Kiểu rừng đặc trưng của Cúc Phương là rừng mưa nhiệt đới với cây cối xanh quanh năm. Nhờ đó mà ngay từ khu cổng chào, du khách sẽ cảm nhận được không gian thoáng đãng cùng sự trong lành, tĩnh mịch nơi rừng già. Theo khảo sát gần đây, hiện vườn quốc gia có tới 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, nhiều loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Men theo những con đường quanh co, du khách được chiêm ngưỡng vẻ cao lớn, uy nghi của những cây chò, cây sấu ngàn năm tuổi với thân cao lớn, tán xòe rộng phủ bóng cả một vùng. Xen giữa sự xanh tươi, còn là muôn sắc màu từ nhiều loài hoa, lặng lẽ tô điểm thêm nét ban sơ mà hùng vĩ. Thảng hoặc đâu đó tiếng chim hót vang khu rừng, như chào đón người lữ khách đến với ngôi nhà thân yêu của chúng.
Ở Cúc Phương có Đỉnh Mây Bạc, là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình, tựa như một đài quan sát tự nhiên. Đứng tại đỉnh núi, du khách sẽ thu trọn cảnh mây trời và rừng già vào tầm mắt. Vào ngày trời quang, nếu may mắn, du khách có thể ngắm nhìn kinh đô cổ Hoa Lư nơi chân trời phía xa.
Không chỉ nổi tiếng bởi nét đẹp của rừng xanh, vườn quốc gia Cúc Phương còn thu hút các nhà khoa học, học sinh, sinh viên tới đây mỗi năm bởi Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã lớn nhất nước. Những cá thể đưa tới đây chủ yếu là tê tê, rùa đá, cầy vằn… đặc biệt là voọc đen mông trắng – một loài linh trưởng quý hiếm với nguy cơ bị đe dọa cao. Đối với nhiều thế hệ cán bộ công tác tại trung tâm, mỗi loài thú đều được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận. Phải học cách trò chuyện, ghi nhớ thói quen của từng cá thể và theo dõi sức khỏe mỗi ngày, trước khi thả về vòng tay “mẹ” rừng xanh.
Qua clip Nhật ký “Độ rừng vào Hội”, thuộc chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu! – Về với Ninh Bình”, từng thước phim quay chậm sẽ giúp du khách thêm hiểu sự gắn kết bền chặt giữa những con người nơi đây với “mẹ” rừng xanh, hay khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ với những giá trị đa dạng sinh học đặc sắc của một khu vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Trung tâm Thông tin du lịch