Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Admin
(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt? - ảnh 1
Bà Vũ Thị Mỵ

Cha mẹ cần tự chịu trách nhiệm về tuổi già
Vợ chồng tôi sống ở quê trong khi các con đều làm việc và sinh sống ở Thủ đô. Mặc dù, các con nhiều lần muốn đón bố mẹ lên thành phố cho tiện chăm sóc nhưng hai “ông bà già” đều từ chối. Hiện tại, vợ chồng tôi tự tin, tự chủ tài chính, đủ sức khoẻ và giữ quan điểm sống riêng.

Với quan điểm đó, vợ chồng tôi đã tính chuyện về già từ sớm. Chúng tôi bàn nhau khi tích đủ tiền sẽ bắt đầu kinh doanh. Và ngày ấy cũng đến, cửa hàng thiết bị vệ sinh nội thất được khai trương. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, công việc của gia đình khá suôn sẻ và thuận lợi, vợ chồng tôi cũng tích góp được một khoản tiền an dưỡng tuổi già. 

Đến nay, khi cũng có tuổi và muốn nghỉ ngơi, vợ chồng tôi đã cho thuê lại cửa hàng và có điều kiện để yên tâm vui sống, không phải phụ thuộc vào con cái. Hằng ngày, tôi vẫn chăm chỉ luyện tập thể thao vừa sức, tham gia các câu lạc bộ dân vũ ở địa phương, thi thoảng đi du lịch đó đây. Hai vợ chồng cứ thế vừa tận hưởng cuộc sống tuổi già, vừa có ý thức tiết kiệm hợp lý. 

Để có được cuộc sống như hiện nay, là cả sự nỗ lực làm việc chăm chỉ và ý thức vươn lên từ trẻ để có đời sống ổn định, đồng vốn khi về già… Tôi cho rằng, cha mẹ cần phải tự chịu trách nhiệm về bản thân khi về già chứ đó không phải là gánh vác của con cái.

Vũ Thị Mỵ (SN 1962, Nam Định)

Bố mẹ có trách nhiệm lo cho cuộc sống của mình
Gia đình tôi đông con nhưng mỗi khi các con lần lượt lập gia đình, vợ chồng đều tạo điều kiện cho chúng ở riêng. Từ đó đến nay, tuổi trung niên đến khi về già của tôi đều chủ động cuộc sống không nhờ cậy con cái. Tôi có quan điểm con cái lấy vợ, gả chồng phải lo cho cuộc sống của mình, bố mẹ cũng có trách nhiệm lo cho cuộc sống của bố mẹ. Tuy nhiên, thực tế đó chỉ tốt đối với những người đủ sức khỏe và kinh tế ổn định. Còn những người không có điều kiện sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Chính vì lẽ đó, theo tôi, cha mẹ nên có sự chuẩn bị cho tuổi già từ trẻ, không dồn hết mọi lợi ích cũng như trách nhiệm cho con về sau. Không lo lắng, bao bọc con quá, nếu có điều kiện, cũng không nên cho con cái quá nhiều vật chất mà hãy để chúng tự phấn đấu, hiểu được ý nghĩa của sự tự lập, tự chủ. Song song với đó, bố mẹ làm việc chăm chỉ cũng cần yêu thương chính mình, tích luỹ có “đồng vốn” về già; chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, đóng bảo hiểm…

Mấy năm trước, các con thuyết phục tôi sống chung vì sợ tôi cô đơn bởi lúc đó, ông nhà đã mất. Nhưng gạt đi nỗi mất mát, tôi luôn cố gắng cải thiện tâm trạng mỗi ngày để ngày mới nào cũng luôn có những bài học, trải nghiệm ý nghĩa và vô vàn điều tích cực nếu ta biết trân trọng nó. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn đủ sức khoẻ, tâm trạng dần ổn định để tiếp tục sống riêng. Đặc biệt, tôi vừa xây mới ngôi nhà để cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp chính bản thân và các con yên tâm với quyết định của mình.
Vậy mới thấy, có sự chuẩn bị kĩ càng, chủ động từ sớm, người già sẽ không bị thụ động cũng như mặc cảm, tự ti lúc về già. Mà thay vào đó là những niềm vui, hạnh phúc và tự tin khi tự chủ cuộc đời mình.

Nguyễn Thị Tước (SN 1957, Hà Nội)

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt? - ảnh 2
Ông Đỗ Văn Đạt 

Cả cha mẹ và con đều cần tự lập

Bản thân vợ chồng tôi đều là cán bộ, công chức về hưu. Tôi xin đóng góp quan điểm của mình cho Diễn đàn là cả cha mẹ nên tự lo cho mình và dạy con tự lập. Bởi khi cả bố mẹ và các con đều có khả năng tự lập ở mức độ ổn định, tự quy hoạch được cuộc sống của mình, thì sẽ nhàn cho tất cả.

Chúng tôi có 2 con. Sinh con, nuôi dưỡng, kèm cặp chúng đến khi học xong đại học, tìm được việc làm, thu nhập tốt. Khi các con lập gia đình, chúng tôi đều có ý kiến rằng con nên dọn ra ở riêng. Vợ chồng tôi chưa bao giờ bắt con dâu, rể phục vụ mình, từ việc rửa bát, dọn nhà. Tôi không muốn mang tiếng trông chờ, dựa dẫm vào các con ngay cả trong những việc vặt. Vợ chồng tôi chưa nhận một đồng nào của các con, kể cả con đẻ. Cả nhà gặp mặt, ăn cơm với nhau là để vui chứ không phải vì trách nhiệm.

Ngược lại, hai vợ chồng tôi ý thức được bố mẹ là tấm gương cho con cái. Muốn con tự lập, tự lo được thì bố mẹ cũng phải làm được điều đó. Chúng tôi dù gần 70 tuổi nhưng luôn giữ cho mình lối sống lành mạnh, ăn uống vừa phải, tập thể dục thường xuyên để hạn chế được bệnh tật, giữ sức khỏe ổn định. Về kinh tế, như đã nói, chúng tôi có lương hưu và trong những năm tháng còn công tác luôn cố gắng tiết kiệm. Cũng có người hỏi vợ chồng là tiết kiệm mà làm gì, cứ để hai đứa con lo cho. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định quan điểm của mình. Hiện tại, vợ chồng tôi hoàn toàn có thể tự túc mọi sinh hoạt trong cuộc sống ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Chúng tôi mong muốn các con mình, kể cả con dâu, con rể tự lập, đừng trông chờ gì vào bố mẹ. Nhưng đó không phải là buông tay mà trong mọi hoàn cảnh, mọi sự việc xảy đến với con, chúng tôi luôn cố gắng để con hiểu rằng bố mẹ luôn ở bên và sẵn sàng giúp đỡ con vô điều kiện.

Lẽ tự nhiên, ai cũng mong muốn tuổi già được an nhàn, thư thái, nghỉ ngơi, được con cháu sum vầy, chăm sóc, khi đã dành cả tuổi trẻ cho học hành, chăm lo sự nghiệp; dành cả tuổi trung niên cho công việc, gia đình. Thời gian dài qua đi, khi các con trưởng thành thêm, chúng sẽ hiểu được lòng cha mẹ. Lúc đó, nếu cần, các con sẽ tự biết về với cha mẹ. 

Ông Đỗ Văn Đạt (Xuân Đỉnh, Hà Nội)