Tình càng già... càng cay!

Admin
(PNTĐ) - Hôn nhân của người cao tuổi có nhiều lợi thế hơn so với người trẻ. Đó là bề dày tình nghĩa, những khó khăn họ đã trải qua cùng nhau, những thành tựu mà họ đã cùng nhau đạt được. Và vì vậy, nhiều cặp vợ chồng càng sống lâu thì tình cảm càng trở nên nồng đượm.
Tình càng già... càng cay! - ảnh 1
Ông bà ngoại của chị Cao Giang ở tuổi U90 hạnh phúc trong đám cưới được con cháu tổ chức.

Đám cưới của cặp vợ chồng U90
Năm 2025 đã mở đầu với gia đình chị Cao Giang, ở Hà Nội thật đặc biệt. Đó là khi cả nhà cùng xúm vào tổ chức đám cưới kim cương cho ông bà ngoại, một đám cưới có một không hai của chú rể 83 tuổi và cô dâu 80 tuổi, sau tròn 60 năm chung sống.

Chị Cao Giang kể, ông ngoại chị là lính đặc công, cả tuổi trẻ gắn bó với đơn vị. (Chị nghe ông kể lại, trong chiến tranh, đặc công là lực lượng được giao những nhiệm vụ khó khăn nhất, có tỉ lệ thương vong nhiều nhất và trước khi đi làm nhiệm vụ thường sẽ được truy điệu sống). Biết ông chưa lập gia đình nên đơn vị động viên ông về phép cưới vợ - để có một gia đình chờ đợi phía sau. Chỉ vỏn vẹn một tháng tìm hiểu, ông và bà chị đã nên duyên vợ chồng. Năm 1965, đất nước đang trong cao điểm ném bom phá hoại của giặc Mỹ, đám cưới của ông bà chị giản dị đến mức không có nhẫn, không có hoa, chỉ có vài chục quả cau làm sính lễ, đôi bên gia đình trò chuyện thống nhất là xong.

Lễ cưới được tổ chức vào buổi tối để đảm bảo an toàn, bởi ban ngày bom rơi đạn nổ. 10 giờ đêm cưới xong, đến 12 giờ khuya ông đã phải lên đường chiến đấu.

Một năm sau những trận đánh khốc liệt, ông mới có dịp trở về thăm nhà. Ông chị từng kể, có trận đánh, đơn vị của ông 41 người đi, chỉ 3 người sống sót trở về. Vậy mà những lần phép ngắn ngủi ấy, gia đình cứ thế đông dần lên với sự ra đời của 5 người con, đủ nếp, tẻ. Những năm tháng ông đi chiến đấu, bà ngoại của chị Giang tảo tần, hiền lành, lặng lẽ chăm sóc đàn con, chăm bố mẹ già, mòn mỏi đợi chồng trở về trong ngày đất nước hòa bình.

Ngày đất nước hoà bình, ông được phục viên và trở về bên bà sống cuộc sống yên bình ở làng quê. Sáu mươi năm bên nhau, không ồn ào, không xa hoa nhưng tràn ngập yêu thương. Ông vẫn là người đàn ông giản dị, hiền hậu, sống nghĩa tình. Bà vẫn là người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn là chỗ dựa ấm áp của cả gia đình. Cả làng ai ai cũng quý ông bà, bởi tấm lòng chân thành và nhân hậu.

Năm 2025, không chỉ là lễ thượng thọ 80 tuổi của bà ngoại chị Giang mà còn là kỷ niệm 60 năm ngày cưới của hai ông bà. Và thế là các thành viên trong gia đình chị Giang đã lên kế hoạch tổ chức một đám cưới trọn vẹn được tổ chức giữa ban ngày, rộn ràng, đầm ấm để bù đắp cho những thiệt thòi của ông bà năm xưa. Lần này, đám cưới của hai ông bà đã có hoa, có nhạc, có đầy đủ lễ nghi với tráp cưới hỏi, trầu cau, rước dâu, và cả đôi nhẫn cưới mà 60 năm trước chưa từng có. Ông không còn phải vội vã lên đường làm nhiệm vụ trong đêm tối, mà có thể nắm tay bà đứng trước con cháu, cùng nhau tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Quan khách là con cháu khắp Bắc Nam sum họp, ai ai cũng vui mừng, hạnh phúc. Nhìn ánh mắt ông bà trao nhau vẫn đong đầy yêu thương, bàn tay siết chặt như ngày nào. Ông khóc, bà khóc, và các con cũng khóc - vì xúc động, vì hạnh phúc trước tình yêu son sắt, bền chặt suốt 60 năm qua.

Chị Giang chia sẻ: “Tình yêu của ông bà mình đã nuôi dưỡng bao thế hệ, là bài học lớn nhất mà con cháu luôn noi theo. Nghĩ về hôn nhân của ông bà, chúng mình lại tự nhủ phải cố gắng để gìn giữ tổ ấm và mong sao sau này, mình cũng sẽ có một mối tình bền chặt như thế”. 
Vì sao tình càng già, càng cay?
Thực tế, không chỉ câu chuyện của ông bà ngoại chị Giang mà nhiều cặp vợ chồng già đã bền chặt sống với nhau tới đầu bạc răng long. Nhiều cặp vợ chồng già, xét về tính cách thì không hợp nhau, nếu không muốn nói là khắc khẩu. Vậy nhưng, càng ở bên nhau, họ dường như càng cố gắng để dàn xếp những khác biệt để hòa hợp hơn. Điều kỳ lạ là một trong hai người sẽ không thể sống thiếu nhau, dù khi ở bên nhau thì có thể họ không tránh khỏi xung đột.

Theo ThS Hoàng Thị Xuân Dung, chuyên gia tâm lý lĩnh vực tình cảm, hôn nhân gia đình của Ứng dụng chăm sóc sức khoẻ tinh thần Safe and Sound lý giải, xét về “lợi thế” so với hôn nhân của người trẻ tuổi,  hôn nhân của người cao tuổi có bề dày tình nghĩa, những khó khăn họ đã trải qua cùng nhau, những thành tựu mà họ đã cùng nhau đạt được. Thông qua những vất vả, thăng trầm trong cuộc sống, ngoài tình yêu nam nữ, họ đã xây dựng được một tình bạn đối với nhau. Họ đã phát triển được các phẩm chất như sự kiên nhẫn, lòng bao dung, sự cảm kích và chấp nhận đối phương. Người lớn tuổi cũng thuộc về một thế hệ trân trọng giá trị đạo đức truyền thống, trân trọng sự toàn vẹn và ổn định trong cấu trúc gia đình. 

Với các cặp vợ chồng già, việc quan hệ tình dục giảm từng được cho là một yếu tố khiến họ không còn cảm thấy khăng khít với nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn theo khía cạnh này thì sẽ không thể thấu cảm được hôn nhân của vợ chồng cao tuổi. Trên thực tế, việc ngủ riêng hay ít quan hệ tình dục hơn ở vợ chồng cao tuổi (so với vợ chồng trẻ) không đẩy họ ra xa khỏi hôn nhân và nảy sinh cảm giác xa lạ với người kia. Thay vào đó, chính sự bất mãn, thất vọng, cảm giác không được tôn trọng, không được yêu thương trong những tương tác đời thường… mới là thứ khiến người ta cảm thấy thất vọng trong hôn nhân. 

Vì vậy, các cặp vợ chồng già thường đã đi với nhau trong phần lớn chặng đường đời của mỗi người. Họ thấu hiểu cả về tính cách, ưu điểm, nhược điểm của nhau. Khi bước sang tuổi xế chiều, khi không còn phải lo toan công việc, họ sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc lẫn nhau và tận hưởng cuộc sống “vợ chồng son” một lần nữa. Những cặp đôi hạnh phúc dù có nỗi lo lắng về tương lai (bệnh tật, chia ly và cái chết…), họ cho biết họ không thấy sợ hãi hay nuối tiếc. Sức mạnh của họ không chỉ đến từ những năm tháng họ từng sống với nhau mà còn đến từ niềm tin rằng họ là “bạn đời” đồng hành của nhau.