Bình Định điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân

Admin
Tỉnh Bình Định chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang thanh toán các dự án khác.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành chỉ đạo về việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu, đến hết quý III/2024 đạt trên 60%; đến hết quý IV đạt trên 90%, riêng vốn riêng kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2024 đạt 100%; đến hết 31/1/2025 phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 4.281,9 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 54,44% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 45,23% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao, cao hơn mức bình quân cả nước (34,68%).

Bình Định điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân- Ảnh 1.

Tỉnh Bình Định yêu cầu các chủ đầu tư, sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: Thu Dịu

Theo ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, thời gian qua các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt một số kết quả tích cực. Bên cạnh các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân tốt vẫn còn một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân chưa đạt.Xuất phát từ thực tế đó, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. 

Cụ thể, đến hết ngày 30/9/2024, toàn tỉnh phải thực hiện giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.Kiên quyết điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm giải ngân sang thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình quan trọng, cần thiết khác có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các chủ đầu tư phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu. Phối hợp hiệu quả với các sở, ngành liên quan để xử lý nhanh các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến triển khai, giải ngân dự án đầu tư công.

Chủ đầu tư tăng công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân.

Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án trình cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong cùng chủ đầu tư theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư ưu tiên sử dụng kế hoạch vốn được phân bổ năm 2024 để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, đường liên vùng, đường ven biển…

Đồng thời, tỉnh giao các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.