Sôi động “Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn”
Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan là sự kiện thường niên duy trì từ năm 2017. Sự kiện năm nay sẽ được tổ chức cùng “Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn” tại Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng nhằm chào mừng 200 năm Danh xưng Ninh Bình và kích cầu du lịch địa phương sau thời gian dài đóng băng.
Lễ khai mạc sẽ là màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc của nhiều nghệ sỹ, diễn viên không chuyên đồng bào các dân tộc Mường. Trong “Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn” nhân dân và du khách sẽ được tham quan, mua sắm nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Nho Quan.
Theo Ban Tổ chức, Tuần lễ và Ngày hội có 7 xã dân tộc và miền núi, gồm: Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, Văn Phương, Yên Quang, Quảng Lạc, Thạch Bình tham gia. Huyện Nho Quan cũng thành lập thêm các Đoàn cụm xã. Các nội dung chính của Tuần lễ và Ngày hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ như trình diễn Múa cồng chiêng, múa sạp, giao lưu nghệ thuật quần chúng; hoạt động thể thao có các bộ môn: bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, kéo co; các trò chơi dân gian truyền thống như: bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, đánh mảng, đánh đu, ném còn; hội trại gắn với trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, tổ chức các gian hàng ẩm thực, gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương, đơn vị...
Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, với mục tiêu bảo tồn văn hóa dân tộc Mường để phục vụ phát triển du lịch. Do đó, không gian văn hóa dân tộc Mường là nét đặc biệt trong Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan diễn ra dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 tới đây. Gần 30 nghìn đồng bào dân tộc Mường sinh sống tại địa bàn chính là tiền đề khai thác các yếu tố văn hóa bản địa nhằm phục vụ phát triển du lịch. Tài nguyên phát triển du lịch sinh thái sẵn có của địa phương sẽ được làm mới nhờ tăng cường kết nối các tua tuyến, sản phẩm sau đại dịch COVID-19. Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cũng cho rằng, Du lịch sinh thái ở vườn Quốc gia Cúc Phương nổi tiếng mấy chục năm nay sẽ được bồi đắp thêm những nét riêng biệt từ văn hóa bản địa. Huyện Nho Quan đặt ra chiến lược phát triển sản phẩm du lịch này dựa trên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như hát giao duyên tiếng Mường ở xã Cúc Phương, cồng chiêng ở xã Kỳ Phú, Phú Long, các món truyền thống ốc núi, thịt hươu, rượu men lá, cơm cháy…
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, chính quyền và người dân nơi đây đã nhận thức rõ về tiềm năng, nguồn lợi kinh tế mà ngành Du lịch mang lại. Nhờ đó, đồng bào Mường đã có tư duy khai thác những lợi thế của địa phương. Các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc đã được đưa vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch. Đặc biệt, du lịch phát triển đang góp phần bảo tồn và thúc đẩy giao lưu văn hóa, khôi phục, bảo tồn và tiêu thụ các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống, tăng cường bảo vệ môi trường; đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Nho Quan.
Lan tỏa không gian văn hóa Mường gắn với du lịch xanh
Theo ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, địa phương này đã khuyến khích đồng bào dân tộc ở các xã mạnh dạn đầu tư làm du lịch, với các hình thức như: nhà nghỉ cuối tuần, homestay theo dạng nhà sàn, các ki ốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ cho bà con xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Với đặc thù sản phẩm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng gắn với Vườn Quốc gia Cúc Phương, ngành du lịch Ninh Bình định hướng các hình thức nghỉ dưỡng phải thân thiện với thiên nhiên.
Cùng với sản phẩm du lịch bản địa của đồng bào các dân tộc nơi đây, trong dịp 30/4 này, quần thể Vedana Resort cũng được đưa vào hoạt động. Công trình được đánh giá là một thành công của huyện Nho Quan trong việc thu hút đầu tư phát triển “du lịch xanh” tại địa phương. Quần thể Vedana resort có diện tích hơn 15ha, do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế và hoàn thiện sử dụng tới hơn 200 nghìn cây tre để tạo nên điểm nhấn kiến trúc và phục vụ chính sách phát triển du lịch xanh của Ninh Bình.
Ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Cúc Phương cho biết, kiến trúc sư nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa tạo nên điểm nhấn với các công trình bằng tre lớn bậc nhất Đông Nam Á như nhà đón tiếp xây dựng từ 23 nghìn cây tre, Trung tâm hội nghị được tạo nên từ 113 nghìn cây tre. Nhà hàng tre rộng hơn 1.000m2, được xây dựng từ hơn 70.000 cây tre để phục vụ các hoạt động hội nghị, team building… Toàn bộ các công trình không sử dụng vật liệu kim loại để kết nối các thân tre, mà thay vào đó bằng việc dùng kĩ thuật đặc biệt để ghép bởi các thanh tre vót nhọn và dây dù.
Để phát triển du lịch xanh và bảo tồn văn hóa bản địa, ông Thịnh cho biết, đang tích cực hình thành Bảo tàng Văn hóa Mường với diện tích 1.000m2. Đây là nơi lưu giữ, sưu tầm lượng lớn cồng chiêng và hiện vật văn hóa gắn với người Mường ở Nho Quan, Ninh Bình. Trong thời gian qua, Vedana Resort đã sưu tầm một số lượng lớn cồng chiêng và các hiện vật văn hóa tiêu biểu, gắn bó với đời sống người Mường để chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng.
Vị chủ nhân của quần thể Vedana Resort cũng cho biết, mỗi công trình được xây dựng tại khu nghỉ dưỡng sẽ là một sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa bản địa. Đến thời điểm hiện tại quần thể du lịch này đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Vedana Resort có thể vận hành khoảng 200 phòng. Quần thể Vedana đi vào khai thác đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Để Vedana trở thành mái nhà xanh giữa bãi đá lộ đầu, du khách trở về Vedana có cảm giác được “Về Nhà” vừa lạ vừa thân thương, quên đi mệt mỏi, ưu phiền, được sống chan hoà giữa đất trời nơi đây.
Được biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Thông qua Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường… đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa. Đến nay, 8/8 xã có Trung tâm Văn hóa-Thể thao; 100% thôn, bản của 8 xã có nhà văn hóa, khu thể thao để phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. 7 CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường tại các xã đã được thành lập, tổ chức nhiều hoạt động duy trì thường xuyên trong cộng đồng.
Anh Hoa