Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khi tiếp nhận bức tượng, Bảo tàng đã thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật và cổ vật để xem xét, đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, niên đại, nguồn gốc và giá trị của tượng.
Hội đồng xác định: Đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa. Tuy nhiên, thông tin về địa điểm cụ thể phát hiện tượng Nữ thần Durga vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn
Bức tượng được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Báu vật Champa-Dấu ấn thời gian” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức.
Phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương điểm lại hành trình hồi hương tượng Nữ thần Durga với sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan liên quan ở Anh và Mỹ.
Theo ông, những cổ vật của Việt Nam được tiếp nhận, hồi hương trong thời gian qua là kết quả của sự hợp tác, trao đổi thông tin trong nhiều năm, cũng là sự nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia liên quan trên tinh thần tuân thủ các điều ước quốc tế, trong đó có Công ước UNESCO về các biện pháp cấm buôn bán, xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.
“Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới các quốc gia sẽ tích cực hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thu thập thông tin, nhận diện, đàm phán và hồi hương cổ vật Việt Nam bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp. Chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói riêng và tài sản văn hóa của nhân loại nói chung,” ông Cương nói.