Vì sao các vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn được khán giả yêu mến?

Add
Với hàng chục kịch bản ra đời luôn được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng cả nước, một câu hỏi được đặt ra với mỗi chúng ta là: Vì sao tác giả Lưu Quang Vũ lại được yêu mến đến như vậy?

Vì sao các vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn được khán giả yêu mến?

Sống lại những ký ức đầy xúc cảm

Mỗi độ thu, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” với các hoạt động tưởng nhớ, tri ân cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay gồm các vở kịch “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Ông không phải là bố tôi”.

vi-sao-cac-vo-kich-cua-luu-quang-vu-luon-duoc-khan-gia-yeu-men-ai-la-thu-pham-dulichgiaitri-bao-du-lich-1664094931.jpg
“Ai là thủ phạm” (đạo diễn: NSƯT Chí Trung) kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội

Câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đã được Lưu Quang Vũ phản ánh sắc sảo trong vở kịch “Lời thề thứ 9” (đạo diễn: NSND Xuân Huyền, NSƯT Chí Trung). Nội dung vở kịch kể về câu chuyện của 3 người chiến sỹ, đã bồng bột bỏ chiến trường biên giới, xách súng về hỏi tội những kẻ đang cướp đất, hành hạ giam cầm người thân đồng đội mình. Nhưng kẻ nắm quyền lực trong tay thì vẫn vô cảm trước nỗi thống khổ của người dân. Có thể thấy, thông điệp của vở kịch sau bao năm vẫn vẹn nguyên chân giá trị. Sự phân hóa giàu nghèo của một đất nước đang trên đà phát triển, khi mà người nghèo vẫn còn “ngơ ngác” trước thời cuộc, thì kẻ giàu càng trở lên tinh vi và nguy hiểm hơn. Chính vì thế mà, ước muốn phục dựng một vở chính kịch, có tiếng nói lớn lao mang hơi thở thời đại đã là sự táo bạo của người nghệ sỹ.

Cái được của người nghệ sỹ đương đại là biết thổi vào vở diễn một luồng gió mới, sự hóm hỉnh trong từng lời thoại của ba chàng lính trẻ, cho đến hành động đớn hèn của ông chủ tịch xã đều toát lên được bản chất trong con người họ. Nhân vật chủ tịch xã Quách Văn Tuần, cách diễn đạt đến lời nói đều có tính chất bi và hài rõ rệt. Toát lên được một con người xu nịnh và ham mê quyền lực. Mỗi câu nói: “Tôi không hiểu”, đã tố cáo trái tim vô cảm, nguội lạnh trước nỗi đau của chính người dân. Tiết tấu của vở kịch đã được đẩy nhanh lên, lời thoại đã được tiết chế cho hợp với đời sống đương đại nhưng vẫn toát lên được những vẫn đề nổi cộm và khắc họa đậm nét được nỗi đau của người nông dân. Trên phần nhạc nền là những ca khúc, giai điệu ở thập niên 1980 - 1990 của thế kỷ trước, khán giả vốn đã từng xem kịch Lưu Quang Vũ cách đây hơn 30 năm vẫn được sống lại ký ức thuở trước, khán giả trẻ lần đầu biết đến kịch Lưu Quang Vũ cũng thấy hấp dẫn bởi những điều mới mẻ ở một tác phẩm chính luận.

“Ai là thủ phạm” (đạo diễn: NSƯT Chí Trung) kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội, xung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà"! Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm?“ của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay...

“Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) xoay quanh “cuộc tình tay ba” giữa Hoàng – Liên – Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỉ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng với khả năng của mình đã “chiếm đoạt” được Liên khỏi tay Vân. Nhưng trái tim Liên sẽ thuộc về ai? Kỹ sư Hoàng tài ba làm chủ cuộc chơi hay họa sĩ Vân lãng mạn, phóng khoáng?…

“Ông không phải là bố tôi” (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động bao thế hệ khán giả.

Kể từ khi dàn dựng kịch bản đầu tay “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ năm 1980 (đạo diễn: NSND Phạm Thị Thành), Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ với những vở diễn đình đám: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”… trong đó có không ít những vở được phục dựng lại và tiếp tục mê đắm người xem sau nhiều thập kỷ ra mắt: “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”, “Tin ở hoa hồng”…

“Mùa kịch Lưu Quang Vũ” diễn ra trong suốt tháng 8 và tháng 9/2022 một lần nữa mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của Lưu Quang Vũ, cùng sống lại những ký ức đầy xúc cảm được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Sâu lắng những tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam

Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, anh đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây- Bếp lửa” và các tập thơ tiếp sau này như “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm”. Từ năm 1978 đến năm 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, trong thời gian này ông bắt đầu sáng tác vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17". Tiếp sau đó, hàng loạt vở kịch của ông đã gây nên hiện tượng trong làng sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta; Người tốt nhà số 5; Ngọc Hân công chúa; Linh hồn của đá; Ông vua hóa hổ; Chiếc ô công lý; Ông không phải là bố tôi; Điều không thể mất; Lời nói dối cuối cùng…

vi-sao-cac-vo-kich-cua-luu-quang-vu-luon-duoc-khan-gia-yeu-men-ong-khong-phai-la-bo-toi-dulichgiaitri-baodulich-1664095074.jpg
Kịch của Lưu Quang Vũ đã đánh trúng vào tâm lý, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội mà chưa có ai nói thay được tiếng nói của đại đa số người dân

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn và các nghệ sỹ sân khấu, các tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã góp phần tạo nên diện mạo một sân khấu mới, sân khấu thời kỳ quá độ, trong đó nhiều tác phẩm có sức sống vượt thời gian, xứng đáng được coi là những tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam. Cho đến nay, sau hơn 30 năm, Lưu Quang Vũ vẫn là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận lớn nhất của Việt Nam.

Là người từng sống những năm tháng hào sảng của tuổi trẻ trong chiến tranh rồi sau này trở về lăn lộn trong thời kỳ hậu chiến, đối mặt với cơ chế kinh tế thời bao cấp... Lưu Quang Vũ đã có những trải nghiệm sinh động về cuộc sống. Để rồi tất cả đều được ông chuyển tải bằng con mắt hiện thực và nhân văn trong từng tác phẩm của mình.

Với hàng chục kịch bản ra đời luôn được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng cả nước, một câu hỏi được đặt ra với mỗi chúng ta là: Vì sao tác giả Lưu Quang Vũ lại được yêu mến đến như vậy? Và câu trả lời chỉ đơn giản là những kịch bản đó hay, hấp dẫn trong câu chuyện kịch và quan trọng nhất là đã đánh trúng vào tâm lý, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội mà chưa có ai nói thay được tiếng nói của đại đa số người dân trong bối cảnh nước nhà khi đó còn loay hoay giữa thời kỳ bao cấp chuyển sang một mô hình xã hội mới.

NSND Lê Tiến Thọ đánh giá, kịch Lưu Quang Vũ đầy ắp tính triết lý, nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Những vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ ra đời như luồng gió mới. Kịch của ông luôn đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội, phản ánh các vấn đề thời sự nóng bỏng nhưng không sao chép đời sống một cách máy móc, đơn thuần, mà ông thao thức, đau đáu với mỗi cuộc đời, xã hội. Lưu Quang Vũ đa tài ở chỗ, sau bao nhiêu năm thì những đứa con tinh thần của ông vẫn cứ mang trong mình tính thời đại sâu sắc.

Trong lịch sử sân khấu nước nhà, thời kỳ của Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất. Thập niên 1980, kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện đã làm thay đổi tư duy của người biểu diễn cũng như của công chúng yêu sân khấu. Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình đã đánh giá cao tài năng, tâm huyết và những đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nói riêng và với nền văn học nước nhà nói chung.

Sau sự ra đi đột ngột của “hiện tượng Lưu Quang Vũ,” sân khấu Việt Nam có một khoảng trống không dễ bù đắp. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã thắp lên nguồn cảm hứng mãnh liệt mà tình yêu và tài năng của mình dành tặng cuộc đời trong quãng thời ngắn ngủi được sống, được yêu và được cống hiến.

Thùy Dương