Ba bộ phim doanh thu hơn 1.400 tỷ và câu chuyện về nền công nghiệp văn hóa

Admin
Ba bộ phim của Trấn Thành, tổng doanh thu hơn 1.400 tỷ, đó là doanh thu trong nước, chưa nói phát hành quốc tế.

Ba bộ phim của Trấn Thành, tổng doanh thu hơn 1.400 tỷ (phim Bố già - 420 tỷ; phim Nhà bà Nữ - 475 tỷ; phim Mai - 549 tỷ) – đó là doanh thu trong nước, chưa nói phát hành quốc tế. Rõ ràng, những bộ phim của Trấn Thành rất thành công về mặt thương mại, và đưa Trấn Thành trở thành đạo diễn đầu tiên của Việt Nam có tổng doanh thu từ phim trên 1.000 tỷ (một con số rất lớn trong một nền điện ảnh còn rất nhỏ - tổng doanh thu hàng năm của nền điện ảnh Việt Nam chỉ giao động từ 4.000 – 5.000 tỷ, nếu so với mặt bằng dân số hơn 100 triệu dân).

Thành công của Trấn Thành, làm cho ta đặt ra câu hỏi về cái gọi là “nền công nghiệp văn hóa”. Như thế nào là công nghiệp văn hóa? Làm thế nào để ta có “tư duy công nghiệp” trong lĩnh vực văn hóa?...

Đa chiều - Ba bộ phim doanh thu hơn 1.400 tỷ và câu chuyện về nền công nghiệp văn hóa

Phim "Bố già" của Trấn Thành đạt doanh thu 420 tỷ đồng.

Khái niệm “công nghiệp văn hóa” hay là “công nghiệp sáng tạo” du nhập vào Việt Nam khá muộn, nếu so sánh với các nước khác trên thế giới. Ở Việt Nam, trong văn bản mang tính “giấy tờ” thì “công nghiệp văn hóa đã có từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, nhưng phổ biến đại chúng thì phải qua thế kỷ XXI. Nhưng trên thế giới, khái niệm này đã có từ năm 1944, và thực tiễn về công nghiệp văn hóa đã xuất hiện trước đó (từ đầu thế kỷ XX, khi những bộ phim ra đời và công chiếu thương mại). Khi nhìn sâu vào lịch sử, Việt Nam thời Pháp thuộc cũng đã có sự xuất hiện của loại hình thương mại phim, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, nên ta chỉ có thể lấy sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam sau năm 1975.

Nếu đã nói đến khái niệm “công nghiệp” thì trước tiên, người phát ngôn ra câu nói đó phải có “tư duy công nghiệp”. Nghĩa là, việc làm ra sản phẩm không đơn thuần chỉ là thỏa mãn ý muốn, ý thích cá nhân, mà phải căn cứ vào thị trường, vào nhu cầu của xã hội. Một nền công nghiệp của bất cứ một ngành nghề nào, nếu không có tư duy công nghiệp, thì nền công nghiệp của ngành nghề đó không thể tồn tại lành mạnh được, và có nguy cơ sụp đổ.

Từ rất lâu, người Việt Nam chưa có tư duy công nghiệp, từ khâu sản xuất đến khâu thương mại, mà xuất phát điểm của nó là do sự tồn tại của một nền nông nghiệp thủ công lạc hậu quá lâu dài (kéo dài hàng ngàn năm, và không có nhiều cơ hội để chuyển tiếp, chuyển hóa). Trong nông nghiệp thì sản xuất manh mún, làm ăn nhỏ lẻ; trong thương nghiệp thì thường những quán tạp hóa gia đình; trong công nghiệp là những xưởng sản xuất nhỏ, nhân lực ít. Một phần do hạn chế về nguồn vốn, và một phần cũng vì cơ chế tư duy, làm ăn mang tính “tiểu nông”, “tiểu thương”. ...

Nói vậy để thấy rằng, từ trong tiềm thức tập thể, người Việt chưa có “tư duy công nghiệp” nói chung, và “tư duy công nghiệp văn hóa” nói riêng. Mặc dù hiện tại, số phần trăm đó trên đà giảm đi (càng về sau, người Việt càng hội nhập quốc tế, thì chắc chẳn cái quán tính văn hóa cũ, tư duy cũ dần dần mất đi). Cụ thể như trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ngành phim, trong hiện tại, có nhiều bộ phim (do nhà nước đặt hàng) sản xuất ra chỉ để chiếu “lấy lệ” và không phát hành (người trong ngành gọi là “đem về đắp chiếu”). Đương nhiên, những bộ phim như thế này thì chắc chắn không có doanh thu! Trong khi, nếu đã nói là một nền công nghiệp văn hóa, thì phim sản xuất ra phải đến tay người tiêu dùng (ở đây là người xem). Chính sự tồn tại cơ chế đó, đi ngược lại hoàn toàn với bản chất của nền công nghiệp văn hóa!...

Nói như vậy, không có nghĩa rằng sự phát triển của công nghiệp văn hóa là chỉ ám chỉ việc phát triển của phim thương mại. Bên cạnh phim thương mại thì còn có phim nghệ thuật nữa, nhưng trước tiên, dù là phim thương mại hay nghệ thuật, việc sản xuất ra một bộ phim, thì hãy để bộ phim đó đến tay người tiêu dùng, dù ít!...

Ở đây, ta mới chỉ nói về việc sản xuất và phát hành phim, còn về phần tiếp nhận sản phẩm của những người trong giới thì sao? Chính những người tham gia vào công việc liên quan đến “công nghiệp văn hóa” như những người làm công tác văn hóa, những người nghệ sĩ của những chuyên ngành khác (như nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sỹ, nhạc sĩ,…), có tư duy công nghiệp không?

Khi một bộ phim thương mại ra đời (như phim của Trấn Thành) thì rất nhiều người không hề đi xem phim, nhưng lại “chê” một cách phiến diện, cực đoan. Đây rõ ràng là một kiểu “tư duy phi công nghiệp”, và thiếu hẳn tính chuyên nghiệp của một người làm công tác chuyên môn. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đã không công bằng và khách quan khi đánh giá một sản phẩm văn hóa (ở đây là một bộ phim). Vì sao bộ phim đó thành công? Vì sao khán giả quay lưng lại với những bộ phim khác? Sản xuất ra sản phẩm làm gì, nếu người tiêu dùng không tiêu thụ sản phẩm đó?

Việc thành công của đạo diễn/nhà sản xuất Trấn Thành không chỉ là sự ăn may, và ngay cả một người thành công khiêm tốn hơn chút như đạo diễn Lý Hải (người tạo nên một series phim thương mại ăn khách – các bộ phim mang thương hiệu Lật mặt) cũng vậy. Tôi đã xem những bộ phim này, và tôi thấy ở đó khả năng đạo diễn (kiêm nhà sản xuất) biết mình sản xuất ra sản phẩm đó dành cho ai! Nghĩa là, họ có khả năng “nắm bắt được nhu cầu người xem” – nhu cầu người tiêu dùng, và họ đã thành công. Khác với rất nhiều đạo diễn khác, làm phim ra chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân (muốn làm phim), chứ chưa thực sự nghiêm túc trong việc “nghiên cứu thị trường”, làm ra sản phẩm phù hợp. Vấn đề ở đây không phải (không chỉ) là việc thành công hay thất bại về mặt doanh thu của một bộ phim, mà nằm ở “cơ chế tư duy” trong việc làm ra sản phẩm công nghiệp. Cụ thể là sản phẩm “điện ảnh”.

Và câu chuyện về “công nghiệp văn hóa” sẽ mãi mãi là những khái niệm khô cứng nằm trên văn bản (giấy tờ) chứ chưa thực sự đi vào cuộc sống!...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả