Cà phê đường tàu

Admin
Mấy năm trước, chính quyền đã cấm cái món cà phê đường tàu này, và như chúng ta đã thấy, chả cấm được, mà nó còn phát triển hơn.

Mấy hôm nay dân tình ồn lên việc một cô gái lao ra trước đầu đoàn tàu đang lao đến ở cái “phố cà phê đường tàu” Hà Nội. Ông chủ quán cà phê ấy đã lao ra đẩy cô gái khỏi đường tàu và sau đấy thì... nhận phiếu phạt.

Mấy năm trước, chính quyền đã cấm cái món cà phê đường tàu này, và như chúng ta đã thấy, chả cấm được, mà nó còn phát triển hơn.

Và mới té ra, dân ta, và cả tây, hình như tây nhiều hơn, có cái khoái thú cà phê đường tàu này. Thực ra là khoái cái không khí đường tàu. Nó có cái gì đấy vừa hồi hộp, vừa tò mò lạ lẫm lại cả sự háo hức trẻ thơ, nó ngưng lặng trong chuyển động, tịch mịch giữa nhốn nháo, nó hòa trộn sự tinh nghịch và thử thách, nó như thử thách ý chí của con người.

Làm tôi lại nhớ tận bên Đài Loan (Trung Quốc) người ta cũng có cái món “thưởng thức” đường tàu này, và người ta biến nó thành... tiền, thu tiền từ chính món đường tàu này. Và cũng té ra, nếu tổ chức một cách quy củ, khoa học, thì sẽ an toàn, không có tai nạn như nhiều người lo sợ.

Đa chiều - Cà phê đường tàu

Ảnh minh họa khách tây thích thú chụp ảnh bên đường tàu, phía trước một quán cà phê (Ảnh: Nikkei Asia)

Một cái làng, từng nghèo, rất nghèo là làng Thập Phần ở xứ Đài ấy. Đây là ngôi làng chỉ có 10 nóc nhà, ở sâu trong núi, có đường sắt chạy qua. Ngày xưa vì hẻo lánh nên rất hay bị cướp. Làm được chút gì là lại khuân vào núi giấu. Mỗi khi cướp đến là lại chạy trốn vào núi, chỉ một ít người già và trẻ con ở lại trông làng và... đối phó với cướp bằng cách nói là chả có gì trong làng, mọi người đi làm thuê hết rồi. Đến khi cướp bỏ đi thì người trong làng báo cho người đang trốn trong núi biết bằng cách đốt mấy cái đèn thả lên trời. Người trốn nhìn thấy đèn biết đã an toàn lại lục tục trở về. Chỉ có thế mà họ biến thành đặc sản du lịch. Giờ đấy là một khu phố sầm uất dù vẫn hẻo lánh thế, mang tên phố cổ Thập Phần. Khách du lịch đến chỉ làm mỗi việc: Móc ví, còn lại người dân Thập Phần làm hết: Mang đèn ra, đưa bút lông cho khách ghi nguyện vọng, ước muốn, tâm tư tình cảm vào đấy. Xong rồi khách đưa điện thoại cho chủ, rất chuyên nghiệp họ chụp ảnh cho khách, chụp nhiều hướng, hướng dẫn cho khách tư thế đứng để lột tả và lấy hết chữ trên đèn nữa, rồi họ đưa bật lửa, khách tự đốt đèn, rồi bốn người bốn góc, trịnh trọng thả đèn ấy cho bay lên giời, theo hiệu lệnh của chủ bởi nếu không đều đèn nghiêng sẽ cháy ngay khi chưa kịp bay. Đèn lơ lửng bay lên mang theo ước mơ, khát vọng cháy bỏng của từng người, từng gia đình, từng nhóm người, gửi gắm lên giời. Chỉ có điều, ông giời ở đây là giời... Đài Loan (Trung Quốc), nói và viết tiếng Đài, suy nghĩ kiểu Đài, khách là người thập phương, rất đông người Việt, viết và cầu bằng tiếng và chữ xứ sở mình, chả biết giời xứ Đài có nghe có thấu hiểu để biết mà phù hộ không?

Nhưng mà đông lắm, tôi thấy nghìn nghịt người thả đèn. Tất nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Nếu là người Việt thì có người Việt và người biết tiếng Việt giúp, chứng tỏ rất đông người Việt đã đến đây. Sau khi chúng ta đi cầu hết các chùa chiền miếu mạo danh lam thắng cảnh khắp trong Nam ngoài Bắc giờ đã đổ xô ra nước ngoài cầu tiếp.

Cái làng cổ Thập Phần giàu và sang lên nhờ việc kinh doanh thả đèn giời ấy, trở thành một địa chỉ du lịch không thể không đến khi tới Đài Loan. Ở 2 đầu làng có 2 người được trả lương để... gác tàu. Mỗi khi tàu đến thì họ báo động, thế là cả khách và chủ chạy dạt ra, hết tàu lại xúm vào, cứ đứng trên đường ray mà thả vì làng rất bé, mấy dãy nhà lẹo tẹo, thế mà sầm uất, mà giàu sang.

Và tôi nghĩ, sao Hà Nội lại không làm như Đài Loan (Trung Quốc) nhỉ?

Tất nhiên là chính quyền sẽ mệt vì quản lý và cả... thon thót lo. Nhưng nếu ta quy hoạch bài bản, tất cả được lập trình quy củ thì chắc là sẽ an toàn, và ở đấy trở thành một điểm du lịch, ít nhất là những hộ ở quanh đấy kinh doanh tốt lên, sẽ đóng thuế nhiều hơn, và như thế, nhà nước cũng có lợi.

Và cũng quả là, từ hồi có món cà phê đường tàu ấy chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, dù giờ mới hoàn toàn là tự phát. Tự phát là những nhà bán cà phê ấy nắm rất chắc giờ tàu chạy, và trước mười phút là đã báo động cho khách. Một tờ báo trích lời một chủ quán: "Tất cả các chủ cửa hàng, quán cà phê tại đây đều rất có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn cho du khách và du khách cũng vậy. Sự việc cô gái lao ra đường ray khi tàu đến vừa qua chỉ là sự cố hy hữu, ngay lập tức chúng tôi cũng đã kéo cô gái này vào.

Quán nào cũng có lịch tàu chạy cho du khách nắm. 10 phút trước khi tàu đến các quán đã dọn dẹp bàn ghế, nhắc nhở khách đứng gọn vào, không có chuyện tàu đến vẫn lao ra chụp ảnh".

Chứ như bây giờ, cấm không ra cấm mà cho phép cũng chả cho phép, thế là nó vẫn tồn tại, nhưng là kiểu tồn tại chui, chui nhưng lại công khai, tồn tại không phép nhưng vẫn hiên ngang, và vẫn vui như hội mỗi khi tàu tới.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả