Ngày xưa khi mấy đứa bạn hỏi Mai: “Sao mày có thể yêu cái thằng Hòa tính tình khó chịu, gia trưởng ấy được?”. Mai chỉ cười giòn, vì Hòa cũng đẹp trai và học giỏi nên những nết xấu đều có thể bỏ qua hết. Đến khi ra trường, công việc ổn định, hai người làm đám cưới sớm nhất trong nhóm bạn.
Mai vào làm công việc hành chính cho một cơ quan nhà nước. Còn Hòa làm giám đốc marketing cho tập đoàn đa quốc gia với mức lương khá cao. Cộng với nhiều lần may mắn khi "lướt sóng" nhà đất, chỉ sau gần chục năm, vợ chồng Mai sở hữu căn hộ cao cấp, xế sang, có căn nhà cho thuê. Cuộc sống đầy đủ, hai con trai học trường quốc tế, khiến ai nhìn vào cũng xuýt xoa.
Thế nhưng, càng ngày Mai càng thấy ngột ngạt và bức bối vì lúc nào cũng phải chiều chuộng và răm rắp nghe lời Hòa. Hầu hết mọi việc trong gia đình Mai đều phải nghe theo sắp đặt của Hòa, từ chuyện mua sơn nhà màu gì, mua bàn ghế, giường tủ ra sao, thậm chí, chăn ga gối đệm cũng phải đưa cho Hòa xem qua, nếu ưng mới được phép mua về.
Hòa lúc nào cũng chỉ muốn Mai ở nhà toàn tâm toàn ý lo cho chồng con nhưng Mai cương quyết không nghỉ việc. Nhà có người giúp việc nên Mai cũng không vất vả nhiều. Nhưng Hòa đều muốn quần áo của mình phải tự tay Mai gấp. Mỗi khi đi làm về, Hòa đều muốn Mai phải trực tiếp dọn bàn, nêm nếm lại các món ăn bởi “người làm nấu không hợp khẩu vị”.
Thỉnh thoảng công việc của Mai cũng bận và phải về muộn, Hòa chẳng chút thông cảm mà còn nói những câu khiến cô ức chế hơn. “Làm được mấy đồng mà về muộn thế. Anh nghĩ em nên nghỉ việc ngay để có thời gian chăm lo cho chồng con”.
Hòa là người quảng giao, thường xuyên đi công tác, tiếp khách và gặp gỡ bạn bè. Nhưng anh lại không muốn vợ mình ra ngoài nhiều. Mai hầu như không còn được đi dự đám cưới, đám tiệc nào nếu Hòa không thích và đi cùng.
Khi Mai mừng rỡ nhận được lời mời họp lớp sau 10 năm tốt nghiệp. Cô háo hức muốn gặp lại bạn bè cũ và chia sẻ những kỷ niệm thời học trò đáng nhớ. Tuy nhiên, khi Mai nói với chồng, cô nhận được cái lắc đầu quả quyết. Hòa không cho Mai tham dự vì anh cho rằng những buổi họp lớp là "vô bổ, phí thời gian”. Mai cảm thấy tủi thân và bất lực, nhưng không dám làm trái ý chồng.
Ngay cả việc mua nhà - một quyết định quan trọng trong cuộc sống nhưng Hòa cũng luôn tự mình định đoạt mà không hề tham khảo ý kiến của Mai. Anh mua một căn nhà mới tại ngoại ô mà không biết rằng vợ con thực sự muốn một ngôi nhà ở trung tâm, gần nơi làm việc và trường học.
Mai phản đối vì cô biết nhà xa, mỗi sáng đi học thì hai con phải dậy từ rất sớm. Thế nhưng Hòa vẫn khăng khăng với quyết định của mình, anh còn cho rằng: “Phụ nữ không biết nhìn xa, bây giờ ai chen vào phố đông đúc ở làm gì, có điều kiện là phải ở nơi không khí trong lành, thoáng mát”.
Với Mai, dù đường xa thế nào cũng được, nhưng với hai con đang học tiểu học, việc đi lại xa xôi quả thực rất vất vả. Hàng ngày, 5h sáng đã phải dậy để ăn uống rồi ra bến xe bus đi đến trường. Có những hôm trời mưa lạnh, gió rét căm căm, hai đứa về đều bị ho sốt, Mai nhìn mà thương con. Mai có thể nhẫn nhục chịu khổ, nhưng nhìn con như vậy, cô không đành lòng. Mai có nhẹ nhàng nói với Hòa, nhưng anh gạt phắt đi và nói: “Sao em cứ làm quá lên thế nhỉ? Càng như vậy con càng tự lập và mạnh mẽ”.
Mai bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và nghĩ về việc liệu cuộc hôn nhân này có thực sự là hạnh phúc hay không. Một ngày, sau khi chứng kiến cảnh Hòa bất mãn và chỉ trích không tiếc lời về cách bày tiệc sinh nhật cho con, cô quyết định không thể tiếp tục sống trong im lặng và bất hạnh. Mai tự nhủ rằng mình cũng có quyền lên tiếng và quyền được lắng nghe trong chính ngôi nhà của mình.
Một hôm, Hoà về nhà và phát hiện Mai đã thay đổi cách bày trí phòng khách theo sở thích của cô mà không hề bàn bạc. Hòa đỏ bừng mặt, giận dữ đến nỗi không thể cất lời. Mai có chút sợ hãi nhưng cũng đủ dũng cảm để giải thích rằng: “Em muốn làm mới không gian, chứ như những ngày qua thấy nhàm chán, ngột ngạt lắm”. Sau đó, Mai cũng về họp lớp, dù trước đó đăng ký không tham gia. Hòa tức giận, liền cho hai con về nhà ông bà nội ở trung tâm.
Hòa nghĩ kiểu gì thì đàn bà cũng yếu thế, cũng xót con nên sẽ chủ động xuống nước, xin lỗi và nghe lời chồng như xưa. Nhưng lần này Mai quyết làm căng để Hòa nhận ra cái sai và dần sửa tính gia trưởng, độc đoán với vợ. Ba bố con ở nhà nội 3 ngày, Mai không màng đếm xỉa. Mai chỉ gọi cho cô em chồng để hỏi han tình hình. Rất may là cô em chồng cũng rất ủng hộ chị dâu làm việc này và luôn miệng động viên: “Lần này chị phải làm đến cùng đấy nhé. Chị cứ cương quyết vào là anh ấy phải nhún nhường ngay ấy mà”.
Trong những ngày ấy, Mai tận hưởng cuộc sống thoải mái, tự do, đi làm về là đi cà phê, ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp. Đến ngày thứ 5 thì Hòa chở con về, nhìn vợ gườm gườm. Mai cứ phớt lờ như không, chỉ quấn quýt đến hai đứa trẻ. Cuộc chiến âm thầm diễn ra khoảng 10 ngày trong bầu không khí im lìm, Hòa sau đó tự ra bắt chuyện làm lành.
Thấy thái độ của chồng thiện chí nên Mai cũng xuống thang dần. Cô nói: “Anh đối xử với em quá sai rồi. Bấy nhiêu năm em chịu đựng anh như vậy là quá đủ rồi, từ giờ em không nhu nhược như thế nữa đâu. Nếu anh vẫn muốn giữ gia đình nhỏ này, thì hãy nghiêm túc thay đổi, còn không, thì đường ai nấy đi. Em đã nói là làm”.
Chưa bao giờ thấy vợ lạnh lùng, dứt khoát như vậy nên Hòa cũng thấy sợ. Vì anh thực sự muốn giữ gìn tổ ấm này nên gật đầu không ngần ngại: “Được được, anh hứa sẽ thay đổi. Anh sai ở đâu, em cứ nói luôn để anh sửa nhé. Với lại, mình để nhà này cho thuê, rồi tìm mua một căn hộ ở gần trường con học!”. Nghe chồng nói vậy, Mai mừng lắm, cô chưa từng nghĩ có ngày chồng lại lắng nghe lời mình đến vậy.