Bài 4: Chú trọng lồng ghép giá trị gia đình trong các chiến lược phát triển

Admin
(PNTĐ) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”. Với Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ, văn minh đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch.
Bài 4: Chú trọng lồng ghép giá trị gia đình trong các chiến lược phát triển - ảnh 1
Các gia đình được tuyên dương tại Hội nghị Hội nghị Tuyên dương các gia đình truyền thống, gia đình văn hoá - hạnh phúc tiêu biểu của Thủ đô năm 2023 do Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức.

Đảng, Nhà nước luôn coi trọng giá trị gia đình
Trước bối cảnh đất nước đổi mới, song song với sự phát triển kinh tế - xã hội là những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường tới các mối quan hệ ứng xử có văn hoá trong gia đình, xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX đặc biệt quan tâm đến vai trò của gia đình trong giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người. Đảng đã thể chế hóa, triển khai cụ thể trong các nghị quyết, chỉ thị, trong đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) xác định xây dựng văn hoá gia đình có vai trò quyết định đến những kết quả đạt được của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Năm 2005, lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 49-CT/TƯ về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu của Chỉ thị số 49-CT/TƯ sau đó được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Kế thừa và phát huy quan điểm của Đảng về vai trò gia đình, Đại hội Đảng lần thứ XI, XII tiếp tục khẳng định vai trò của gia đình trong các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh đến giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình. 

Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đặc biệt coi trọng hệ giá trị của gia đình và với mỗi lĩnh vực, Đảng chỉ rõ vai trò cụ thể của gia đình. Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, Đảng nhấn mạnh phải “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”. Đối với phát triển văn hóa xã hội, Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". 

Bài 4: Chú trọng lồng ghép giá trị gia đình trong các chiến lược phát triển - ảnh 2
Các gia đình trẻ tiêu biểu được Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh tuyên dương năm 2023.

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong tình hình mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình. Chỉ thị khẳng định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”.

Có thể thấy, qua các thời kỳ, quan điểm, chỉ đạo của Đảng luôn được kế thừa và ngày càng hoàn thiện. Vào những năm đổi mới, Đảng chỉ đạo xây dựng văn hóa mới và đảm bảo hạnh phúc gia đình, tiếp đó là xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, Đảng đã bổ sung thêm yếu tố bình đẳng và tiếp tục nhấn mạnh yếu tố hạnh phúc trong xây dựng gia đình, cùng với đó là nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách con người. Hiện nay, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng tiếp tục kế thừa và nâng cao hơn nữa quan điểm chỉ đạo về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh gắn với tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". 
Tầm quan trọng của giữ gìn giá trị gia đình Thủ đô trong thời kỳ mới 
Theo TS Vũ Trường Giang và Ths. Trịnh Thị Thúy, Học viện Chính trị khu vực I, gia đình đóng vai trò rất quan trọng thể hiện ở 3 khía cạnh. 

Bài 4: Chú trọng lồng ghép giá trị gia đình trong các chiến lược phát triển - ảnh 3
Các gia đình tham gia cuộc thi “Khi đàn ông vào bếp” do Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức năm 2023.

Trước tiên, gia đình có vị trí, vai trò trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mỗi con người, trước khi trở thành công dân, thành viên của xã hội đều được sinh ra từ chính gia đình. Gia đình có yên vui, hạnh phúc mới trở thành nguồn nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ tương lai khỏe mạnh về thể chất, lành mạnh về tâm hồn, minh mẫn, sáng tạo trong trí tuệ... Gia đình còn có một chức năng khác là sinh sản và tái sản xuất xã hội. Nếu không có chức năng này thì không có các thành viên của xã hội, không có nguồn nhân lực để xây dựng và tổ chức vận động xã hội. Trong đó, việc sinh con khoẻ mạnh, thông minh hay yếu đuối là hết sức hệ trọng, liên quan chặt chẽ tới mái ấm hạnh phúc gia đình và sự phát triển nòi giống không chỉ của dòng họ mà cả quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, gia đình có vai trò duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội. Trải qua nhiều biến động, những truyền thống tốt đẹp của gia đình đã kết tinh thành hệ giá trị gia đình mang tính bền vững, đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn; là tình yêu thương, sự đùm bọc, chở che, là truyền thống hiếu học, trọng danh dự... Những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống đã tạo không gian, môi trường văn hóa lành mạnh để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, nhận thức của con người theo hướng nhân văn, tốt đẹp; hạn chế những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn, đẩy lùi cái xấu, cái ác.

Thứ ba, gia đình góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển để xây dựng đất nước. Chính thông qua việc tổ chức cuộc sống có nền nếp theo gia phong, gia đạo; dạy dỗ, ứng xử, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên gia đình... mà góp phần tạo nên nhân cách văn hóa mang dấu ấn, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn trong thế hệ trẻ. 

Theo TS. Bùi Thị Mai Đông, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh nhiều tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt. Người Hà Nội luôn đề cao giá trị gia đình, quan niệm gia đình như một giá trị thiêng liêng, coi gia đình là hạt nhân của đời sống xã hội. Các cá nhân muốn tồn tại và phát triển phải gắn kết với nhau trong một gia đình. 

Gia đình Hà Nội là loại hình gia đình truyền thống, mang đậm nét thanh lịch Tràng An - tố chất cơ bản của người Hà Nội, thể hiện ở lối sống văn hóa, ứng xử ở trình độ cao. Thanh lịch trong cách ăn mặc; cách đối nhân xử thế; cách nói năng và trong mọi hành vi... Trong gia đình Hà Nội gốc đề cao cách ứng xử kín đáo, lịch lãm, ứng xử với nhau có thủy có chung, có họ hàng, làng xóm, biết nhường nhịn nhau bởi “một điều nhịn, chín điều lành”. Trong các gia đình Hà Nội truyền thống, nền nếp, gia phong trong mối quan hệ giữa con cháu đối với ông bà, cha mẹ, là “gọi dạ, bảo vâng”; trong quan hệ của người bề dưới đối với bề trên là: “kính lão đắc thọ”; cách ứng xử của anh chị em là “kính trên, nhường dưới”, “chị ngã, em nâng”. Trong quan hệ vợ chồng là “thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”... Hầu hết các gia đình đều cố gắng vươn lên để khẳng định gia giáo, gia lễ, gia phong của mình, nhằm ổn định và bền vững gia đình, góp phần làm ổn định xã hội. 

Có thể nói, không thể có một Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, nếu như không dựa trên cơ sở xây dựng những gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Trong bối cảnh nhiều biến đổi đang tác động đến các giá trị tốt đẹp của gia đình, xác định tầm quan trọng của gia đình, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 30/12/2021 thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TƯ của Ban bí thư, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 11/3/2022 thực hiện Kế hoạch số 57/KH-TU của Thành ủy, trong đó đặt ra nhiệm vụ: Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đặt ra chỉ tiêu đạt 86-88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”. 

Thực hiện chỉ tiêu này, Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; đề cao vai trò trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên theo phương châm kết hợp “gia đình - nhà trường - xã hội”. Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình để gìn giữ phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô từ truyền thống tới hiện đại”.

(Còn nữa)