT chia lửa với ngành đường sắt và đường bộ.

Đường bộ thì không nói rồi, lâu nay nó vẫn là phương tiện vận chuyển chính trong nước, cả hành khách và hàng hóa, và khả năng nó vẫn tiếp tục là chủ đạo rất nhiều năm nữa, khi mà, hiện tại, Chính phủ đang dốc sức hoàn thành các đường cao tốc, để nối thông cao tốc cả nước. Hình ảnh Thủ tướng trực tiếp “đốc chiến” giữa nắng nóng trên các công trường thời gian gần đây chứng minh điều ấy. Các hãng xe tư nhân cũng liên tục đổi mới, hiện đại phương tiện. Các xe khách bây giờ được mệnh danh là “hàng không mặt đất”, là “biệt điện lưu động” với ghế nằm mát xa, giường nằm và buồng nằm. Hôm tôi đi từ Hà Giang về Hà Nội đã chọn mua một buồng nằm đôi của một hãng xe và thấy đúng nó chả khác gì một cung điện di động.

Còn đường sắt, ngành được cho là chậm phát triển nhất Việt Nam, thì cũng đang có những thay đổi mạnh mẽ. Trên mục này tôi từng có bài viết kể chuyện mình chọn phương tiện di chuyển là tàu lửa từ Quy Nhơn ra Huế. Rủi đúng cái ngày hầm đèo Cả bị tắc, tàu phải tăng bo nên chậm hơn 6 tiếng, nhưng còn lại là ổn, tất nhiên là so với đường sắt Việt Nam mấy năm trước chứ nó vẫn rất nhiều bất tiện. Nhưng cứ đà này, chả mấy chốc mà nó cũng sẽ là sự được ưu tiên chọn lựa của người Việt, và cả tây du lịch, khi di chuyển, nhất là khi họ đi cả gia đình, không câu nệ thời gian, muốn ngắm cảnh, hoặc quãng đường vừa một đêm, lên tàu ngủ một giấc là tới, như vừa rồi nhóm các văn nhân nổi tiếng ở Hà Nội đã chọn phương tiện tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ vào Huế để dự cuộc chơi thơ của nhà thơ Nguyễn Du ở cố đô. Và theo những gì họ kể, họ đã trải nghiệm khá ổn.

Thế tức là, nếu ông lớn hàng không, thậm chí được coi là “ông hoàng”, cứ đủng đỉnh, cứ cành cao, cứ cảnh vẻ, cứ... trên trời,... sẽ tới một lúc họ nhận hậu quả là khách quay lưng, dẫu ở Việt Nam giờ, sự được lựa chọn không nhiều lắm.

Mà đã hiển hiện ngay rồi. Tuần trước tôi bay từ Tân Sơn Nhất, sân bay vắng hoe, vắng đến... nghi ngờ, đến giật mình khi tôi vào sân bay mà cứ nghĩ nhẽ sân bay... nghỉ vì nó quá vắng, vắng hơn cả thời covid.

Và hôm qua, tôi mua vé máy bay để cuối tuần ra Hà Nội, vé VNa còn có 1,6 triệu đồng. Vẫn cao nhưng so với 3,2 triệu trước đó thì nó đã giảm một nửa.

Tất nhiên không thể chỉ hô hào các hãng hàng không hạ giá vé, mà phải đồng bộ, cả cái mảng rất quan trọng của hàng không là dịch vụ mặt đất VIAGS. Và nữa, tôi đã có bài về việc này cách đây vài tháng, là phải phát huy hết công năng của các sân bay hiện có. Hiện nay ngành hàng không chưa sử dụng hết công năng các sân bay hiện có dẫn đến lãng phí cả nhân lực và cơ sở vật chất. Như sân bay Pleiku, hãng Bamboo  có 5 nhân viên, vừa rồi phải sa thải 4, giữ một nhân viên kỹ thuật nhưng điều xuống Cam Ranh. Và sân bay này giờ một ngày chỉ còn có 10 chuyến bay cả đi và đến 2 sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, cắt hết các tuyến ngắn.

Đã có chuyên gia thốt lên, chả hiểu kinh doanh kiểu gì mà càng tăng giá lại càng kêu... lỗ, là ông ấy nhắc tới mấy ngành, trong đó có hàng không và xăng dầu. Các Đại biểu Quốc hội đề nghị tính toán lại chi phí của các ngành càng tăng giá càng lỗ, “Câu chuyện đặt ra cần giải được bài toán này. Hiện nay chi phí của Vietnam Airlines đang cao quá. Còn giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN vẫn lỗ”- Ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu trên diễn đàn quốc hội. Ý kiến này không phải là không có cơ sở.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả