Văn chương nghệ thuật và…du lịch

Admin
Để có được một tác phẩm hay, dẫu chỉ là một câu thơ đứng được trong lòng độc giả, nó cũng gian nan như... làm sao để khách du lịch móc ví nườm nượp kéo đến.

Hôm qua, trong một gala dinner văn chương ở Tuy Hòa, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, quyền Chủ tịch hội VHNT Phú Yên nhắc tới một đoạn trong bài viết năm nào đó của tôi về du lịch và... chữ. Rằng tôi từng cho rằng, các tác phẩm văn chương nó làm cái việc rất ghê gớm là định danh bản sắc, đặc sản của những địa phương được nó nhắc đến, khiến người sau cứ thế mà... không cãi được. Tôi quên béng bài ấy, về lục lại thì thấy có một đoạn như thế này: “vai trò của văn chương nghệ thuật nó kinh thật. Này nhé, hồi chưa đến Hải Phòng vẫn đinh ninh ở đấy hoa phượng nhiều hơn... cỏ, là bởi cái tên thành phố hoa phượng đỏ bị ông Hải Như và ông Lương Vĩnh làm cho chết hẳn với Hải Phòng rồi. Háo hức lắm, đến lúc đến, thấy hoa phượng ở đấy cũng như mọi nơi khác thôi, có khi còn ít hơn ở Kon Tum nơi tôi cũng từng tới và... ngắm phượng. Trời cao nguyên rất xanh nên hoa phượng Kon Tum càng nổi bật. Nhưng đã có Hải Phòng rồi, phượng ở tất cả các nơi khác chỉ là... cỏ hết. Tôi được nhà văn Nguyễn Xuân Hiếu, tục gọi là Hiếu đồ cổ, một nhân vật Hải Phòng rất Hải Phòng, bỏ nguyên một ngày dẫn đi tìm phượng. Và cuối cùng thì ngồi ở ngay nhà hát lớn thành phố, dưới tán một cây phượng, uống cà phê. Khi nghe tôi bảo thực ra thì, phượng Hải Phòng cũng... thường thôi, so với những nơi tôi đã tới. Ông cười khục khục, thế nên Hải Phòng mới phải cám ơn Lương Vĩnh và Hải Như. Cũng như thế, ông Trần Mai Ninh đã phong cho Tuy Hòa thứ tài nguyên mà bất cứ ai đã đến đều phải... tụng: ơi cái gió Tuy Hòa, gió chuyên cần và phóng túng. Nó gắn khít vào Tuy Hòa nên dù gió Nha Trang lồng lộng thế, gió Ninh Thuận đủ để làm phong điện thế, gió Cà Mau ào ạt thốc ra biển thế, thì vẫn "Ơi cái gió Tuy Hòa"... Bây giờ, muốn biết nơi nào gió nhiều, hãy xem ở đấy phong điện có phát triển không, muốn biết nơi nào còn... rừng, xem có dự án thủy điện nhỏ nào không, nơi nào nhiều nắng, hãy xem có nhiều dự án điện mặt trời không?”.

Mấy hôm nay tôi đang ở Tuy Hòa dự một sự kiện văn chương.

Và tôi rất nể câu chuyện mà ông Trình Quang Phú kể khi ông xúc tiến làm mấy khu du lịch ở Tuy Hòa, có cả cái nơi mà người ta đã làm phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” để rồi sau đấy nó thành hẳn cái trend “Đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ông nói rằng khi làm các khu du lịch ấy, rất tốn tiền ấy, nhiều người bảo ông cần phải quảng cáo cho thiên hạ biết mà đến. Lãnh đạo tỉnh cũng nói thế. Ông suy nghĩ, bàn với cả vợ con, cấp dưới rồi quyết: Cách quảng cáo tốt nhất là để tự nó nói về nó, và bằng... văn chương.

Thế là ông tài trợ cho hàng chục cuộc các hội từ Hội Nhà Văn Việt Nam, Tạp chí Văn Nghệ quân đội, Hội Nhà văn TPHCM đưa anh em về đây, mở các trại sáng tác. Và điều này mới hay, ông không ràng buộc phải viết về ông (ông cũng là nhà văn, là giáo sư tiến sĩ), không yêu cầu phải viết về Phú Yên, cứ sáng tác những gì mình thích, những gì tạo cho mình cảm xúc, những câu chuyện mà mình thấy thú vị... Số tiền ông và đơn vị bỏ ra cho những cuộc này là không nhỏ, nhưng cái sức lan tỏa của các nhà văn và hoạt động của họ cũng khiến cho nhiều người biết tới Tuy Hòa, biết tới Phú Yên.

Đa chiều - Văn chương nghệ thuật và…du lịch

Tháp Nghinh Phong là điểm đến yêu thích của người dân Phú Yên và du khách. Ảnh: Như Ý/báo Tiền Phong

Và hiện tại, ở miền Trung hiện nay, Phú Yên, Tuy Hòa đang là một điểm du lịch rất hấp dẫn, có công của văn chương nghệ thuật rất nhiều, mà cái tháp Nghinh Phong là cụ thể nhất, mà câu thơ “Ơi cái gió Tuy Hòa” cũng sinh động nhất.

Lại nhớ hồi tôi tốt nghiệp đại học, vì cái bài hát “còn chút gì để nhớ” với những ca từ lung linh da diết “Xin cảm ơn thành phố có em/ xin cảm ơn một mái tóc mềm” mà rồi đã đùng đùng làm đơn xung phong lên. Và cho tới giờ, quả là, rất ít tóc mềm, rất ít mắt ướt, rất ít má đỏ môi hồng... nhưng vẫn rất nhiều người mặc định gái Pleiku thì phải là thế.

Như những câu thơ về sông Lam thế này mà không kinh à: “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du/Sông đứng thành Hồng Lĩnh/Sông đi thành ví dặm trời xanh/Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi/Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút/Một củ khoai cũng lấp ló mây trời...”. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo quê Nam Định, tức không phải dân Nghệ xịn như ông Lê Huy Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương... nhưng bắt được cái thần, cảm xúc “trời cho” và tài hoa vốn nhẽ đã khiến ông có hình ảnh sông Lam tuyệt hay và tuyệt đẹp.

Rồi nữa, cũng sông Lam nhưng của Hoàng Trần Cương nó độc đáo và rất sông Lam như này: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”.

Rất nhiều bài thơ, câu thơ làm nên cả một địa danh là thế.

Ví như: “Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để một mình tôi lên Vĩnh Yên” (Vĩnh Mai). Quả là tôi cũng từng một mình với cái xe máy mượn của nhà thơ bạc mệnh Nguyễn Trọng Hoàn, phóng từ Đại Lải lên Vĩnh Yên để ngắm nó từ câu thơ hay một cách rất mơ hồ kia. Rồi câu thơ rất giản dị của nhà thơ Trúc Cương, tới mức tôi trăn qua trở lại để tìm xem tại sao nó ám ảnh tôi đến thế “Tuyên có gì đâu mà sao ta nhớ” đã khiến tôi năm nào đó tìm đường lên Thành Tuyên đúng lúc người ta cải tạo cái cổng thành nhà Mạc thành một thứ thù lù mà báo chí thời ấy gọi là cái... lò gạch. Nhưng quả là Tuyên đã găm vào tôi một nỗi nhớ, nỗi nhớ vu vơ của một kẻ ăn theo câu thơ mãi không giải mã được tại sao nó lại hay.

Cái món này thì anh em nhạc sĩ thuận lợi hơn văn chương nhiều, nên rất nhiều địa phương mời anh em nhạc sĩ về sáng tác, nhiều tới mức có hẳn phong trào “địa phương ca”. Nhưng cũng nói thật, rất ít thành công. Đại loại phần lời của những ca khúc địa phương ấy nó sẽ là anh tới thăm quê em, thấy lúa tốt khoai nhiều, bà con vui tươi phấn khởi, trâu bò lợn gà đầy chuồng, cuộc đời mới, no ấm, rồi bắt đầu liệt kê các địa phương, anh qua nơi này nơi kia, hoặc con chim vừa bay vừa hót qua chỗ này chỗ kia...

Tất nhiên nếu có tác phẩm thành công thì nơi ấy nổi bần bật ngay. Giờ nhắc Bến Tre là dáng đứng, nhắc xứ Nghệ là “Khúc hát sông quê”, Huế là “Tình yêu của tôi” dù hồi đầu nhiều người không thích, Quảng Bình là “Quảng Bình quê ta ơi”, Thanh Hóa là “chào sông Mã anh hùng” vân vân, tức là còn khá nhiều nữa, theo gu từng người, từng nhóm người...

Nên cái ý tưởng của ông Trình Quang Phú khi ông giải thích rằng tại sao ông hay làm cái việc “bao đồng” là tài trợ cho các hoạt động văn học nghệ thuật ấy khiến tôi thích thú, bởi tôi cũng hay được mời tham gia vào các hoạt động du lịch, và bản thân lại cũng là nhà thơ.

Nhưng cũng qua đấy mới thấy, để có được một tác phẩm hay, dẫu chỉ là một câu thơ đứng được trong lòng độc giả, nó cũng gian nan như... làm sao để khách du lịch móc ví nườm nượp kéo đến, hay độc giả chen nhau mua báo mua sách như ngày xưa. Phim thì may thay, có ông Trấn Thành đã làm được việc ấy dẫu vẫn đang cãi nhau việc chất nghệ thuật trong phim ăn khách...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả