Tin liên quan
Dự án “Nguyệt Vũ” và chặng hành trình thấu hiểu học sinh vùng cao
Hơn 1.500 em học sinh tham gia ngày hội “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập sáng tạo”
So với liên hoan lần thứ nhất, số lượng đội thi tại liên hoan năm nay tăng 3 đội. Các ban nhạc, nhóm nhạc đến từ các trường công lập, tư thục, trường chuyên và trường có yếu tố nước ngoài gồm: THPT Việt Đức THPT Chuyên Chu Văn An; THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam; THPT Phan Huy Chú - Đống Đa; THPT Phan Đình Phùng; THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa; THPT Thăng Long; THPT Thường Tín; THPT Sóc Sơn; THCS & THPT Nguyễn Tất Thành; THCS & THPT Newton; THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy; Tiểu học, THCS & THPT Archimedes - Đông Anh; THCS & THPT Olympia; Trường Quốc tế Singapore...
Đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội tặng hoa ban giám khảo liên hoan.
Điểm mới của liên hoan năm nay là có sự tham gia của học sinh quốc tế, học sinh khiếm thị. Ban Tổ chức cho biết, hệ thống âm thanh, ánh sáng được đầu tư công phu, hiện đại hơn để các ban nhạc, nhóm nhạc thể hiện tài năng.
Giải thưởng tại liên hoan lần thứ hai cũng tăng so với năm trước với tổng số 28 giải (tăng 21 giải) để động viên, khuyến khích học sinh đam mê âm nhạc.
Phần thi của ban nhạc TMIC đến từ học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành.
Các ban nhạc, nhóm nhạc tham gia liên hoan với 2 vòng (sơ khảo và chung khảo). Tại vòng sơ khảo, mỗi ban nhạc, nhóm nhạc thể hiện 2 tác phẩm liên tục thể loại hòa tấu và đệm hát.
7 ban nhạc xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung khảo, diễn ra vào 20 giờ ngày 28/4/2025; được truyền hình trực tiếp trên Đài PT&TH Hà Nội và phát trực tuyến trên nền tảng số của các trường học trên địa bàn Thành phố.
Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội được tổ chức với mục tiêu phát huy niềm say mê, tài năng của học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tại vòng chung khảo, mỗi ban nhạc, nhóm nhạc sẽ thể hiện 2 tác phẩm liên tục, trong đó, thể hiện ít nhất 1 tác phẩm mới không trùng lặp với tác phẩm đã thể hiện tại vòng sơ khảo. Ban Giám khảo liên hoan là những nhạc sĩ, nghệ sĩ có uy tín, có nhiều gắn bó với phong trào văn hóa, văn nghệ của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương - Trưởng ban Tổ chức cho biết, Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh THPT Hà Nội được tổ chức với mục tiêu phát huy niềm say mê, tài năng của học sinh trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là hoạt động thiết thực và là dịp để học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, hình thành nhân cách, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu khai mạc liên hoan (Ảnh: Thanh Tùng)
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng ghi nhận, biểu dương 37 nhà trường đã quan tâm đầu tư để các em có cơ hội tham gia sân chơi bổ ích này; đồng thời đề nghị các trường tiếp tục quan tâm, phát triển hoạt động văn - thể - mỹ nói chung, âm nhạc nói riêng; tạo điều kiện để học sinh tập luyện, biểu diễn, nâng cao đời sống tinh thần cho các em.
Theo nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo liên hoan đánh giá cao sáng kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong việc khởi xướng, phát triển các cuộc thi âm nhạc trong học sinh Thủ đô và đã mang về những thành công ngoài mong đợi.
NSND Phạm Ngọc Khôi cho rằng, đây là bước đột phá và hiện chỉ có Hà Nội làm được. Hy vọng rằng, từ các sân chơi âm nhạc chất lượng sẽ có nhiều học sinh tài năng tiếp tục đam mê và phát triển theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp trong tương lai.
Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc THPT Hà Nội lần thứ II là hoạt động hướng tới hoàn thiện tiêu chí đề nghị tổ chức UNESCO công nhận Hà Nội là thành phố học tập toàn cầu trong năm 2025.