Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Admin
(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đì...

Được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình đầm ấm, tiến bộ, văn minh, lớp lớp người con Hà Nội đã trưởng thành, thành công trong sự nghiệp, thiện lành trong nhân cách. Từ nền tảng ấy, họ lại tiếp tục gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng những tổ ấm cho thế hệ con cháu với suy nghĩ “gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình - ảnh 1
Đại gia đình ấm êm của chị Sái Thị Hường, huyện Đan Phượng. Ảnh: NVCC 

Trưởng thành từ những nếp nhà ấm êm

PGS.TS Nguyễn Văn Huy là nhà nghiên cứu dân tộc học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cùng với sự thành công của bản thân, PGS.TS Nguyễn Văn Huy còn có một niềm tự hào lớn hơn - đó là về đại gia đình trí thức của mình. Ông thường nhắc tới cha, một trí thức Hà Nội, GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục giai đoạn 1946-1975 và mẹ là họa sĩ Vi Kim Ngọc với tất cả lòng kính trọng, biết ơn. Bởi, nhờ được nuôi dưỡng dưới nếp nhà của cha mẹ mà ông và các chị gái đã lớn lên, trưởng thành, trở thành các trí thức như PGS.TS Hóa học Nguyễn Kim Bích Hà; Đại tá, Phó Giáo sư, TS Y khoa, thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Nguyễn Kim Nữ Hiếu. 

Ông Huy kể: “Cha mẹ tôi sinh thời sống rất hòa thuận, yêu thương nhau, có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là quan tâm đến giáo dục con cái. Cha mẹ còn lấy bản thân mình để làm gương cho các con. Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng cha tôi không bao giờ lợi dụng quyền thế để mưu lợi. Mẹ tôi là người giữ lửa ấm và linh hồn của đại gia đình. Là mẹ của 4 người con, sau này còn có thêm các con rể, con dâu, rồi cả khi các cháu ra đời, mẹ luôn dung hòa các mối quan hệ, âm thầm ứng xử nhẹ nhàng với những gì chưa hài lòng và luôn khơi gợi điểm tốt ở các con/cháu. Khi trong nhà có việc, mẹ hỏi ý kiến và rất trân trọng nghe góp ý của con rể, con dâu”.

Nếp nhà hòa thuận đã tạo cho tất thảy các thành viên trong đại gia đình đức tính biết nhường nhịn, sẻ chia, yêu thương, đùm bọc nhau. Đặc biệt, không chỉ con đẻ mà cả con rể, con dâu trong nhà đều một lòng hiếu kính bố mẹ vợ/chồng.

 “Năm 1975, anh rể tôi (chồng chị Nguyễn Kim Bích Hà), sắp được bổ nhiệm làm một giám đốc ở TP Hồ Chí Minh và còn được cấp nhà. Đúng giai đoạn đó thì cha tôi đột ngột qua đời, anh đã quyết định ở lại Hà Nội để báo hiếu mẹ vợ mà không màng danh lợi, vật chất. Anh còn nói chỉ có ở nhà với bà và các anh, chị em quây quần thì các con mới có môi trường giáo dục an toàn nhất”- PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ. 

Noi gương cha mẹ, đến lượt những người con của GS Nguyễn Văn Huyên lại nỗ lực xây dựng nếp nhà ấm êm để trao truyền lại cho con/cháu đời sau.

Với chị Sái Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, đại gia đình với 4 thế hệ cùng chung sống của chị cũng luôn là nơi yêu thương đón chị trở về mỗi ngày. Dưới nếp nhà ấy, từng thành viên đều có ý thức giữ gìn những giá trị, nét đẹp của một gia đình truyền thống. Đó là bà nội chồng chị, cùng ông nội đều đã ở tuổi 90 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn vẫn túc tắc giúp đỡ con cháu trông nom cửa nhà, chơi đùa với các chắt. Nhiều kinh nghiệm giữ lửa gia đình mà bà nội đúc kết suốt cả cuộc đời đã truyền lại cho mẹ chồng chị và giờ là đến chị. Đó còn là bố mẹ chồng chị, đều đã gần 70 tuổi nhưng vẫn lao động cần cù, hăng say, quán xuyến các công việc gia đình, trông nom cháu để các con yên tâm công tác.

Đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội LHPN xã khi chỉ mới 24 tuổi nhưng chính nhờ sự yêu thương, quan tâm, thấu hiểu và tạo điều kiện của đại gia đình mà chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nếp nhà cũng cho chị nhiều kinh nghiệm trong triển khai hoạt động giúp đỡ hội viên xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Chị là một trong những cán bộ cơ sở tiêu biểu của Hà Nội được bầu chọn tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027). 

Đến giữ nếp nhà ở nước ngoài
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 6 triệu kiều bào ta đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Dù điều kiện sống ở mỗi quốc gia khác nhau, nhưng bà con luôn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có giữ gìn, tiếp biến các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Theo TS Mai Văn Hải, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã có một số nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến quan niệm về giá trị gia đình của người nhập cư gốc Việt cũng như người dân Việt Nam nói chung. Trong số này, một nghiên cứu đã khảo sát 110 khách thể tại Việt Nam và 106 khách thể đang làm việc, học tập, sinh sống tại Cộng hòa Ba Lan từ 3 năm trở lên. Kết quả cho thấy, dù sống ở trong hay ngoài nước, người Việt Nam đều suy tôn đức hy sinh của cha mẹ đối với con, lòng hiếu thảo của con với cha mẹ, nhấn mạnh các giá trị thủy chung dù phải linh hoạt để làm ăn, sinh sống, thuận hòa hỗ trợ nhau trong mối quan hệ vợ/chồng. Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế một số giá trị gia đình được người Việt Nam ở nước ngoài điều chỉnh nhưng các giá trị văn hóa cốt lõi của gia đình Việt vẫn được bà con gìn giữ.

Bà Trần Thu Dung là Tiến sĩ Văn sử Pháp, Đại học Tổng hợp Paris VII, nhà báo, nhà văn hóa, tác giả của nhiều công trình văn hóa có giá trị bằng tiếng Pháp và tiếng Việt được đánh giá cao. Lớn lên ở Hà Nội và ra đi từ Hà Nội, bà Dung đã được hấp thụ nền tảng gia đình mang đậm chất Hà Nội. Mẹ của bà, giống như lớp lớp những người phụ nữ “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch” đã sẵn sàng từ bỏ mọi phú quý, chấp nhận gian khổ để tần tảo cùng chồng tham gia và ủng hộ kháng chiến, nuôi dạy các con thành người. 

Sau khi định cư tại Pháp, bà vẫn luôn tâm niệm phải giữ nếp nhà Hà Nội cho con. Bà chia sẻ: Ở nước ngoài, việc giữ gìn gia đình truyền thống Việt không đơn giản do có sự khác biệt về lối sống, văn hóa. Nhiều trẻ em trong các gia đình Việt vẫn được thừa hưởng cả hai cách giáo dục Việt và Pháp. Tuy nhiên, với bà, dù có ở giữa xã hội hiện đại, nhưng những giá trị truyền thống của gia đình không bao giờ được phai mờ, đó là hiếu đễ, lễ phép, sống nhân nghĩa, hiếu học và hướng về cội nguồn. Nhờ hấp thụ truyền thống tốt đẹp của gia đình, con gái bà, một Tiến sĩ Vật lý, thông thạo 4 ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Việt đã tình nguyện làm việc tại Hội Chữ thập đỏ Anh để giúp đỡ người yếu thế. 

Bà Dung còn tích cực tham gia góp sức xây dựng cộng đồng người Việt tại Pháp - “đại gia đình” của những người cùng chung cội rễ Việt. Một nhà văn Pháp là Franck Fouqueray từng bày tỏ sự thán phục: "Việt Nam chiến thắng nhiều giặc ngoại xâm là nhờ biết đoàn kết thành một đại gia đình khi đất nước lâm nguy. Còn trong thời bình, gia đình của người Việt là nơi đã đào tạo, nuôi dưỡng nên những công dân có đạo đức, trí thức”. 

Minh chứng cho vai trò của nếp nhà thuần Việt tại nước ngoài, còn có thể kể tới cô gái gốc Việt Patricia Quyen đã đạt danh hiệu thủ khoa trong kỳ thi vào các trường đại học của Úc năm 2023. Trước đó, Patricia cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc trao tặng giấy khen “Công dân tích cực và hiểu biết” vì những cống hiến cho cộng đồng. Chính nhờ có người mẹ đã kiên trì giúp các con giữ nếp nhà Việt dù đang sống xa Việt Nam mà Patricia và em trai đã được nuôi lớn bằng văn hóa của người Việt và chắc chắn sẽ không bao giờ quên cội nguồn quê hương Việt Nam.

(Còn nữa)