Xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia

Admin
(Tạp chí Du lịch) – Chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm việc với Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia.

Tham dự buổi làm việc, về phía Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu; về phía Cục Thông tin đối ngoại có Cục trưởng Phạm Anh Tuấn, các Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Hoa Mai, Đinh Tiến Dũng cùng nhiều cán bộ chủ chốt hai đơn vị.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm việc với Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia

Tại buổi làm việc, 2 bên đã thảo luận các nội dung nhằm triển khai nhiệm vụ tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là nhằm xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia gắn với quảng bá thương hiệu quốc gia. Theo đó, 2 bên thống nhất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì công tác xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia; thực hiện công tác thông tin truyền thông về du lịch. Cục Thông tin đối ngoại hỗ trợ truyền thông du lịch, đặc biệt là truyền thông đối ngoại về du lịch; hỗ trợ xử lý khủng hoảng truyền thông về du lịch. Bên cạnh đó, đại diện Cục Thông tin đối ngoại cũng đề xuất 2 bên tiến hành ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phối hợp thực hiện công tác truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia ở trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn cho biết, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và Kết luận số 57/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối về công tác truyền thông. Mặt khác, triển khai nhiệm vụ trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông thương hiệu du lịch quốc gia gắn với quảng bá thương hiệu quốc gia. “Cục Thông tin đối ngoại với thế mạnh về thông tin truyền thông, phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với lợi thế là cơ quản quản lý, xúc tiến du lịch quốc gia, với nguồn dữ liệu lớn về du lịch, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hết sức tích cực trong hoạt động truyền thông du lịch” - ông Phạm Anh Tuấn nhận định.

Tại buổi làm việc, 2 bên đã thảo luận các nội dung nhằm triển khai nhiệm vụ

Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, việc phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, công tác truyền thông trên các nền tảng số cần được chú trọng ưu tiên. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy cần có sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành, phối hợp của các Bộ, Ban, ngành. “Để du lịch thực sự phát triển mạnh mẽ, cũng như để nâng tầm vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, cần có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị trực thuộc” - Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng bày tỏ nhất trí đề xuất của Cục Thông tin đối ngoại; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi cụ thể, làm rõ thêm các nội dung. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị và tình hình thực tế hiện nay.

Thanh Hoàng