Bảo tàng gốm kể chuyện sông Hương

Hoàng Huyền
Tại Huế, có một bảo tàng tư nhân trưng bày những cổ vật được vớt từ lòng sông Hương, do một phụ nữ đã cất công sưu tập suốt 30 năm qua. Trong tháng 4/2022, Bảo tàng gốm sứ sông Hương chính thức khai trương đón du khách đến tham quan.

bao-tang-gom-ke-chuyen-song-huong-dulichgiaitrivn-van-hoa-1650897151.jpg
Du khách tham quan không gian Bảo tàng gốm sứ sông Hương trong ngày đầu tiên mở cửa - Ảnh: VGP/Minh An

Đặt trong không gian của ngôi nhà vườn cổ kính, nhìn ra sông Hương - số 120 Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long, TP. Huế), Bảo tàng gốm cổ sông Hương là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ ba ở Thừa Thiên Huế và thứ 55 ở Việt Nam.

Tại đây trưng bày bộ sưu tập "khủng" với hơn 5.000 hiện vật gốm từ lu, chum, hũ, nồi, cho đến các kiểu bình, đĩa, vò, chén… trang trí hoa văn rất phong phú. Tất cả được phân loại theo giai đoạn kỹ lưỡng.

Chủ nhân của Bảo tàng, GS.TS Thái Kim Lan cho biết: Hơn 30 năm về trước, trong lúc cùng người anh trai là hoạ sĩ Thái Bá Nguyên đi dạo dọc theo sông Hương, đoạn chảy qua trung tâm TP. Huế, thấy nhiều người bày bán các loại hũ, bình, sành sứ… tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương.

"Tôi vừa bất ngờ, vừa xúc động và quyết định sưu tập từ đó. Hễ cứ nghe thông tin nơi nào có gốm sông Hương là tôi tìm đến, nhiều món đồ hữu duyên được sưu tập", bà Lan chia sẻ.

Về lý do lập bảo tàng ngay tại chính ngôi nhà vườn của gia tiên, bà Lan cho biết, muốn lan toả văn hoá để kể câu chuyện sông Hương đến với mọi người.

"Mọi người sẽ ngắm sông Hương trước khi di chuyển vào bên trong để ngắm những hiện vật, như một cách để họ hiểu hơn văn hoá, lịch sử mà ngàn xưa để lại ngay dưới đáy sông sâu. Tôi mong mọi người hiểu được giá trị, tâm sự của người xưa, mỗi hiện vật tự thân nó là một câu chuyện, như một lời dặn người nay phải biết giữ lại những giá trị xưa cũ", GS.TS Thái Kim Lan hy vọng.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương được GS.TS Thái Kim Lan cùng những cộng sự là các chuyên gia văn hoá, khảo cổ tiến hành hệ thống hoá theo các nhóm như Tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, gốm nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc…).

TS. Khảo cổ học Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hoá, Đại học Văn hoá Hà Nội) - cố vấn chuyên môn của Bảo tàng gốm cổ Sông Hương - cho rằng, ở Việt Nam các hiện vật gốm được phát hiện ở các dòng sông rất nhiều nhưng sau đó bị phân tán đi khắp nơi và chưa có ai lập thành bảo tàng chuyên đề về gốm từ một vài dòng sông như ở đây. Người ta thường chỉ biết nhiều đến Huế giai đoạn từ sau thế kỷ 14 và nhất là triều Nguyễn nhưng lịch sử vùng đất Huế còn dài và xa hơn thế. "Vì thế những hiện vật gốm cổ trong bảo tàng này sẽ giúp nhiều nhà nghiên cứu hiểu hơn về đời sống của người dân bản địa sống trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử", TS. Thư khẳng định.

Minh An