Việt Nam cần chú trọng vào nguồn nhân lực để phát triển ngành bán dẫn

Admin
(PNTĐ) - Trong khuôn khổ "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư", chia sẻ những kinh nghiệm từ Nhật Bản cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Vân Anh (kiều bào Nhật Bản) hiện đang là Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Khoa học và Đôi mới trong nghiên cứu Spintronics (CSĨS), Đại học Tohoku, Nhật Bản đã kiến nghị nhiều giải pháp cho sự phát triển ngành công nghệ chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.

Bắt đầu từ thực trạng phát triển của ngành công nghệ chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ở Đại học Tohoku Nhật Bản, bà cho biết, Chính phủ Nhật Bản coi việc phát triển công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo như một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc khôi phục lại vị thế dẫn đầu của nước này trong thời gian tới.

Việt Nam cần chú trọng vào nguồn nhân lực để phát triển ngành bán dẫn - ảnh 1
Khoảng 400 kiều bào đã về nước tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ Tư. 

Tại đất nước Mặt trời mọc, 3 nhà máy sản xuất chip bán dẫn đang được xây dựng tại các tỉnh Kumamoto, Hokkaido và Miyagi. Điều này đã tạo ra những thuận lợi cho việc phát triền kinh tế của các tỉnh này nói riêng, và Nhật Bản nói chung.

Đại học Tohoku tại thành phô Sendai, tỉnh Miyagi là một trong những trường Đại học hàng đầu của Nhật. Đặc biệt hơn, Đại học Tohoku là đại học duy nhất tại Nhật bản sở hữu công nghệ chế tạo mạch bán dẫn-spintronics tích hợp Spintronics/CMOS hybrid technology) trên công nghệ 300 mm (công nghệ sản xuất chip bán dẫn trên đế Silicon có đường kính 300 mm) theo tiêu chuẩn thế giới.

Việt Nam cần chú trọng vào nguồn nhân lực để phát triển ngành bán dẫn - ảnh 2

Đánh giá về tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Nhật Bản nói chung, trường Tohoku nói riêng và Việt Nam, bà cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng phát triển tốt khâu Thiết kế chip, và cung cấp Vật liệu đất hiếm. Tuy nhiên Việt Nam cần đáp ứng tốt các yêu cầu đối với việc cung cấp các cơ sở hạ tầng tốt, chuẩn bị chuỗi cung ứng phù hợp và đặc biệt là phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực.

Đặc biết đối với các yêu cầu về nhân lực, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng: "Chúng ta có thế mạnh của việc sở hữu nguồn dân số trẻ đang ở giai đoạn vàng. Chính vì vậy, nếu Việt nam có thể kí kết các biên bản ghi nhớ với Nhật Bản (MOU), ở nhiều cấp độ thì thông qua đó các sinh viên Việt Nam sẻ có cơ hội được tiếp cận, học hỏi và nghiên cứu tại các trường học hoặc công ty tại công nghệ, bán dẫn tại Nhật Bản và chúng ta sẽ phát huy được những thế mạnh đáng quý của mình".

Việt Nam cần chú trọng vào nguồn nhân lực để phát triển ngành bán dẫn - ảnh 3
Cần đầu tư mạnh mẽ nguồn nhân lực cho ngành chip, bán dẫn.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh nhận định, trên thực tế, việc xây dựng và vận hành một trung tâm sản xuất chip bán dẫn theo tiêu chuẩn thế giới sẽ tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Ví dụ, Trung tâm CIES của Đại học Tohoku sở hữu một phòng sạch (cấp độ 100) chuẩn công nghệ 300 mm với diện tích 2.000m2, chi phí cho các máy móc thiết bị được sử dụng trong phòng sạch vào khoảng 30 tỷ Yên (khoảng 200 triệu USD). Vì vậy, Việt nam cần phải xem xét một cách thấu đáo việc phân bổ nguồn ngân sách hợp lý nếu muốn xây dụng các trung tâm hay phòng thí nghiệm sản xuất chip bán dẫn.

"Hiến kế" cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, bà cho rằng, ngoài việc đào tạo kiến thức cơ bản mà các trường đại học ở Việt Nam có thể đảm nhận được, thì việc đào tạo cho sinh viên các kĩ năng thực hành là vô cùng cân thiết. "Điều này có thể được thực hiện một cách hiệu quả hơn nếu các trường phía Việt nam và Nhật bản kí kết được các MOU như đã đề cập phía trên", bà Vân Anh nói.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh nhận học vị Tiến sỹ từ trường Đại học Osaka, Nhật bản vào năm 2015. Hiện tại Tiến sỹ Vân Anh đang là Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Khoa học và Đổi mới trong nghiên cứu Spintronics (CSIS), và kiêm nhiệm vị trí Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Điện tử Tích hợp (CIES), Đại học Tohoku, Nhật bản.

Lĩnh vực nghiên cứu mà Tiến sỹ Vân Anh đang thực hiện tập trung vào việc nghiên cứu và phát triến các chip bán dẫn tiêu thụ năng lượng thấp dựa vào công nghệ tích hợp Spintronics/CMOs. Tiến sỹ Vân Anh đã nhận được một số giải thưởng như: Giải thưởng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam năm 2008 cho những đóng góp tích cực cho việc tố chức thành công kì thi Olympic Vật lý Quốc tế lân thứ 39 và một số giải thưởng cho nghiên cứu xuất sắc tại một số hội nghị trong nước và quốc tế.